Hành lang pháp lý chặn "cạnh tranh bẩn" và chống độc quyền

15:00 | 18/06/2018

388 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW khẳng định: Luật Cạnh tranh sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ là hành lang pháp lý hoàn thiện để điều chỉnh các hành vi cạnh tranh.

- Dưới góc độ Luật sư, theo ông, Luật Cạnh tranh sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ khắc phục được những điểm hạn chế nào của Luật Cạnh tranh 2004?

Thứ nhất, Luật Cạnh tranh 2018 đã mở rộng ra các giao dịch ở nước ngoài mà có ảnh hưởng tới việc cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế thế giới mà Việt Nam đang tích cực tham gia, ví dụ như có một hoạt động mua bán sáp nhập của các tập đoàn đa quốc gia, diễn ra ở nước ngoài, nhưng hoạt động M&A này có ảnh hưởng tới hoạt động cạnh tranh tại Việt Nam thì luật cũng sẽ điều chỉnh, đây là điểm mới về phạm vi điều chỉnh của luật mới so với luật năm 2014.

Thứ hai, Liên quan đến hoạt động tập trung kinh tế, trong Luật Cạnh tranh 2004 chỉ tập trung về những yếu tố liên quan đến thị phần, trong quá trình triển khai luật cũ có nhiều vướng mắc, quy định dựa trên thị phần chỉ mang tình định tính chưa có tính định lượng nên việc xác đinh hành vi tập trung kinh tế tương đối khó khăn, cho cả cơ quan quản lý cạnh tranh và cho các doanh nghiệp tiến hành hoạt động M&A, luật mới ngoài việc đề cập đến yếu tố thị phần còn đề cập đến các khía cạnh khác như giá trì giao dịch, doanh thu. Điều này giúp doanh nghiệp tính toán và có thể thực hiện nghĩa vụ thông báo về việc tập trung kinh tế một cách thuận lợi hơn.

Ví như thương vụ Grab mua lại hoạt động Uber tại thị trường Đông Nam Á và Việt Nam, Grab cho rằng thị phần của mình không vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh và đã không tiến hành thông báo, nhưng quan điểm của cơ quan quản lý cạnh tranh thì khác, và họ đã bắt đầu tiến hành các bước điều tra ban đầu để tiến hành hoạt động tố tụng cạnh tranh.

hanh lang phap ly chan canh tranh ban va chong doc quyen
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW.

Thứ ba, Ban soạn thảo luật đã trình ra một dự thảo và đã được các đại biểu thông qua với một cách tiếp cận khác về cách làm luật, đó là Luật Cạnh tranh phải là một bản Hiến pháp của kinh tế thị trường, nơi mọi giao dịch và hoạt động kinh doanh phải tuân thủ và kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, không có sự phân biệt đối xử, luật không chỉ tập trung vào hoạt động quản lý nhà nước và liệt kê các hành vi vi phạm và tiến hành các bước xử phạt.

Thực tiễn trước đây, có một số cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có văn bản yêu cầu doanh nghiệp, cơ quan trên địa bàn do họ quản lý phải sử dụng một sản phẩm của một doanh nghiệp nhất định, điều này là vi phạm chuẩn mực kinh doanh, tạo sự bất bình đẳng, lần này, luật cạnh tranh đã đưa ra điều cấm với nhữn hành vi này và Uỷ ban cạnh tranh quốc gia có quyền yêu cầu cơ quan hành chính ngừng hành vi vi phạm.

Thứ tư, Luật cũng đã thay đổi từ Hội đồng cạnh tranh thành Uỷ ban cạnh tranh quốc gia, với nhiều điểm mới về cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ.

- Đáng chú ý, tại khoản 3 điều 41 quy định trường hợp Ủy ban cạnh tranh quốc gia không ra quyết định đúng thời hạn nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ông có bình luận như thế nào về điểm mới này, thưa ông?

Đây là một điểm mới rất đáng lưu tâm, nhiều vụ việc đặc biệt là những vụ việc liên quan tới tố tụng, phức tạp, thường các cơ quan giải quyết không đúng thời hạn, có hiện tượng “ngâm tôm”, do lý do nào đó như vụ việc quá phức tạp, không đủ nhân sự giải quyết, nếu quy định này được áp dụng, sẽ là một bước tiến trong cải cách thủ tục tố tụng, đặc biệt là tố tụng cạnh tranh tại Việt Nam.

- Báo cáo khảo sát pháp Luật Cạnh tranh của Bộ Công Thương cho thấy có tới 92,8% doanh nghiệp không hiểu rõ về Luật Cạnh tranh, theo ông nguyên nhân vì sao?

Quy định của Luật Cạnh tranh 2004 có những điểm chưa phù hợp và khó áp dụng, các doanh nghiệp chưa hiểu và sử dụng được công cụ của Luật cạnh tranh để bảo vệ mình, tâm lý “vô phúc đáo tụng đình” còn nặng nề, nhiều doanh nghiệp thấy phiền toái khi phải theo đuổi những vụ việc kéo dài thời gian và có thể mất nhiều chi phí.

- Vậy, làm sao để người dân, doanh nghiệp hiểu đúng và đủ về Luật Cạnh tranh, thưa luật sư?

Tôi cho rằng cần tuyên truyền các quy định tiến bộ của luật cạnh tranh tới cộng đồng doanh nghiệp thông qua vai trò của các hiệp hội ngành nghề, các hiệp hội có thể kết hợp với cơ quan quản lý cạnh tranh, các luật sư để tiến hành công việc này.

Bên cạnh đó, khi nhận được vụ việc, cơ quan quản lý cạnh tranh cần tiến hành giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, từ đó tạo ra một hiệu ứng tốt cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp bị vi phạm về cạnh tranh, cần lên tiếng và sử dụng các công cụ của pháp luật để tự bảo vệ mình vì đây là quyền dân sự của doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn luật sư!

Enternews.com