HÁN - VIỆT là gì?

13:40 | 23/10/2015

|
Bạn đọc: Xin nhờ ông An Chi giải thích về khái niệm “Hán - Việt”. Tại sao lại gọi như thế? Xin cảm ơn ông. TĐQ (Trường ĐH KHXH & NV - TPHCM)  

Học giả An Chi: Nguyễn Tài Cẩn có viết: “Hiện nay, nếu không kể những cách đọc khác nhau ở trong các địa phương Trung Quốc, thì ít nhất cũng phải tính đến mấy cách đọc chữ Hán có tầm quan trọng sau đây: Cách đọc chính thức theo âm Bạch thoại ở Trung Quốc, cách đọc ở Triều Tiên, hai cách đọc Go-on (Ngô âm), Kan-on (Hán âm) ở Nhật Bản, và cuối cùng là cách đọc thường được gọi là Hán - Việt ở những vùng thuộc địa bàn văn hóa của người Việt.

“Cách đọc Hán - Việt thường được giải thích một cách khá đơn giản là cách đọc chữ Hán ở Việt Nam, theo lối đọc riêng của người Việt. Kể ra với một nội dung hiểu như thế mà đặt ra thuật ngữ “cách đọc Hán - Việt” thì quả cũng có điều chưa thực ổn. Nhưng vì thuật ngữ đã quá quen thuộc nên ta vẫn tạm dùng”    (Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tr.12-13).

Ở đây, chúng tôi chưa bàn kỹ về nội dung của thuật ngữ được nói đến, mà bàn về chính cái tên của nó và xin nói ngay rằng đây là một cách đặt tên không hợp lý mặc dù, cho đến nay, như mọi người, chính chúng tôi cũng “vẫn tạm dùng” nó. Cách đặt tên này ra đời với mấy ông Tây từ thời còn mồ ma của thực dân Pháp ở Đông Dương. Đó là “sino-annamite” (Hán-An Nam), rồi sau đổi thành “sino-vietnamien” (Hán-Việt[Nam]), mà ta đã nói theo thành “Hán-Việt” (Một số tác giả không dùng gạch nối) cho đến hiện nay.

Thực ra, sự tồn tại của “sino-annamite” là điều hợp lý cho nhiều trường hợp vì sự cần thiết của nó, chẳng hạn trong tên quyển sách dịch của Jean-Gabriel Devéria, ra đời cách đây gần 130 năm, nhan đề La frontière sino-annamite - Description géographique et ethnographique d’après des documents officiels chinois traduits pour la première fois (Ernest Leroux, Paris, 1886), hoặc trong cú đoạn “Unions between such immigrants and Indo-Chinese, especially between Chinese or French, have produced various hybrid groups, such as the Minh-Huong, a Sino-Annamite cross […]” tại tr.133 của Indo-China - Geographical Handbook Series. B.R. 510 (Naval Intelligence Division, 1943).

Tên quyển sách của Devéria là “Biên giới Tàu-An Nam - Miêu tả về địa lý và dân tộc học dựa theo [những] tài liệu chính thức của Tàu, biên dịch lần đầu tiên”. Còn nghĩa của đoạn văn trong Indo-China là “Hôn phối giữa những người nhập cư đó, đặc biệt là của người Tàu hoặc người Pháp, với người Đông Dương, đã sản sinh ra những nhóm lai khác nhau, chẳng hạn [nhóm] Minh Hương, một [kiểu] lai [giữa] Tàu [và] An Nam […]”. Cứ như trên thì việc sử dụng tính từ “sino-annamite” (trong tiếng Pháp) hoặc “Sino-Annamite” (trong tiếng Anh) ở đây là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Lý do: Ở đây, về mặt ngữ pháp, thì “sino/Sino” và “annamite/Annamite” đều đẳng lập, nghĩa là ngang hàng với nhau về mặt cú pháp và trên thực tế thì “sino/Sino” và “annamite/Annamite” là hai thành phần quốc gia hay dân tộc đều có vai trò ngang nhau (về biên giới hay về kết quả hôn phối) trong khái niệm được tạo thành.

Nhưng một vài tên tuổi lớn, người Pháp, trong giới Việt ngữ học đã bắt đầu  làm hỏng nó khi họ dùng nó để chỉ các yếu tố gốc Hán trong tiếng Việt, chẳng hạn Léopold Cadière trong “Monographie de a, voyelle finale non-accentuée, en annamite et en sino-annamite” (BEFEO, Année 1904, Vol. 4,  No 1,  pp. 1065-1081) hoặc Henri Maspéro trong Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite - Les initiales (Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi, 1912). Hai tác giả này đã xài “sino-annamite” một cách vô tư mà quên mất rằng cái cách dùng kiểu “cặp đôi” này chỉ có thể “hoàn hảo” khi nó dùng để chỉ hai thành tố đồng đẳng, chẳng hạn “indo-européen” (Ấn-Âu), (ban đầu là “indo-germanique” [Ấn - Nhật Nhĩ Man]) mà ta có thể thấy trong công trình hầu như đã trở thành kinh điển của Antoine Meillet, nhan đề Introduction à l’étude comparative des langues indo-européennes (Dẫn nhập [vào việc] nghiên cứu [mang tính] so sánh [về] các ngôn ngữ Ấn - Âu). Ở đây, “Ấn” (indo) và “Âu” (européen[nes]) là hai thành phần đồng đẳng nên đã được Meillet định nghĩa như sau:

