Hạnh phúc nhọc nhằn "ít người tỏ" của giáo viên cắm bản

09:07 | 19/11/2020

141 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng chục năm xa gia đình, vợ con, những lần gặp nhau chỉ vài ngày cuối tuần hay có những cặp vợ chồng để gặp được nhau phải đi rất nhiều chặng đường, lội bộ hàng chục km đường đèo….

Đó là tình cảnh của rất nhiều các thầy cô giáo đang ngày đêm cắm bản để gieo chữ cho học trò vùng cao.

Hạnh phúc nhọc nhằn

Hạnh phúc của giáo viên cắm bản cũng nhọc nhằn như cuộc sống và công việc của họ.

Thầy giáo Hà Văn Thảo ở Trường Phổ Thông Cao Sơn (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) cưới vợ đã 10 năm nhưng thời gian vợ chồng thầy Thảo gặp nhau gộp lại không biết có được vài năm.

Hạnh phúc nhọc nhằn ít người tỏ của giáo viên cắm bản - 1
Thầy Hà Văn Thảo gieo chữ ở Trường Phổ thông Cao Sơn (huyện Bá Thước, Thanh Hóa).

Dù có thời điểm, vợ chồng thầy Thảo được phân công dạy cùng một huyện thế nhưng điểm trường lẻ của vợ và của thầy cách nhau hàng chục km. Oái oăm hơn, cung đường để đến được với nhau chỉ có thể lội bộ hàng giờ đồng hồ.

Đó là những năm 2015 đến năm 2019, thầy Thảo là giáo viên của Trường Tiểu học Bát Mọt 1, còn vợ là giáo viên Trường mầm non Bát Mọt 1. Hai trường cách nhau 16km đường rừng.

Suốt 4 năm dù ở cùng địa bàn nhưng cứ vài ba tuần thầy mới có thể gặp vợ. Mỗi lần muốn gặp vợ, thầy phải đi bộ nửa ngày trời, men theo những con suối mới vào tới nơi.

Hạnh phúc nhọc nhằn ít người tỏ của giáo viên cắm bản - 2
Mỗi người gieo chữ một nơi nên muốn gặp vợ, thầy Thảo phải vượt quãng đường 140km với gần chục cây số đi bộ.

Giờ đây, khi được chuyển về Trường Phổ thông Cao Sơn (huyện Bá Thước, Thanh Hóa), thầy Thảo cách nơi vợ công tác 140km. Cung đường xa hơn gấp bội lần, số lần vợ chồng được gặp nhau cũng tỉ lệ nghịch với chiều dài cung đường.

Nơi mà vợ thầy Thảo công tác vẫn chưa có sóng điện thoại, muốn được nghe tiếng chồng, vợ thầy Thảo phải đi bộ hơn 3km đường rừng mới có thể hứng được sóng.

“Cưới nhau rồi xa nhau, đó là tình trạng chung của giáo viên cắm bản chúng tôi. Mỗi lần nhớ nhau chỉ có thể nhìn lên những ngọn núi xa xa kia…” - thầy Thảo chia sẻ.

Còn với thầy Trần Ngọc Hải, suốt 15 năm gắn bó với ngôi trường trên đỉnh Cao Sơn này, 10 năm lập gia đình và anh cũng phải xa vợ từ đó. Suốt 15 năm qua, cứ chiều thứ Sáu anh lại vượt hơn 100km về nhà ở huyện Vĩnh Lộc, chiều chủ nhật lại trở lại trường. Những năm chưa có đường, thì cứ phải đi bộ nửa ngày mới xuống được chân núi, rồi mới từ chân núi đi xe máy về nhà.

Năm ngoái, huyện đã bố trí thầy Hải về giảng dạy ở thị trấn để đường về nhà được thu ngắn lại, thế nhưng thầy vẫn nhất quyết ở lại điểm trường. Phần vì thương học trò, phần vì thầy nghĩ nếu thầy về, sẽ phải có một giáo viên khác điều lên thay thế.

Nỗi nhớ con quắt quay giữa núi rừng

Hầu hết những thầy cô giáo mà chúng tôi gặp ở vùng cao đều phải gửi con về quê cho ông bà nội, ngoại nuôi. Vợ chồng mỗi người một nơi khiến nỗi nhớ chia làm nhiều ngả đường.

Hạnh phúc nhọc nhằn ít người tỏ của giáo viên cắm bản - 3
Thầy Hoan cho biết, nhiều đêm nhớ con đến chảy nước mắt...

Thầy Mai Trọng Kỳ, Hiệu phó Trường Tiểu học Lâm Phú (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) không giấu được xúc động khi chúng tôi nhắc đến những đứa trẻ con anh. 24 năm gắn bó với núi rừng, gieo chữ cho những đứa trẻ vùng cao nhưng với các con, anh phải để chúng thiệt thòi vì thiếu bàn tay chăm sóc, gần gũi cả cha và mẹ.

Anh cho biết, đứa đầu được theo lên núi với bố mẹ học hết lớp 1 thì phải cho về dưới xuôi ở với ông bà do điều kiện đi lại khó khăn. Đến giờ, cháu đã vào đại học. Đến con thứ hai, anh cũng cho lên ở cùng và học đến lớp 4 thì cũng phải gửi về cho ông bà nội, hiện cháu đã học lớp 6.

“Thời điểm sóng điện thoại không có, có nhớ con cũng chẳng thể gọi về được. Mỗi tuần, vợ chồng lại vượt cả trăm cây số về thăm con. Lúc nào đi con khóc, mẹ khóc làm tôi cũng xót xa lắm.

Nhìn con cái nhà hàng xóm được bố mẹ bên cạnh chăm sóc, mình cũng buồn trong lòng nhưng rồi nhiệm vụ vẫn phải gạt nỗi niềm riêng để hoàn thành” - thầy Kỳ chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh với thầy Kỳ, vợ chồng thầy Trịnh Kim Hoan, giáo viên Trường Tiểu học Lâm Phú cũng 26 năm gắn bó với núi rừng. Vợ chồng thầy Hoan cũng đang gửi con cho ông bà nuôi dạy và chăm sóc tại quê.

Hạnh phúc nhọc nhằn ít người tỏ của giáo viên cắm bản - 4
Công cuộc gieo chữ cho học trò khiến thầy Kỳ phải gửi lại con nơi quê nhà cho bố mẹ.

“Nhiều đêm nhớ con quay quắt đến chảy nước mắt nhưng cũng không biết phải làm sao. Đặc biệt khi con trải qua những thời điểm khủng hoảng tuổi dậy thì không có bố mẹ bên cạnh khiến mình rất lo lắng.

Những lần về dù thời gian ít ỏi nhưng hai vợ chồng cũng động viên các con rồi động viên ông bà cố gắng để vợ chồng yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ của mình” - thầy Hoan tâm sự.

Khó khăn chồng chất, hạnh phúc nhọc nhằn, những giáo viên cắm bản cũng có những lúc đấu tranh giữa ở lại hoặc bỏ nghề nhưng tình thương những đứa trẻ vùng cao đã giữ họ ở lại nơi xa xôi này.

Theo Dân trí

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.