Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022: Hướng đến mục tiêu Chính phủ đã đề ra

20:03 | 30/11/2022

542 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiều 30/11, tại Hà Nội, Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) tổ chức họp báo thông tin về hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 - Vietnam Wind Power.
Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022: Hướng đến mục tiêu Chính phủ đã đề ra
Các chuyên gia trả lời các câu hỏi liên quan đến phát triển điện gió tại Việt Nam

Chia sẻ tại họp báo, ông Bùi Vĩnh Thắng, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu cho biết, hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 sẽ diễn ra trong hai ngày 1 và 2/12 tại Hà Nội. Được tổ chức thường niên từ năm 2018 tới nay, hội nghị lần này là thời điểm quan trọng đối với ngành điện gió tại Việt Nam và hội tụ các cơ quan chính phủ và đại diện ngành công nghiệp trong nước và quốc tế thảo luận về các chủ đề chính ảnh hưởng đến ngành điện gió nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, tạo điều kiện để chính phủ và ngành điện gió thảo luận về các vấn đề cấp bách xung quanh việc phát triển năng lượng gió ở Việt Nam.

Hội nghị sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện đại sứ quán các nước tại Việt Nam như: Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Đức, Anh… cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế.

Hội nghị sẽ thảo luận về các vấn đề chính như: Vai trò của năng lượng gió trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu và trong hỗn hợp năng lượng trong tương lai của Việt Nam; cơ chế thay thế để triển khai điện gió trên bờ và chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi.

Các chuyên đặt kỳ vọng, hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 sẽ mang đến cơ hội lớn để các công ty trong ngành điện gió gặp gỡ, hợp tác và xác định các cơ hội và giải pháp để thúc đẩy triển khai năng lượng gió ở Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, chúng ta cần cả nguồn lực kỹ thuật và nguồn lực tài chính. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các dự án điện gió ngoài khơi, vốn rất mất nhiều thời gian và cần những khoản đầu tư lớn để thiết kế, xây dựng và thương mại hóa.

Vì vậy, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều cần một khung thể chế ổn định. Có ý kiến đề xuất cần thiết thành lập một Ủy ban điều phối liên bộ, có thể do Bộ Công Thương chủ trì. Theo đó, Ủy ban này làm việc để đẩy nhanh việc giải quyết những nút thắt giữa các Bộ khác nhau.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên tốt nhất trên toàn cầu. Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đặt ra mục tiêu là 7 GW điện gió ngoài khơi và 21 GW điện gió trên bờ vào năm 2030.

Việt Nam có hệ thống cảng biển tự nhiên phù hợp cho các dự án điện gió ngoài khơi, và một lực lượng lao động có nhiều kỹ năng được chuyển giao từ lĩnh vực dầu khí. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc tạo môi trường thuận lợi cho chuyển dịch năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, một lợi thế khác là Việt Nam có đường bờ biển dài và nguồn gió ngoài khơi đủ lớn.

Với tiềm năng lớn, điện gió ngoài khơi có thể đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, mang lại khả năng dự đoán về giá cả, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong một ngành công nghiệp mới, cải thiện cán cân thương mai đồng thời đạt mục tiêu cam kết của chính phủ phát thải ròng bằng 0 và thu hút đầu tư quốc tế.

GWEC và ngành điện gió sẵn sàng hợp tác với chính phủ để phát triển các giải pháp để có thể đưa ngành điện gần hơn với các mục tiêu mà chính phủ Việt Nam đặt ra.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên gió tốt nhất trên toàn cầu. Quy hoạch Điện VIII (QHĐ8) hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu, dự thảo với mục tiêu từ nay đến 2020 phát triển 7GW điện gió ngoài khơi và 21 GW điên gió trên bờ. Ngành điện gió đã sẵn sàng và có thể thực hiện các mục tiêu này giúp Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng, cải thiện cán cân thương mại, tăng tính bền vững của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc tế của đất nước

Minh Châu