“Một số ngôn ngữ bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 2000 tr. CN, từ xứ Ấn Độ (Hindoustan) ở phía đông cho đến bờ biển Đại Tây Dương ở phía tây, và từ vùng Scandinavia ở phía bắc cho đến vùng Địa Trung Hải ở phía nam [……..]: Ấn - Iran, Baltic, Slave, Albania, Armenia, Hy Lạp, Germanic, Celtic, Italic (La Tinh)” (Ấn bản của University of Alabama Press, in lần thứ 4, 1969, tr.35).

“Ấn” (indo) là đại diện của nhánh Ấn - Iran (indo-iranien) còn “Âu” là đại diện cho các nhánh còn lại thuộc châu Âu. Sở dĩ chúng tôi nêu công trình của ông Tây Meillet là để phản bác Cadière và Maspéro, cũng là Tây, mà lại là hai ông Tây thuộc hàng tiên phong trong cách xài chữ bất hợp lý chứ chẳng cần đến tiếng Tây thì tiếng ta cũng có khối thí dụ để minh họa, mà trường hợp sát sườn là chính cấu trúc đẳng lập “Hán-Việt” trong các tên sách như Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán-Việt tự điển của Thiều Chửu, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng, v.v... Ở đây, Hán và Việt là hai thành phần đồng đẳng vì cả tiếng Hán lẫn tiếng Việt đều có mặt trong những quyển từ điển đó. Chứ trong các cấu trúc như “yếu tố Hán Việt”, “hình vị Hán Việt” hoặc “từ Hán Việt” thì ta chỉ có tiếng Việt trơ trọi mà thôi (chẳng có tiếng Tàu nào trong đó).

Hẳn sẽ có người bắt bẻ chúng tôi rằng trong ba quyển từ điển kể trên cũng có tiếng Tàu nào đâu. Xin thưa là có chứ: đó là những chữ Hán đứng làm đầu mục từ mà ta cần tra để biết âm Hán Việt (lại “Hán Việt”!) và nghĩa của nó. Chính vì thế nên Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh mới được dịch thành Dictionnaire sino-vietnamien, với tính cách là từ điển gồm hai thành phần ngôn ngữ (lưỡng ngữ : bilingue), chẳng hạn trong Références bibliographiques d’histoire du Việt Nam (Ébauche de février 2004) của Quach Thanh Tâm và Langlet Philippe, trong đó ta có thể thấy:

“Ðào Duy Anh (…). Hán Việt từ điển giản yếu (Dictionnaire sino-vietnamien abrégé). Hà Nội, 1932, 2 vol. 592 et 605 p., réédition en 1 vol., Sài Gòn, Trương Thi, 1957; (…)”.

Cứ như trên thì hiển nhiên hai tiếng “Hán Việt” trong “âm Hán Việt”, “hình vị Hán Việt”, “từ Hán Việt” là một cách mệnh danh hoàn toàn không thỏa đáng. Tiếc rằng nó lại còn được “phát huy” thêm với thiên “Hán Việt ngữ nghiên cứu” của Vương Lực, viết năm 1948, sau đó được in trong Hán ngữ sử luận văn tập (Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.290-406). Trong thiên nghiên cứu này, Vương Lực đã đề ra mấy khái niệm: Hán Việt, Cổ Hán Việt và Hán Việt Việt hóa, mà Nguyễn Tài Cẩn cũng mặc nhận: “Ít nhất ở ta cũng có một khối lượng đáng kể những chữ hoặc vừa có cách đọc Hán - Việt, vừa có cách đọc Cổ Hán - Việt, hoặc vừa có cách đọc Hán - Việt, vừa có cách đọc Hán - Việt Việt hóa (cách này tương đương với cách đọc gọi là Quán âm ở Nhật Bản” (Sđd, tr.13).

Bản thân cách gọi “Hán Việt” đã là phi lý mà cách phân loại của Vương Lực thành ba thứ trên đây thì lại càng kỳ dị. Trong cả ba khái niệm mà ông ta đưa ra thì chẳng có cái nào là không Việt hóa; thế mà lại còn có thứ “Hán Việt Việt hóa” thì chẳng phải là chuyên tếu táo hay sao? Ấy vậy mà giới Việt ngữ học Việt Nam - An Chi chỉ là kẻ ngoại giới - cũng cứ bình thản nói theo, từ mấy ông Tây cho đến anh Tàu. Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc các nhà Việt ngữ học người Việt Nam nên xét lại những cách gọi phi lý trên đây để đặt cho chúng những cái tên mới, thích hợp hơn và xác đáng hơn.

 

Năng lượng Mới 466