Hà Nội thống nhất dừng xe môtô, 2 bánh vận chuyển hàng hóa tự do
![]() |
Hà Nội thống nhất dừng xe môtô, 2 bánh vận chuyển hàng hóa tự do (ảnh: TTTĐ) |
UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản thống nhất về nguyên tắc nội dung kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND thành phố trong lĩnh vực vận tải.
Theo đó, thành phố yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo Tổng công ty vận tải Hà Nội, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND thành phố và nghiêm túc triển khai thực hiện, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
UBND thành phố cơ bản đồng ý về chủ trương tạm dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện xe môtô, xe 2 bánh theo đề xuất của Sở GTVT để có biện pháp chặt chẽ đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND thành phố yêu cầu Sở GTVT chủ trì, cùng với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát kỹ, thống nhất hình thức tổ chức, quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe môtô, xe 2 bánh đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đúng mục đích, đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện thuộc quản lý của các đơn vị, doanh nghiệp phải đăng ký danh sách với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở chuyên ngành để tổng hợp, gửi Sở GTVT cấp mã số xác nhận; đảm bảo thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện xe môtô, xe 2 bánh đối với các cá nhân hoạt động tự do trong thời gian giãn cách để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.
UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, cùng các sở, ngành nghiên cứu, rà soát, xem xét việc tạo điều kiện ưu tiên bố trí các điểm xét nghiệm, tiêm vắc xin phòng dịch khi có điều kiện cho các đối tượng là người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân có đăng ký hoạt động trên địa bàn TP.
Sở GTVT, Công an thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai nhanh các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa thiết yếu thông suốt.
Trao đổi với báo chí cuối giờ chiều ngày 25/7, đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội xác nhận với văn bản mà TP vừa ban hành, các loại hình xe công nghệ như Grab, Gojek, Bee... không được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 17 của thành phố.
Trước đó, ngày 24/7, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản quyết định dừng các hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe môtô, bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và “xe ôm”, kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper).
Sở GTVT Hà Nội yêu cầu, các đơn vị cung cấp phần mềm (ứng dụng gọi xe) dừng việc cung cấp ứng dụng gọi xe từ ngày 24/7 cho đến khi có thông báo mới đối với hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe môtô. Trong đó nêu rõ, bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và “xe ôm”, kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper).
Cũng trong ngày 24/7, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Văn bản số 3462/SGTVT-QLVT gửi Sở Công Thương và các đơn vị bưu chính viễn thông yêu cầu đăng ký cho nhân viên được phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ siêu thị và các doanh nghiệp bưu chính bằng xe môtô 2 bánh.
Trong công văn, Sở GTVT đã hướng dẫn về việc cấp mã cho đối tượng này hoạt động trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách. Theo đó, Sở Công Thương tổng hợp danh sách nhân viên giao hàng bằng xe môtô 2 bánh cho các siêu thị trên địa bàn thành phố có nhu cầu hoạt động, các đơn vị bưu chính tổng hợp danh sách nhân viên giao nhận bưu kiện (bưu tá) thuộc quyền quản lý có nhu cầu hoạt động trên địa bàn thành phố và gửi về Sở. Căn cứ vào danh sách đề nghị của các cơ quan, đơn vị nêu trên, Sở GTVT thực hiện xác nhận thông tin phương tiện được phép hoạt động (online) cho nhân viên vận chuyển qua số điện thoại bằng hình thức tin nhắn.
Ví dụ từ số điện thoại của Sở GTVT (SoGTVTHanoi) nhắn đến số điện thoại của lái xe theo đăng ký: SoGTVTHanoi xác nhận ông Nguyễn Văn A được Công ty B đăng ký vận chuyển hàng hóa thiết yếu tại địa bàn quận/huyện/thị xã C bằng xe môtô xe hai bánh BKS số 29A-12345).
Sau khi nhận được tin nhắn của Sở GTVT Hà Nội thông báo, nhân viên vận chuyển chụp ảnh màn hình tin nhắn xác nhận của Sở Giao thông vận tải và xuất trình khi các lực lượng chức năng kiểm tra, yêu cầu.
Sở GTVT cũng nêu rõ: Sở Công Thương, các đơn vị bưu chính viễn thông chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, đảm bảo độ chính xác của các thông tin đăng ký và chịu trách nhiệm kiểm tra các biện pháp phòng chống dịch bệnh đối với các nhân viên giao hàng theo danh sách đã đề nghị.
Các đơn vị đăng ký cho nhân viên được phép hoạt động phải chịu trách nhiệm quản lý và giám sát công tác phòng dịch của đội ngũ nhân viên do đơn vị quản lý, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh.
T.H
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025