Ho Feng Shan - Người Trung Hoa cứu tinh ẩn danh (Phần 2)

14:00 | 30/08/2019

1,172 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vào thời gian đó, Chen Lie - Đại sứ Trung Hoa ở Berlin và thượng cấp trực tiếp của Ho Feng Shan - cảm thấy lo lắng về hành động cấp visa hàng loạt có thể gây phương hại đến mối quan hệ ngoại giao Trung - Đức.

Những tấm visa thấm đẫm lòng trắc ẩn

Trong số những người nhận được visa từ Ho Feng Shan mà Ho Manli may mắn tìm thấy là Eric Goldstaub. Lúc nhận được 20 visa mà Ho cấp cho gia đình, Goldstaub chỉ mới 17 tuổi. Goldstaub kể lại cho Ho Manli biết ông đã gõ cửa đến 50 tòa nhà lãnh sự ở thành phố Vienna trước khi đến gặp Ho Feng Shan. Theo Goldstaub, Lãnh sự quán Trung Hoa Dân quốc là nơi mà phần đông người Do Thái ở Áo không hề biết đến và họ cũng không ngờ rằng ở đây có một vị cứu tinh cho cuộc đời họ.

ho feng shan nguoi trung hoa cuu tinh an danh phan 2
Ho Feng Shan khi còn làm tổng lãnh sự ở Vienna, Áo năm 1938

Về sau, Goldstaub viết về lần đến Lãnh sự quán Trung Hoa Dân quốc ở Vienna trong cuốn hồi ký của mình: "Thật là một điều bất ngờ quá sức tưởng tượng đang chờ đợi tôi! Một sự tiếp đón nồng hậu, một nụ cười thân thiện và thông điệp sau đó: Hãy mang các hộ chiếu của anh đến đây và chúng tôi sẽ cấp cho anh các visa đến đất nước chúng tôi". Goldstaub qua đời năm 2012 lúc 96 tuổi ở thành phố Toronto của Canada. Hiện thời 2 con trai và một con gái của Goldstaub vẫn còn sống.

Danny Goldstaub, con trai của Goldstaub, nói: "Nếu không có Ho Feng Shan, nhiều mạng sống sẽ không tồn tại cho đến tận ngày hôm nay". Một gia đình khác được Ho Feng Shan cứu sống là gia đình Karl Lang. Về sau, hai con gái của Lang - Marion Alflen và Susuie Margalit - kể cho Ho Manli biết cha của họ bị bắt giữ và may mắn thoát khỏi trại tập trung Dachau của Đức Quốc xã như thế nào. Karl Lang chỉ được thả sau khi vợ ông có được "visa Thượng Hải" để trình lên bọn Đức làm chứng cho quyền di cư. Gia đình Lang rời khỏi nước Áo để đến Anh và cuối cùng sang Mỹ.

Trong lúc đó, Chen Lie - Đại sứ Trung Hoa ở Berlin và thượng cấp trực tiếp của Ho Feng Shan - cảm thấy lo lắng về hành động cấp visa hàng loạt có thể gây phương hại đến mối quan hệ ngoại giao Trung - Đức.

ho feng shan nguoi trung hoa cuu tinh an danh phan 2

Khu Do Thái ở thành phố Thượng Hải.

Chen Lie ra lệnh cho Ho dừng ngay việc cấp visa nhưng ông bất tuân lệnh và vẫn tiếp tục công việc cứu người của mình. Về sau, Ho Feng Shan bị trừng phạt với một điểm xấu trong lý lịch. Đầu năm 1938, tòa nhà Lãnh sự quán Trung hoa Dân quốc bị Đức Quốc xã tịch thu do đây là tài sản của người Do Thái.

Lúc đó, Ho Feng Shan đã dùng tiền túi mở văn phòng mới ở nơi khác để tiếp tục công việc mạo hiểm đến tính mạng của mình. Ho Manli giải thích: "Đó là tính cách của cha tôi - rất nguyên tắc, thẳng thắng và chính trực. Ông là người có lương tâm và can đảm với trái tim đầy trắc ẩn".

Để tìm hiểu về số lượng visa mà Ho Feng Shan cấp phát, Ho Manli căn cứ vào các con số sêri cao nhất - tức gần 4.000 visa được cấp khoảng một năm sau khi nước Áo bị Đức thôn tính vào tháng 3-1938. Ho Manli cho biết, con số chính xác visa được cấp phát trong những tháng cuối cùng trước khi nổ ra Thế chiến II vào ngày 1-9-1939 rất khó xác định được.

ho feng shan nguoi trung hoa cuu tinh an danh phan 2
Ho Feng Shan và con gái Ho Manli, năm 1977

Tuy nhiên, tài liệu duy nhất mà Ho Manli tìm thấy được tiết lộ gần 2 năm sau, tháng 3-1938, Lãnh sự quán Trung Hoa Dân quốc ở Vienna cấp phát trung bình 500 visa trong một tháng cho người Do Thái. Cũng có bằng chứng cho thấy ngoài visa, Ho Feng Shan còn cấp những giấy tờ khác để giúp người Do Thái.

Danh hiệu cao quí do Israel trao tặng

Ho Manli cũng đang viết cuốn sách về câu chuyện của người cha vừa được khám phá. Bà tâm sự: "Tôi muốn nói đây là kỳ công lớn nhất trong đời làm báo của tôi. Tôi cảm thấy có trách nhiệm không chỉ với người cha của mình mà còn với những người sống sót. Đây là nhiệm vụ tôi tự đặt ra cho mình khi cố gắng tập hợp tất cả chi tiết trong một cuốn sách".

Ho Feng Shan chào đời năm 1901 trong vùng quê nghèo khó ở Trung Hoa và lớn lên không có cha. Năm 1932, Ho Feng Shan tốt nghiệp Đại học Munich với học vị tiến sĩ. Ông bắt đầu bước vào môi trường ngoại giao năm 1935 và phục vụ gần 40 năm trước khi về hưu và sống đến cuối đời ở San Francisco bang California nước Mỹ. 10 năm sau khi Ho Feng Shan qua đời năm 1997, thể theo nguyện vọng của ông, gia đình đưa hài cốt của ông về thành phố quê hương Ích Dương thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Ho Feng Shan viết trong hồi ký: "Nhìn thấy người Do Thái quá bất hạnh nên lòng trắc ẩn nổi lên là lẽ tự nhiên, nó bắt buộc tôi phải giúp những người này".

Tháng 7-2000, Israel ban tặng danh hiệu "Nhân vật đạo đức trong số các Quốc gia" - một trong những danh hiệu cao quý nhất của Nhà nước Do Thái - cho Ho Feng Shan "vì sự can đảm đầy tính nhân đạo" của ông./.

Thiên Phú