Hát ca khúc Việt Nam

16:29 | 23/01/2012

376 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi nảy ý định viết bài này từ sau lần được dự một buổi báo cáo tốt nghiệp hệ đại học chính quy môn thanh nhạc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Ảnh minh họa

Sau 5 năm học, mỗi sinh viên phải hát các trích đoạn trong những vở nhạc kịch nổi tiếng (aria), một số ca khúc trữ tình nước ngoài (roman), một số bài hát hiện đại của Việt Nam và một bài dân ca Việt Nam. Đã học trong Nhac viện, tất nhiên mọi tiết mục các bạn sinh viên biểu diễn báo cáo tốt nghiệp đều phải theo phong cách thính phòng, kể cả bài dân ca. Một không khí trang trọng rất nghiêm túc được tạo dựng phù hợp với phong cách âm nhạc của đêm báo cáo. Ngoài những người chấm thi là các giảng viên thanh nhạc của Nhạc viện và đại diện ban lãnh đạo, người dự hôm đó chủ yếu là các học sinh, sinh viên thanh nhạc, bạn bè và người nhà cuả các thí sinh. Người ta đã nghe các sinh viên báo cáo bằng lỗ tai nghề nghiệp hơn là cảm thụ nghệ thuật tự nhiên. Phải khẳng định ngay các em đã học rất tốt, hát rất giỏi, tiếp thu bài giảng của các thầy cô đâu vào đấy. Nhiều em không thạo ngoại ngữ mà vẫn hát bài nước ngoài trôi chảy, xử lý hơi, khoảng vang, nhả chữ, khẩu hình, lên cao xuống thấp, dồn nén cơ hoành cách… chắc rất vừa ý các thầy cô. Phải, 5 năm đại học chứ đâu phải chơi, chưa kể nhiều em đã học từ trung cấp lên, tức là thêm 3 năm ở dưới nữa. Giảng viên của các em cũng đều là các bậc tài danh cự phách cả. Người là thạc sĩ, người là giáo sư, rồi nghệ sĩ nhân dân, ưu tú, từng tu nghiệp ở nứơc ngoài, đình đám trên sân khấu rất nhiều năm. Các em ắt phải là sản phẩm của một quá trình đào tạo công phu, nghiêm túc, chất lượng cao.

Tôi đã nghe các em hát, không bỏ qua một nốt, một lời. Tôi vừa thán phục, lại vừa không khỏi băn khoăn. Tôi vừa nghe bằng lỗ tai của người nội đạo (trong nghề âm nhạc, tuy không phải là người nghiên cứu hoặc giảng dạy thanh nhạc), lại vừa nghe bằng lỗ tai của người bình thường, hoàn toàn mang tính chất thưởng thức. Tôi nói vừa thán phục thì như đãđề cập, lại vừa băn khoăn thì vì sao?

Mỗi khóa sinh viên tốt nghiệp đại học thanh nhạc ra trường, thử hỏi đã có mấy người về làm việc ở Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam – nơi chuyên hát nhạc thính phòng?

Cứ cho rằng về nhà hát này thì cũng phải hát ca khúc Việt Nam là chính, chứ đâu phải lúc nào cũng diễn opera nước ngoài? Chưa kể rất nhiều em về các nơi khác: Đài phát thanh, đoàn văn công, nhà hát… mà về đâu cũng chủ yếu là hát ca khúc Việt Nam, cho người Việt Nam nghe. Tôi băn khoăn điều này: ca khúc Việt mà hát như vậy thì ai nghe đây? Không còn thấy một chút hồn, nội dung bài hát nói gì, chỉ thấy một mớ âm thanh rất vang, rất rền tuôn ra. Người hát hầu như chỉ dồn sự tập trung vào việc hát sao cho vang, khoẻ, khẩu hình đẹp mà không lưu ý gì đến việc chuyển tải nội dung, tình cảm, cái hồn tác phẩm đến người nghe (Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với các sinh viên hát tốt nghiệp hôm đó mà có ở rất nhiều ca sĩ đã thành danh được đào tạo từ lò Nhạc viện). Đáng nói hơn, mỗi sinh viên đã hát 1 bài dân ca bắt buộc. Tôi nghe mấy em hát quan họ Bắc Ninh mà không sao có thể yên tâm. Âm nhạc quan họ tình tứ, điệu đà, ý nhị, sâu sắc, đằm thắm là thế mà các em nam hát thì ông ổng, xì xồ cứ như ngưòi nước ngoài mới tập hát; còn các em nữ thì hời hợt, nông cạn. Tất cả đều không rõ lời, không hề nhấn nhá và đó bỏ qua những luyến láy vốn rất “đắt” và tinh tế.

