Hà Nội: Tạo hứng thú cho học sinh khi học trực tuyến

10:45 | 16/10/2021

787 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm học mới 2021-2022 đã được hơn một tháng, khi học sinh chưa thể đến trường do dịch Covid-19, việc dạy và học online đã trở nên quen thuộc đối với giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh học sinh trên địa bàn Hà Nội. Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành GD&ĐT Hà Nội đã và đang nỗ lực đổi mới phương pháp để tạo hứng thú và hiệu quả cho học sinh khi học tập trực tuyến.
Hà Nội: Tạo hứng thú cho học sinh khi học trực tuyến
Học sinh Hà Nội học trực tuyến

Giáo viên làm chủ công nghệ dạy học

Từ đầu năm học, xác định dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh chưa thể sớm quay lại trường, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường đã, đang có nhiều giải pháp để học sinh học trực tuyến tiếp thu đủ khối lượng kiến thức mà không gây quá tải.

Tại các địa phương đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng quản lý, dạy - học trực tuyến ở cấp tiểu học để cán bộ, giáo viên chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy, học trực tuyến. Các trường học cũng được yêu cầu kiểm soát, phê duyệt tư liệu tranh, ảnh, hình nền, clip… của giáo viên, học sinh tự khai thác sử dụng làm tư liệu phục vụ và dạy học trực tuyến nhằm tránh sai sót về mặt chuyên môn…

Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận, ngay từ đầu năm học mới, quận đã đặt trọng tâm vào công tác tổ chức dạy và học trực tuyến, bảo đảm 100% các trường xây dựng và vận hành hiệu quả trường học trực tuyến. Tại quận Ba Đình, có 92% số trường học trực tuyến trên nền tảng Google Classroom; 0,6% số trường học trực tuyến trên nền tảng MS Teams và 0,2% số trường học trên nền tảng khác. Việc bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng quản lý, tổ chức dạy học trực tuyến cho cán bộ, giáo viên toàn ngành đã giúp giáo viên làm chủ công nghệ dạy học, nhà trường quản lý được quá trình học trực tuyến của học sinh.

Cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên Toán Trường THPT Vân Tảo (huyện Thường Tín) cho biết, để tạo thuận lợi cho học sinh, từ đầu năm học đến nay, nhà trường đã có các điều chỉnh về thời khoá biểu, giảm số phút học trong mỗi tiết, thay đổi thời khoá biểu theo tuần, tháng để học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn khi học trực tuyến. Giáo viên cũng xây dựng bài dạy theo hướng giảm tối đa lý thuyết, tăng yêu cầu vận dụng kiến thức thông qua việc gửi các video hướng dẫn học sinh thực hành để giúp học sinh tiếp thu hiệu quả khi học trực tuyến.

Tăng tương tác, tạo môi trường thân thiện với học sinh

Cùng chung những nỗ lực của ngành GD&ĐT Thủ đô, Trường Tiểu học Dịch Vọng A (quận Cầu Giấy) đã khắc phục khó khăn, giúp học sinh thích nghi với phương thức dạy học trực tuyến. Đặc biệt là với học sinh lớp 1, lớp 2, các phụ huynh đã tích cực phối hợp với nhà trường nhằm hỗ trợ con em mình tiếp cận và nâng cao hiệu quả của phương pháp học tập này khi chưa thể đến trường trực tiếp.

Đặc biệt, Trường Tiểu học Dịch Vọng A đã tiên phong trong việc giải quyết các trở ngại về tâm lý cho giáo viên, phụ huynh và học sinh bằng chương trình tư vấn trực tuyến “Vượt qua trở ngại tâm lý cho giáo viên, phụ huynh, học sinh trong đại dịch”. Trường cũng có những giải pháp thiết thực và kịp thời nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi triển khai dạy trực tuyến như bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho giáo viên bằng nhiều hình thức, liên kết với các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông để hỗ trợ tốt nhất cho giáo viên, đảm bảo chất lượng đường truyền Internet phục vụ giảng dạy.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Trường THCS Nguyễn Trãi A (huyện Thường Tín) đã nghiêm túc thực hiện theo sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín về chương trình dạy và học trực tuyến. Nhiệm vụ nhà trường quan tâm, đặt lên hàng đầu là làm thế nào tạo được hứng thú và hiệu quả cho học sinh khi tham gia học tập trực tuyến. Các giáo viên linh hoạt, sáng tạo, chủ động hơn trong các tiết dạy của mình, ngoài việc chuẩn bị giáo án các môn học chi tiết theo thời khóa biểu, đã dành nhiều thời gian để học hỏi về công nghệ thông tin và xem những bài giảng tập huấn để tiếp thu những phương pháp dạy học tích cực mới.

