Hà Nội ô nhiễm bởi buông lỏng quản lý

06:52 | 28/12/2019

884 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại hội nghị đánh giá và bàn các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, thực tế vẫn có cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, không kiểm soát chặt các nguồn thải gây ô nhiễm không khí.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, những ngày qua, chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội có xu hướng xấu đi. Số liệu quan trắc cho thấy, hầu như tất cả các ngày trong tuần qua, chỉ số AQI (chỉ số đánh giá chất lượng không khí hằng ngày) tại các trạm quan trắc đều ở mức kém, xấu và rất xấu, không có ngày nào AQI ở mức tốt (màu xanh), trung bình (màu vàng). Tổng hợp kết quả quan trắc cho thấy, buổi sáng (5-12 giờ) là thời điểm ô nhiễm nhất trong ngày, sau đó giảm nhẹ vào trưa, chiều và tăng lên vào ban đêm.

ha noi o nhiem boi buong long quan ly
Hà Nội mù mịt do ô nhiễm

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn phê bình một số cơ quan chức năng của Hà Nội không những không quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm mà còn buông lỏng quản lý, không kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, thậm chí làm gia tăng nguồn thải gây ô nhiễm không khí, dù UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch hành động với nhiều giải pháp đồng bộ sau khi Thành ủy có nghị quyết “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội dẫn chứng, tình trạng các xe chở vật liệu xây dựng, chở cát, gạch chưa bảo đảm tiêu chuẩn, che chắn... cho thấy công tác kiểm tra, thanh tra “có vấn đề”, chưa thực hiện đúng trách nhiệm được giao. Việc thu gom rác, quét hút bụi vùng giáp ranh giữa các quận, huyện… cũng vậy, vẫn còn tình trạng đùn đẩy nhau, đó là trách nhiệm của các đơn vị thu gom rác, quét hút bụi. Tình trạng cuối năm đào đường, làm vỉa hè vẫn diễn ra. Việc thu gom rác, thực hiện thi công, yêu cầu đến 5 giờ sáng phải trả lại cảnh quan sạch sẽ nhưng thực tế chưa được như vậy... Tất cả đã góp phần làm Hà Nội đã ô nhiễm càng ô nhiễm hơn.

Trong tuần qua, chỉ số AQI (chỉ số đánh giá chất lượng không khí hằng ngày) tại các trạm quan trắc đều ở mức kém, xấu và rất xấu, không có ngày nào AQI ở mức tốt (màu xanh), trung bình (màu vàng). Buổi sáng (5-12 giờ) là thời điểm ô nhiễm nhất, sau đó giảm nhẹ vào trưa, chiều và tăng lên vào ban đêm.

Tuy nhiên, ông Chung cũng phân tích, với tốc độ phát triển đô thị nhanh, dân số cơ học tăng tới mức chóng mặt, trung bình mỗi năm Hà Nội tăng thêm 160.000 người, vì vậy công tác bảo vệ môi trường đòi hỏi phải có các giải pháp căn cơ, đồng bộ. Ông Chung khẳng định: “Thành phố luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, giảm các nguồn thải không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, mà cần phải có nhiều giải pháp bền vững”.

Đề cập đến các giải pháp ứng phó trước tình trạng ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để hạn chế ô nhiễm môi trường. Trước mắt, Sở TN&MT chuẩn bị địa điểm lắp đặt 50-70 trạm quan trắc cố định và trên cao để quan trắc chất lượng không khí, môi trường nước. Đồng thời, thứ Bảy, Chủ nhật, chính quyền các quận, huyện, thị xã phát động người dân tham gia tổng vệ sinh môi trường và duy trì phong trào này thường xuyên bên cạnh tiếp tục phát động chương trình trồng cây xanh; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ, đặc biệt là đốt rác tại các làng nghề. Song song với đó, thành phố sẽ đề xuất chế tài xử phạt nặng những cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm; ban hành định mức thu liên quan tới xả thải ở làng nghề, hộ kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh các giải pháp đó, Sở TN&MT đề nghị UBND thành phố Hà Nội giao các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các công trình thi công, xây dựng, các khu công nghiệp, làng nghề, các khu xử lý chất thải tập trung. Sở TN&MT cũng đề nghị UBND thành phố thiết lập quy định về tình trạng khẩn cấp khi không khí chạm ngưỡng nguy hại (AQI >300). Đồng thời trong những ngày ô nhiễm, UBND thành phố Hà Nội nên ban hành thông báo về tình hình chất lượng không khí tới Sở Giáo dục và Đào tạo để các trường mầm non, tiểu học cho học sinh nghỉ học.

Ngoài ra, Sở TN&MT đề nghị thành phố cấm các loại xe tải nặng, đặc biệt là xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng lưu hành trong 12 quận nội thành, tạm dừng các hoạt động xây dựng, phá dỡ cải tạo công trình trong giờ cao điểm.

Sở TN&MT cũng đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu đánh giá các tác động ô nhiễm xuyên biên giới và các tỉnh, thành phố lân cận của Hà Nội. Bộ TN&MT sớm trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản dưới luật về xử phạt các các hành vi hủy hoại môi trường. Sở TN&MT cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm ban hành tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện và đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt trên cao tại địa bàn Hà Nội để giảm thiểu phương tiện cá nhân.

Nguyễn Bách