Hát ca khúc Việt Nam nói chung, dân ca Việt Nam nói riêng cần luôn đặc biệt chú ý đến việc rõ lời thay vì quá chú ý đến to, vang. Muốn vậy cần hạn chế xử lý mở, mà cần tăng cường khép khẩu hình khi ngân nga. Chỉ những nguyên âm như a, ơ, o, ô, e, ê, u mới mở khẩu hình lúc ngân giọng, còn nếu gắn với phụ âm, cần khép khẩu hình rồi có khuynh hướng ngân thành i. Ví dụ tiếng "nhanh” nếu mở khẩu hình để ngân thì sẽ thành "nha”, còn khép lại sẽ rõ lời mà nghe lại mềm mại. Hay nghe các nghệ nhân (chứ không phải nghệ sĩ) hát dân ca, ví như cụ Cầu ở Ninh Bình. Thật không thể chê vào đâu được. Giọng cụ sáng, vang như chuông, hơi trường, dư dật, lời rõ, nét, nhấn nhá, luyến láy rất sinh động, tinh tế. Hẳn là cụ không học ở trường lớp nào dù chỉ 1 giờ.

Nói vậy, tuyệt nhiên tôi không có ý dám coi thường, hạ thấp vai trò của việc học trong trường chính quy. Học hành bài bản chính quy ở nước ngoài như Quốc Hương, Kiều Hưng mà hát ca khúc Việt nam khiến ai nghe cũng bị thuyết phục. Không phải ngẫu nhiên mà 2 nghệ sĩ này rất được bà con nông dân và người có tuổi ưa thích, trong khi tuổi trẻ cũng rất mến mộ. Đó là 2 trường hợp điển hình nhất cho việc học nhiều mà có hiệu quả. Lại có những nghệ sĩ chẳng học ở trường lớp nào bao giờ mà cứ cất giọng là khiến người nghe mê mẩn: Đó là Thương Huyền và Trần Khánh – 2 giọng vàng sống mãi trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng. Nhưng đó là nói họ không học trong trường lớp chính quy, còn thì ai biết họ đã tự học, học các cụ xưa, các nghệ nhân dân gian như thế nào? Vậy nên vấn đề không phải là học hay không học (với nghĩa thông thường là theo lớp lang, giáo trình, bài bản) mà là học những gì, như thế nào và cuối cùng là thuyết phục người nghe ra sao?

Tôi không phải là nhà nghiên cứu hoặc giảng dạy thanh nhạc nên không dám lạm bàn, “múa rìu qua mắt thợ” giới chuyên môn. Song, nghệ thuật gì, học hành gì thì cuối cùng cũng phải nhằm được tới đích: làm rung động trái tim người nghe. Trở lại chuyện liên quan đến việc dự buổi diễn tốt nghiệp của sinh viên đại học thanh nhạc: vấn đề không phải là ở các em, mà ở chương trình, cách dạy của nhà trường, của các thầy. Bên cạnh việc dạy mọi kỹ thuật thanh nhạc như bất cứ nhạc viện nào trên thế giới, nên chăng ở Việt Nam cần có môn chuyên học về hát dân ca do các nghệ nhân dân gian và những nghệ sĩ gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này giảng dạy. Môn học này phải được coi là chính. Từng xảy ra một thực tế: Không ít ca sĩ sau khi học Đại học thanh nhạc hát lại không hay bằng khi họ chưa vào trường. Không thể có điều vô lý như vậy. Hay ở đây xin hiểu là sự thuyết phục người nghe khiến họ thích thú.

Dạy hát trong nhạc viện hình như cũng giống dạy sáng tác văn, thơ, nhạc, kịch… Đó là chuyện của trái tim và tài năng, không thể lấy kỹ thuật dẫu có siêu phàm, lấy 5 năm, 7 năm hay bao lâu chăng nữa để thay thế tâm hồn, trí tuệ.

Xin có đôi lời mạo muội lạm góp cùng khoa thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Có điều gì khiến các bạn vàcác vị bất đồng, xin được cảm thông.

Nguyễn Đình San