Khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc

Hiệu ứng "độc hại" lan toả

09:40 | 04/01/2022

227 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trung Quốc đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất. Tình trạng thiếu điện khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phải đóng cửa, việc cung cấp điện cho các tòa nhà dân cư bị hạn chế...
Hiệu ứng
Tình trạng cúp điện tại Trung Quốc đang diễn ra thường xuyên

Những lời kêu gọi tiết kiệm điện của Chính phủ Trung Quốc là một chủ đề tin tức đáng quan tâm tại Trung Quốc trong nhiều tháng qua. Nhưng vào cuối tháng 9-2021, một cuộc khủng hoảng quy mô lớn đã xảy ra do việc cắt điện thường xuyên, ảnh hưởng đến các khu vực công nghiệp lớn. Ở phía đông nam tỉnh Giang Tô, một trong những nơi giàu có nhất Trung Quốc, gần 150 công ty đã phải đóng cửa, hơn 1.000 nhà máy và xí nghiệp đã đưa ra “kế hoạch tiết kiệm điện 2 giờ mỗi ngày”. Các doanh nghiệp ở Quảng Đông cũng phải đối mặt với các hạn chế về điện, trong khi ở các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh, việc cắt điện chủ yếu ảnh hưởng đến các khu dân cư.

Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng năng lượng đã xảy ra ở ít nhất 20 khu vực của Trung Quốc, chiếm 2/3 GDP của cả nước, ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất ôtô, điện tử, luyện kim, hóa chất, đồ nội thất...

Mới đây, Hội đồng Điện lực Trung Quốc cho biết, việc cung cấp than cho đất nước sẽ được tăng lên bằng mọi giá. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn tiếp cận được than từ Australia vì xung đột chính trị. Năm ngoái, Trung Quốc đã từ bỏ việc nhập khẩu than từ Australia để chuyển sang mua than từ Indonesia, Nga, Mỹ, Canada và các nước khác. Kết cục, trong 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu than của Trung Quốc đã giảm 10% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiệu ứng
Một cảng hàng hóa ở Trung Quốc

Tình hình có vẻ càng trở nên bi đát hơn khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào than, vốn chiếm gần 57% sản lượng điện của đất nước, trong khi áp lực quốc tế yêu cầu Trung Quốc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính không ngừng gia tăng.

Cuộc khủng hoảng năng lượng đã cho thấy rõ rằng, có thể nhanh chóng và tương đối dễ dàng thay thế các nhà máy điện than bằng điện gió và điện mặt trời ở Trung Quốc. Các chỉ số tuyệt đối về vận hành các nguồn năng lượng tái tạo thực sự rất ấn tượng. Theo Tổng cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc, các nhà máy điện gió với tổng công suất 71,67 GW đã được xây dựng ở nước này. Ngoài ra, vào năm 2020, Trung Quốc đã lắp đặt các tấm pin mặt trời với công suất 48,2 GW. Việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và đập thủy điện mới có thể giúp phá vỡ sự bế tắc hiện tại và Trung Quốc thực sự đang nghiên cứu các siêu dự án trong các phân khúc năng lượng này.

Nhưng đó là những dự án tương đối dài hạn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang xảy ra. Trong những tháng gần đây, các chuyên gia đã lên tiếng về các công ty lớn ở Trung Quốc, chẳng hạn như nhà phát triển bất động sản Evergrande, đã đứng trước bờ vực phá sản, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Giờ đây, các nhà phân tích tin rằng, viễn cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là thực tế sự lan tỏa các hiệu ứng “độc hại” đã vượt xa khỏi biên giới Trung Quốc.

Hiệu ứng

Các nhà phân tích nói rằng, trong số các phân khúc sản xuất công nghiệp của Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất do tình trạng thiếu điện là chip điện tử. Ngoài ra, tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất đồ gia dụng, quần áo, đồ chơi. Nếu sự cố mất điện ở Trung Quốc kéo dài hơn một tháng, nó có thể ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp trên thế giới hiện đang gấp rút tích trữ hàng hóa trước mùa bán hàng cuối năm. Xe đạp, đồ gỗ, điện thoại thông minh... tại châu Âu hay Mỹ đang khan hiếm tại các nhà máy cũng như các cửa hàng. Sự hồi phục sau đại dịch Covid-19 không phải là nguyên nhân duy nhất. Các tàu biển phải chờ chực ở cảng để bốc dỡ hàng. Cảng Los Angeles (Mỹ) đã phải hoạt động 24/24. Tại châu Á, container thiếu thốn và các nhà máy tại Trung Quốc hoạt động thất thường. Nguyên vật liệu được tranh giành gây hậu quả dây chuyền thiếu hàng hóa trên thị trường...

Đáng chú ý, Trung Quốc đang “thống trị” thị trường vận chuyển vì sản xuất hầu hết các container trên thế giới. Báo Les Echos của Pháp báo động sự lệ thuộc đáng kinh ngạc của thế giới vào các container Trung Quốc. Nạn thiếu container là một trong những nguyên nhân chính đang bóp nghẹt vận chuyển hàng hóa, do lĩnh vực này hoàn toàn lệ thuộc vào container Trung Quốc. Hiện giá một container 40 feet đã lên đến 6.500 USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá container lạnh và container chở dầu cũng tăng với mức độ tương tự. Hiện nay, Trung Quốc sản xuất trên 96% container hàng khô, 100% container hàng đông lạnh và trên 90% container dầu. CIMC, một nhà sản xuất container Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2021 thu được lợi nhuận 4,39 tỉ Nhân dân tệ (600 triệu euro), tăng đến 1.739% so với năm 2020.

Giá vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc sang Mỹ từ 2.000 USD năm 2019 đã vọt lên 15.000 USD, sang Hà Lan tăng 659%. Những công ty hàng hải không hành động gì để kéo giá xuống.

Với chủ trương “zero Covid”, Trung Quốc luôn duy trì tình trạng khẩn cấp trước biến thể Delta, nay với biến thể Omicron, việc siết chặt càng thêm gắt gao. Cảng Ninh Ba - Chu Sơn, cảng xuất hàng lớn thứ ba thế giới, bị tê liệt một phần chỉ vì một nhân viên bị dương tính với Covid-19, một cầu cảng công suất 10 triệu container bị đóng, tất cả nhân viên phải xét nghiệm. Cảng Diêm Điền, chiếm 10% hàng xuất khẩu Trung Quốc, hồi tháng 5-2021 cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Năm ngoái, Trung Quốc đã từ bỏ việc nhập khẩu than từ Australia để chuyển sang mua than từ Indonesia, Nga, Mỹ, Canada và các nước khác. Kết cục, trong 8 tháng năm 2021, nhập khẩu than của Trung Quốc đã giảm 10% so với cùng kỳ năm 2020.

S.Phương