Hiểm họa từ nuôi yến tự phát trong khu dân cư

11:00 | 15/04/2013

708 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Chim yến cũng chỉ là loài chim hoang dã, rất khó kiểm soát nên việc nuôi yến tự phát trong khu dân cư có thể gây ra hiểm họa khó lường vì nguy cơ nhiễm cúm rất cao.

Yến nuôi nhà cũng chỉ là chim hoang dã

Trao đổi với PV Petrotimes, ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM cho biết đến nay, thành phố chỉ cấp phép cho 10 nhà nuôi chim yến nhưng trên thực tế, địa bàn TP HCM có trên 300 nhà yến, trừ “thủ phủ” của chim yến ở huyện Cần Giờ thì các nơi còn lại chủ yếu là tự phát. Trong đó tập trung nhiều trên địa bàn các quận, huyện: Quận 9, Quận 2, Quận 7, Thủ Đức, Quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh…

Yến nuôi cũng là loài chim hoang dã

Theo tìm hiểu của PV thì nhiều nhà nuôi chim yến nhỏ lẻ nhưng thường có số đàn chim lên đến hàng ngàn con. Sau khi biến nhà ở thành môi trường cho chim yến trú ngụ, những người nuôi chim yến đi thuê chỗ khác để ở, chỉ trở lại để trông coi và thu hoạch tổ yến. Thế nhưng những gia đình lân cận nhà nuôi chim yến thì phải chịu đựng tiếng ồn, môi trường bị ô nhiễm từ chim yến.

Đặc biệt, người dân sống gần các nhà nuôi chim yến đang phải đối mặt với nguy cơ dịch cúm gia cầm, bởi yến là chim tự nhiên, phạm vi bay rộng. Dù gọi là yến nuôi nhà song những con yến này vẫn là chim hoang dã, không được quản lý hoặc biết được đường bay, điểm đến của chúng. Vì thế nguồn lây nhiễm virus cúm trên yến rất dễ xảy ra trong quá trình “giao lưu” với những đàn chim hoang dã hoặc ăn phải những con mồi đã nhiễm virus khác.

Vừa qua, hàng ngàn chim yến chết vì nhiễm cúm A/H5N1 ở Ninh Thuận. Và vừa qua, chiều 12/4, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan thú y vùng 6 (Cục Thú y), cho biết mới phát hiện thêm cơ sở nuôi yến của ông Nguyễn Vỹ Hải tại TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) có yến chết cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1.

Điều đó cho thấy dịch cúm đang có nguy cơ tiếp tục lan rộng, và việc nuôi yến tự phát trong khu dân cư có thể gây hiểm họa khó lường.

Quyết liệt với nuôi yến tự phát

Để hạn chế tình trạng nuôi chim yến tự phát như hiện nay, UBND TP HCM đã có chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng quy hoạch vùng nuôi yến tập trung và xây dựng quy chế tạm thời để quản lý việc dẫn dụ, gây nuôi chim yến trên địa bàn thành phố. Hiện nay công việc này đang được triển khai, lấy ý kiến các sở ngành, UBND các quận, huyện.

Về quy chế quản lý, thành phố sẽ tập trung quy định trách nhiệm của địa phương trong việc cấp phép xây dựng mới nhà yến, quản lý đưa các nhà yến hiện hữu đi vào nề nếp quản lý; xử lý các trường hợp phát sinh xây dựng nhà yến ngoài khu vực được quy hoạch, xây dựng nhà yến trái phép.

Bên cạnh đó, quy định trách nhiệm của chủ nhà yến phải chấp hành giám sát dịch bệnh, khai báo kịp thời khi dịch bệnh xảy ra, chấp hành các biện pháp xử lý khi dịch xảy ra; quy định cường độ âm thanh, giờ phát loa dẫn dụ để tránh ảnh hưởng cộng đồng dân cư khu vực xung quanh;…

Ông Huỳnh Tấn Phát cho biết thành phố không thiếu kinh phí cung cấp cho các hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm. Trong năm 2013, thành phố đã cấp kinh phí khoảng 30 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.

Và việc phòng, chống dịch cúm có thể xảy ra trên chim đã được thành phố triển khai từ 2011 đến nay. Chi cục Thú y TP HCM đã triển khai lấy mẫu giám sát virus cúm gia cầm trên chim yến, cụ thể số mẫu qua các năm như sau: Năm 2011 lấy 8 mẫu tại Cần Giờ; năm 2012 lấy tổng cộng 85 mẫu ở Cần Giờ, quận 12, huyện Bình Chánh, Bình Tân…

Đến nay, tại TP HCM chưa phát hiện trường hợp nào dương tính virus cúm A/H5N1 cũng như hiện tượng chim yến chết bất thường.

Các chủng cúm nói chung có tổ hợp kháng nguyên gồm 2 loại: kháng nguyên H (từ H1 – H15) và kháng nguyên N (từ N1 – N9). Các kháng nguyên này “bắt cặp” với nhau tự do tạo thành các chủng cúm khác nhau. Tùy vào cách bắt cặp mà virus nhạy cảm trên một số loài khác nhau như: H1N1 gây bệnh chủ yếu trên người, H5N1 ký chủ trên gia cầm, thủy cầm, H3N2 ký chủ trên lợn và mới đây thế giới xuất hiện dịch cúm H7N9 ký chủ trên gia cầm, thủy cầm.

 

L.Trúc - M.Phương