Hai biểu tượng rắn đẹp nhất lịch sử

06:30 | 31/01/2025

36 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Rắn là một trong những biểu tượng thần thoại lâu đời và phổ biến nhất của thế giới loài người. Trong đời sống văn hóa của nhiều cộng đồng quốc gia, dân tộc trên thế giới, rắn là biểu trưng của sự tái sinh, hồi phục, tuần hoàn, luân hồi và bất tử.

Biểu tượng của ngành Y - Dược

Hai biểu tượng rắn đẹp nhất lịch sử
Tượng thần y thuật và chữa bệnh Asclepius với cây gậy có con rắn quấn quanh

Ở phương Tây, rắn là một vị thần sáng thế, biểu trưng cho vũ trụ thời hỗn mang nhưng đôi khi lại là một thành viên hay vị thần bảo hộ của gia đình, là nguồn nước và cũng là lửa, là phúc thần nhưng cũng là ác thần, điều tốt và cái xấu, tượng trưng cho sự sống bất tử và cái chết, sự hủy diệt và tái sinh...

Tại Hy Lạp, thần Apollo lần đầu tiên được thờ ở Delphi dưới biểu tượng rắn. Trong văn hóa của người Hy Lạp, rắn luôn được xem là một biểu tượng thiêng liêng. Rắn không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan mà còn là biểu hiện về khả năng sinh sản trong tín ngưỡng phồn thực.

Theo truyền thuyết cổ Hy Lạp, con trai của thần Apollo được xem là ông tổ của ngành y dược. Một ngày nọ, Esculape (Asclepius) trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đã đưa cây gậy ra và con rắn liền bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape thấy vậy nên cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn. Sau đó, ông lại thấy một con rắn khác bò tới, miệng ngậm một loại thảo dược để cứu sống con rắn đã chết.

Từ đó ông để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người. Esculape được xem như thần bảo hộ của các thầy thuốc. Để khắc họa thần Esculape, người ta thường để thần cầm một chiếc gậy làm bằng gỗ cây nguyệt quế và một con rắn quấn xung quanh.

Ngày nay, rắn quấn quanh cái chén của thần sức khỏe Hygeia và rắn quấn quanh cây gậy của thần y thuật và chữa bệnh Asclepius đã trở thành biểu tượng của ngành y - dược nói chung.

Rắn che mưa cho Đức Phật

Hai biểu tượng rắn đẹp nhất lịch sử
Tượng vua rắn che mưa trên đầu Đức Phật

Ở các nước phương Đông, rắn còn là biểu tượng cho nước, lửa, linh hồn, nhục dục, quyết đoán, đa nghi. Rắn thường thể hiện hình ảnh khác nhau như thần hiền, thần ác, điều tốt, điều xấu, sự hủy diệt, tái sinh, tình yêu.

Cội nguồn của tượng Phật - Rắn vốn khởi nguyên đi từ phẩm Mucilinda thuộc kinh Tiểu bộ:

“Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn ở Uruvela, trên bờ sông Neranjarā, dưới gốc cây Mucilinda, khi Ngài mới chứng Chánh đẳng giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn, trong 7 ngày ngồi một thế ngồi kiết già, thọ hưởng lạc giải thoát. Lúc bấy giờ, một cơn giông tố lớn trái mùa khởi lên và trong 7 ngày, trời mưa gió lạnh, bầu trời u ám. Rồi thần rắn Mucilinda ra khỏi chỗ ở của mình, với thân cuốn vòng quanh 7 vòng thân của Thế Tôn và đứng thẳng, vươn cao các mang lớn trên đầu (Thế Tôn) với ý nghĩ: “Mong Thế Tôn khỏi lạnh! Mong Thế Tôn khỏi nóng! Mong Thế Tôn khỏi xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, sức nóng, các loài bò sát”.

Sau 7 ngày ấy, Thế Tôn ra khỏi định ấy. Mucilinda, vua các loài rắn, sau khi biết trời đã sáng tỏ, mây đã được thoát đi, cởi mở thân mình khỏi thân Thế Tôn, biến dạng thân sắc của mình, hóa hiện thân sắc một thanh niên đứng trước mặt Thế Tôn, chắp tay đảnh lễ Thế Tôn.

Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:

Viễn ly là an lạc,

Với người biết tri túc,

Với người có nghe pháp,

Với người có chánh kiến

Không sân là an lạc,

Những ai ở trên đời,

Ðối hữu tình chúng sanh

Biết tự chế, ngăn ngừa.

Ly tham là an lạc,

Vượt các dục ở đời,

Ai nhiếp phục ngã mạn,

Ðây an lạc tối thượng”.

Đến nay, trong các pho tượng Phật - Rắn Mucilinda nổi tiếng, tượng có niên đại sớm nhất là nửa cuối thế kỷ XI.

Trần Thế Vinh