Công ty Than Nam Mẫu

Hiệu quả cao nhờ tái cơ cấu

05:56 | 18/09/2019

723 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/ĐU của Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Chỉ thị số 15-CT/ĐU của Đảng ủy Than Quảng Ninh về tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020, với sự chủ động, sáng tạo, Công ty Than Nam Mẫu đã đạt được những kết quả tích cực.    

Năm 2019 nhu cầu than tăng cao, để có đủ than cung ứng cho sản xuất và các nhà máy nhiệt điện, công ty được TKV giao sản xuất 2,21 triệu tấn than nguyên khai, tăng 210.000 tấn so với năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm nay, công ty đã khai thác được 1.345.788 tấn, bằng 61% kế hoạch năm, 139% so với cùng kỳ năm trước.

hieu qua cao nho tai co cau
Sản xuất tại Phân xưởng Khai thác, Công ty Than Nam Mẫu

Nói về những kết quả tích cực đó, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty Than Nam Mẫu khẳng định, đó là nhờ hiệu quả từ đầu tư đổi mới công nghệ và nỗ lực thực hiện các giải pháp đổi mới quản trị doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, khoa học, giảm lao động gián tiếp, tập trung nguồn lực cho lao động trực tiếp, lao động có trình độ, tay nghề cao.

Trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, công ty đã triển khai nhiều giải pháp, như: Vận động, tuyên truyền, hỗ trợ tài chính để những lao động thuộc diện dôi dư về nghỉ hưu trước tuổi; bổ nhiệm cá nhân có năng lực vào một số vị trí phù hợp; sáp nhập một số phòng, ban phân xưởng (như Phân xưởng tiêu thụ về Phân xưởng sàng tuyển 1, giảm được 3 vị trí quản lý, số công nhân trực vận hành băng tải và lao động thừa ở các vị trí, có nghề đào tạo và đủ điều kiện sức khỏe được điều chuyển vào làm việc trong lò; tăng cường lao động trực tiếp trong lò...). Trong năm 2019, công ty đã giảm được 2 phòng nghiệp vụ và 1 phân xưởng, 16 vị trí quản lý.

Những giải pháp đó đã thay đổi tư duy làm việc, khuyến khích mỗi cá nhân phát huy năng lực, khả năng sáng tạo. Nhờ đó, từ tháng 9-2015 đến nay, Than Nam Mẫu đã giảm được 1.000 lao động, trong đó: Lao động phục vụ, phụ trợ chỉ chiếm 17,85% (kế hoạch là 19,86%); năng suất lao động bình quân đạt 44,3 tấn/người/tháng (kế hoạch là 35,52 tấn/người/tháng), bằng 122,6% so với cùng kỳ năm trước. Sự sắp xếp lao động hợp lý, điều chuyển lao động dôi dư tại các phân xưởng sang lao động trực tiếp tại các phân xưởng khai thác đã giúp công ty không phải lo thiếu hụt thợ lò.

6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu của công ty gần 2.000 tỉ đồng; lợi nhuận 32,5 tỉ đồng; lương bình quân của người lao động 16 triệu đồng/tháng, riêng thợ lò 20 triệu đồng/người/tháng.

Song song với thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại lao động hợp lý, công ty luôn chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. Công ty nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 143/CT-TKV ngày 18-7-2017 của Tổng giám đốc TKV về đẩy mạnh ứng dụng tin học hóa, tự động hóa trong sản xuất kinh doanh, giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến 2030.

Theo đó, công ty đã thực hiện cơ giới hóa tối đa việc vận chuyển người và thiết bị trong hầm lò, giảm sức lao động cho công nhân, rút ngắn thời gian đi lại, tăng thời gian làm việc hữu ích. Đến nay, 100% lò chợ của công ty đã áp dụng công nghệ chống giữ bằng giá khung di động; công nghệ đào lò bằng máy combai-50Z; vận chuyển người bằng hệ thống monoray...; sử dụng 100% búa khoan YT 29A cho các gương đào lò; sử dụng máy xúc ZCY vào các gương đào lò dọc vỉa.

Công ty đẩy mạnh áp dụng tin học hóa - tự động hóa trong sản xuất, đầu tư lắp đặt hệ thống cân băng tải hầm lò, lắp đặt các camera và đường truyền quản lý về trung tâm điều hành để nghiệm thu sản lượng. Trong năm 2019 công ty đã thực hiện 3 công trình ứng dụng tin học trong quản lý mang lại hiệu quả cao, như: Hệ thống kiểm soát, quản lý online tích hợp mượn và trả đèn lò, quản lý ra vào lò, quản lý suất ăn công nghiệp và quản lý quần áo bảo hộ lao động; tự động đồng bộ tích hợp cân than tại kho than và cân băng tải hầm lò, cân ôtô và barie mềm tại kho than; cải tạo, tự động hóa tuyến băng tải ngoài từ +130 sang Khe Thần. Công ty cũng lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống vận tải liên tục từ mức +50/-40, hệ thống tời vận chuyển người tại lò ngầm V4 mức +50/+125...

Cùng với các giải pháp đó, việc chăm lo đời sống và phúc lợi xã hội cho người lao động được Than Nam Mẫu xem là đòn bẩy để thúc đẩy năng suất lao động. Nhiều công trình nâng cao đời sống người lao động được triển khai một cách hiệu quả, tiêu biểu như các công trình: Hệ thống rửa mũi cho công nhân lò sau ca làm việc; hệ thống đèn sưởi ấm cho công nhân lò trong khu phục vụ vào mùa đông để giữ ấm cơ thể; câu lạc bộ thợ mỏ có bể bơi, các khu vui chơi thể thao giải trí phục vụ người lao động...

Các giải pháp đồng bộ và hiệu quả đã giúp Than Nam Mẫu phát triển sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao. 6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu của công ty gần 2.000 tỉ đồng, bằng 137,7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận 32,5 tỉ đồng, bằng 128,97% so với cùng kỳ năm trước; lương bình quân của người lao động 16 triệu đồng/tháng, riêng thợ lò 20 triệu đồng/người/tháng.

Quảng Ninh