Các giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi A đã ứng dụng kiến thức CNTT để xây dựng giáo án online, lồng ghép thêm các trò chơi hiện đại, hấp dẫn qua hình ảnh, video minh họa cho bài giảng để tạo sự sinh động, cuốn hút học sinh. Nhờ đó, giờ học trực tuyến trở nên sinh động, gần gũi, giúp học sinh tập trung hơn trong giờ học, ghi nhớ, hiểu và dễ dàng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Hà Nội: Tạo hứng thú cho học sinh khi học trực tuyến
Đối với học sinh tiểu học, việc dạy học trực tuyến cần có sự phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh

Khẳng định việc dạy học trực tuyến nói chung, đặc biệt đối với học sinh tiểu học là giải pháp bất đắc dĩ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ (Trường Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đây cũng là một là yêu cầu quá khó đối với cả thầy và trò mà ngành Giáo dục đang nỗ lực thực hiện.

Bỏ qua những khó khăn về mặt trang thiết bị, đường truyền, công nghệ, nguyên nhân chính tạo ra thách thức, khó khăn trong các buổi học trực tuyến này, đó là cách tổ chức các hoạt động tương tác của giáo viên trong quá trình dạy học còn chưa đảm bảo yêu cầu. Theo đó, đối với học sinh lớp 1, giáo viên nên dành một số buổi học ban đầu không dạy học mà chủ yếu để làm quen, hướng dẫn các thao tác cơ bản trên ứng dụng và thiết bị cả học sinh và phụ huynh; trao đổi/kể chuyện với học sinh… để tạo môi trường thân thiện.

TS Tôn Quang Cường lưu ý, để tổ chức các hoạt động dạy, học trực tuyến hiệu quả, giáo viên nên tắt hết các chức năng cho phép học sinh tương tác trên ứng dụng; chuẩn bị 2 đến 3 video ngắn, vui nhộn có nhạc để chạy giữa giờ giải lao; sử dụng một số ứng dụng trò chơi trực tuyến để học sinh hứng thú trong giờ học. Các hoạt động được giáo viên thực hiện cần rõ ràng, không vội vàng, không hối thúc học sinh… bảo đảm học sinh xem, nghe và cùng làm theo. Đồng thời, giáo viên thường xuyên khen ngợi, biểu dương, nói lời tích cực; hình ảnh hóa, trực quan hóa tối đa mọi hoạt động. “Học sinh tiểu học, nhất là cho học sinh lớp 1,2 cần phải lấy sự hứng thú và tham gia của học sinh làm gốc.

Trong quá trình học, nhằm gia tăng sự tương tác, giáo viên nên sử dụng một số ứng dụng trò chơi online đơn giản; các thẻ nội dung trực quan (chữ cái, con số, kí hiệu quy ước hoạt động…) để giơ lên trước màn hình yêu cầu học sinh chú ý, tiến tới yêu cầu các em thể hiện tương tác bằng cách sử dụng các chức năng trong ứng dụng. “Ở lứa tuổi này, mỗi bài học nên là một trò chơi; kiến thức, kỹ năng cần hình thành chính là luật chơi; giáo viên, cha mẹ học sinh chính là bạn cùng chơi và công nghệ phải là đồ chơi" - TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh.

Phú Văn

Hơn 89 tỷ đồng và 103.000 thiết bị học tập ủng hộ chương trình ''Sóng và máy tính cho em''Hơn 89 tỷ đồng và 103.000 thiết bị học tập ủng hộ chương trình ''Sóng và máy tính cho em''
Hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính học trực tuyếnHỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính học trực tuyến
Hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho 3.300 học sinh khó khănHỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho 3.300 học sinh khó khăn
PV Power Hà Tĩnh đồng hành cùng học sinh nghèo vượt khóPV Power Hà Tĩnh đồng hành cùng học sinh nghèo vượt khó

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.