Hàng không Việt Nam - Từ ngừng thở đến hồi phục
![]() |
Ngành hàng không Việt trong năm 2021 có những lúc như “ngừng thở” |
Năm 2021, có lúc “ngừng thở”
Nhìn lại ngành hàng không Việt Nam năm 2021, cả giới chuyên gia và người dân đều có chung nhận định ngắn gọn: “Một năm đầy giông bão”. Có thể nói, hàng không Việt Nam đã trải qua một năm tồi tệ, đáng quên khi dịch Covid-19 bùng phát khiến các hãng bay ngưng trệ, có những lúc như “ngừng thở”.
Đỉnh điểm vào tháng 7-2021, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại khu vực phía Nam, các địa phương đồng loạt áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Thời điểm đó, đường bay trục Hà Nội - TP HCM vốn được coi là nhộn nhịp bậc nhất đã giảm tần suất khai thác xuống mức thấp nhất trong lịch sử, có thời điểm chỉ duy trì 1 chuyến bay trong ngày.
Cục Hàng không Việt Nam khi đó đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng nói chung và đường bay TP HCM - Hà Nội nói riêng, chỉ hoạt động các chuyến bay công vụ và phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Việc dừng “sốc” chuyến bay thương mại đi các tỉnh phía Nam là điều bất khả kháng, hàng trăm máy bay phải “đắp chiếu” trên sân đỗ. Gần 3 tháng sau, khi dịch Covid-19 “hạ nhiệt”, ngành hàng không bắt đầu rục rịch khôi phục số ít chuyến bay thương mại từ ngày 10-10-2021.
Tưởng chừng cánh cửa đã hé mở, ngành hàng không tiếp tục phải tự làm mới mình, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phòng, chống dịch Covid-19 khi các tỉnh, thành phố không đồng nhất quan điểm về việc mở cửa sân bay do lo ngại lây lan dịch bệnh. Trong số 20 tỉnh, thành phố có sân bay được Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến khôi phục vận tải hàng không thì có 3 địa phương “lắc đầu” là Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai, từ chối bằng văn bản đối với các chuyến bay từ TP HCM và các tỉnh phía Nam nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Cục Hàng không Việt Nam phải lên kịch bản chọn sân bay Thanh Hóa làm “cứ điểm” đón/trả khách thay thế cho sân bay Nội Bài. Khi có “lệnh” của Chính phủ, các địa phương mới “nới” quy định để tiếp nhận các chuyến bay chở khách đến.
Ngay cả khi sân bay mở cửa, các tỉnh, thành phố áp dụng nguyên tắc cách ly y tế khác nhau cũng gây rất nhiều khó khăn cho việc phục hồi đường bay nội địa. Nhiều câu chuyện bi hài đã xảy ra, chẳng hạn như: Khách đến sân bay nhưng không được bay; khách sạn nơi đến từ chối nhận khách từ TP HCM; yêu cầu cách ly y tế khắt khe với trẻ nhỏ đi máy bay cùng gia đình nhưng chưa tiêm vắc-xin...
Đó là chưa kể việc ngừng bay trong thời gian dài dẫn đến những tác động tiêu cực khác. Dư luận ví von câu chuyện hai máy bay va chạm tại sân bay Nội Bài hồi cuối năm 2021 giống như “văn ôn võ luyện”, việc dừng khai thác hàng không quá lâu đã khiến kỹ năng điều hành của các nhân sự sân bay bị ảnh hưởng...
![]() |
Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không (VABA) Bùi Doãn Nề |
Năm 2022, kỳ vọng hồi phục nhanh
Những ngày đầu năm 2022, sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất và các sân bay khác trên cả nước đã bắt đầu “có khách”, tín hiệu vui và lạc quan trong khi các quy định phòng, chống dịch vẫn nghiêm ngặt. Có được sự cởi mở đó là nhờ sự chỉ đạo mạnh mẽ, kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cũng như sự tích cực chuẩn bị của các hãng hàng không.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế với một số quốc gia trên thế giới và phải đáp ứng các quy định về y tế, bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 và biến thể Omicron. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 1-1-2022. Trước đó 2 tháng, nhiều đường bay nội địa đã được khai thác lại.
Đánh giá về tương lai ngành hàng không Việt Nam trong năm 2022, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không (VABA) Bùi Doãn Nề cho hay, những tín hiệu tích cực của ngành hàng không trong năm 2022 được thể hiện bằng việc đường bay thương mại quốc tế được khôi phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
Ở góc độ của doanh nghiệp vận tải, đại diện các hãng hàng không lớn như Vietnam Airline, Vietjet, Bamboo Airways đều cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng để cất cánh trở lại bầu trời với toàn bộ đội bay.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, hãng đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để hoạt động với tần suất ban đầu khoảng 2 chuyến/tuần/đường bay quốc tế để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách quốc tế và Việt Nam, đồng thời dần củng cố lại vị thế của Vietnam Airlines.
![]() |
Những chuyến bay đầu tiên trong năm 2022 |
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Bamboo Airways, cũng nhận định, hàng không là ngành khó khăn nhất, chịu thiệt hại nặng nhất, nhưng chắc chắn sẽ hồi phục nhanh nhất khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát.
Trước mắt, có thể thấy, cơ chế bay đã mở, độ phủ vắc-xin đã đủ rộng, mặc dù biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực phòng, chống dịch của Chính phủ và toàn dân, ngành hàng không Việt Nam vẫn có những kỳ vọng sẽ hồi phục nhanh, có những khởi sắc nhất định, như Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) từng dự báo: Nhu cầu đi lại quốc tế sẽ tăng gấp đôi trong năm 2022 và đạt 44% mức của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Xuân Hinh
-
Tin tức kinh tế ngày 2/4: Tín dụng bật tăng ngay từ đầu năm
-
Shell bán một trong những tài sản quan trọng tại Singapore
-
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Ả Rập Xê-út khi giá dầu ở mức thấp
-
Mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh
-
Trung Quốc phát hiện 2 mỏ vàng “khủng”, trữ lượng hơn 2.000 tấn