Học sinh tiểu học được "nghe và nhìn" trong giờ Lịch sử

14:58 | 16/05/2013

4,855 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM về dạy học Lịch sử qua phương tiện nghe nhìn để giúp học sinh khắc sâu kiến thức trong một giờ học thật sự hấp dẫn và sinh động, nhiều trường Tiểu học trên địa bàn thành phố đã triển khai phương pháp này và đạt được kết quả rất khả quan.

Vì sao học sinh “chán” học Sử?

Bà Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) cho rằng: Hiện nay, Lịch sử được đánh giá là một môn học nặng về tái hiện thông tin, buộc ghi nhớ gượng ép, máy móc vì có rất nhiều thông tin về quá trình hình thành và phát triển của sự vật, hiện tượng, sự kiện, nhân vật, cộng thêm vô số số liệu, thời gian, địa điểm. Bên cạnh đó, việc dạy và học Lịch sử hiện nay đã quá chú tâm vào tính thuộc bài, theo kiểu học vẹt nhưng lại thiếu không gian tư duy. Đó là nguyên nhân khiến học sinh “chán” học môn Lịch sử, coi đó là môn học khô khan, nhàm chán.

Nhiều giáo viên cũng thừa nhận, trong việc giảng dạy môn Lịch sử thời gian qua, đôi lúc giáo viên chưa toàn tâm, toàn ý cho nội dung cần phải chuyển tải, chỉ dạy qua loa cho xong chứ chưa đi sâu vào việc đổi mới phương pháp dạy học. Nội dung dạy bị bó hẹp theo sách giáo khoa, mối liên kết, khái quát một giai đoạn lịch sử không rõ ràng, gây khó hiểu và không truyền được sự hứng thú học Sử cho học sinh.

Dạy Lịch sử bằng phương pháp nghe nhìn cho học sinh tiểu học

Ví dụ, ở bài 8, bài 9 trong chương trình dạy Sử lớp 4 là “Cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất năm 981 và Nhà Lý dời đô ra Thăng Long năm 1010”, hai bài liên tiếp hai sự kiện lịch sử với thời gian dài gần 30 năm, có biết bao nhiêu biến đổi mà không được giới thiệu, nêu ra mối liên kết lịch sử, làm cho học sinh rất khó hiểu.

Trong thời gian qua, nhiều quan điểm quy kết trách nhiệm “chán ghét” môn Sử về phía học sinh, do vậy tìm cách áp đặt, bắt buộc các em học Lịch sử mà không biết rằng làm như vậy là duy ý chí. Thực tế, nguyên nhân sâu xa khiến học sinh chưa yêu thích môn Lịch sử còn là vì nội dung chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, trình độ đội ngũ giáo viên. Để học sinh yêu thích môn Sử cách duy nhất vẫn là mang đến sự hào hứng thật sự cho học sinh ở môn học này.

Biến những bài học Lịch sử trở nên sinh động

Trước thực trạng trên, từ năm 2012 TP HCM đã đề ra phương pháp dạy Sử mới bằng phương tiện nghe nhìn, áp dụng ban đầu ở bậc Tiểu học. Mục đích của việc áp dụng phương pháp này nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh và cũng nhằm đổi mới tư duy, phát huy năng lực của giáo viên, coi việc thực hành, thực nghiệm, hoạt động ngoại khóa là một yêu cầu quan trọng của giáo dục và đào tạo.

Với phương pháp nghe nhìn, kiến thức Lịch sử được truyền đạt đến học sinh qua những cuốn phim tư liệu, video clip, tranh, ảnh phong phú, tránh được sự truyền đạt kiến thức một cách máy móc, nhồi nhét, giúp học sinh tự làm chủ kiến thức, không phải học vẹt, học chay...

Bà Phạm Thị Thùy Trang - Tổ Tiểu học Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 2 cho biết: việc sử dụng phương tiện nghe nhìn đã hỗ trợ rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử. Giáo viên tổ chức được những tiết học sinh động, nhẹ nhàng, hiệu quả, xóa đi kiểu dạy học nhồi nhét một cách vô cảm về những sự kiện, con người, ngày tháng. Học sinh tiếp thu kiến thức một cách hào hứng, vui tươi… và từ đó tăng thêm lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chủ động tìm tòi, khám phá, thêm yêu lịch sử nước nhà.

Học sinh hào hứng hơn với những tiết học Sử trực quan, sinh động

Thực tế, các trường tiểu học áp dụng phương pháp dạy Lịch sử bằng phương tiện nghe nhìn như: trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), trường Phan Đình Phùng (quận 3), trường Bình Chiểu (quận Thủ Đức),… đều đánh giá học sinh tham gia tích cực, hứng thú hơn trong những giờ học Lịch sử, một số học sinh ở khối lớp 4, 5 còn tham gia vào việc chuẩn bị tư liệu cho môn học, chất lượng học tập từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, với phương pháp giảng dạy trên, giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức bài giảng vì nguồn tư liệu lịch sử, tranh ảnh chưa phong phú, bản thân giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu nên kiến thức tin học còn nhiều hạn chế, việc chọn lọc nguồn tư liệu mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc soạn bài giảng có sử dụng các phương tiện nghe, nhìn mất nhiều thời gian, giáo viên cũng chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Để khắc phục những khó khăn này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã đưa ra các giải pháp nâng cao nhận thức của đội ngũ giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học; tổ chức các hình thức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên như: ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Lịch sử, tổ chức tập huấn soạn giảng tiết dạy Sử bằng phương pháp nghe nhìn; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm dạy Sử cho giáo viên các trường tiểu học; xây dựng tiêu chí giờ học Lịch sử thân thiện;…

Mai Phương