Hà Nội "đánh chặn" tín dụng đen như thế nào?

10:50 | 31/05/2019

1,447 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng CSHS, CATP Hà Nội: "Xác định hoạt động “tín dụng đen” là nguồn gốc nảy sinh các vấn đề phức tạp, bởi vậy phải quản lý chặt các cơ sở kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, tạo thế chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội lợi dụng hình thức kinh doanh dịch vụ này để hoạt động vi phạm pháp luật". 

Từ biện pháp bài bản, căn cơ

Quá trình tổ chức điều tra cơ bản, thống kê danh sách các cơ sở, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, Công an thành phố Hà Nội đã dựng được bức tranh toàn cảnh về hoạt động tội phạm này, cũng như các khu vực tập trung số lượng lớn các hiệu cầm đồ, kinh doanh tài chính, qua đó đề ra những biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm giải quyết ngay những vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự (ANTT).

ha noi danh chan tin dung den nhu the nao
Công an TP Hà Nội luôn tập trung đấu tranh, triệt phá tổ chức "tín dụng đen"

Theo số liệu thống kê của Phòng CSHS - CATP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.247 cơ sở cầm đồ, 669 cơ sở kinh doanh tài chính, cùng với đó là gần 600 cá nhân hoạt động cho vay được đưa vào danh sách quản lý. Hầu như tất các các cơ sở, cá nhân nêu trên đều cung cấp dịch vụ cho vay tài chính.

Nắm được địa bàn, Phòng CSHS và các đơn vị của CATP Hà Nội đã kịp thời tổ chức phân công, phân cấp quản lý, tập trung vào các cơ sở kinh doanh, cá nhân, ổ nhóm có biểu hiện phức tạp, đã từng vi phạm hoặc đối tượng cầm đầu có nhiều tiền án, tiền sự.

Tổng số cơ sở kinh doanh tài chính đã được mở hồ sơ đưa vào quản lý là 1.695 cơ sở (chiếm 88,4% tổng số cơ sở kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố). Đối với 221 cơ sở chưa có biểu hiện phức tạp (chiếm 11,6% tổng số cơ sở kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố), các đơn vị đang quản lý hành chính theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt đối với các cơ sở cầm đồ “kinh doanh tài chính” không phép, có biểu hiện hoạt động phức tạp đều được Công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo lực lượng CSHS các Đồn, Đội, Trạm mở hồ sơ quản lý, và áp dụng các biện pháp đấu tranh, xử lý phù hợp.

Đến "đánh" trúng, diệt gọn nhiều ổ nhóm tội phạm

Theo đánh giá của Thượng tá Nguyễn Bình - chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng CSHS - CATP Hà Nội, “tín dụng đen” về bản chất là hoạt động vay mượn giữa các cá nhân với nhau, không thông qua các tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép hoạt động. Sự tồn tại của “tín dụng đen” là bởi, nó cung cấp tài chính nhanh chóng đến người có nhu cầu mà không cần nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, so với các tổ chức tín dụng hợp pháp.

ha noi danh chan tin dung den nhu the nao
Hung khí của một tổ chức tín dụng đen sử dụng đòi nợ, thanh toán lẫn nhau.

Tuy nhiên, cũng chính vì thủ tục vay mượn đơn giản, không bị ràng buộc về pháp luật, dễ dẫn đến các vụ phạm pháp hình sự như cưỡng đoạt, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, đổ chất bẩn đe dọa, khủng bố tinh thần... Đặc biệt đã xảy ra một số vụ án trọng án như giết người, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Từ khi triển khai thực hiện Kế hoạch 231 (tháng 8/2016 đến nay), các đơn vị trong toàn lực lượng CATP Hà Nội đã phát hiện, điều tra khám phá, khởi tố 129 vụ án hình sự, khởi tố điều tra 298 bị can trong đó có 20 ổ nhóm tội phạm có tổ chức, với 96 đối tượng bị bắt giữ, xử lý.

Nhiều băng nhóm tội phạm chuyên cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê trên địa bàn các quận, huyện Đông Anh, Quốc Oai, Cầu Giấy… do các đối tượng hình sự "cộm cán" như Hải “bay”, Duyên “lùn”, Tiến “trắng” cầm đầu đã bị CATP Hà Nội xử lý nghiêm.

Hoạt động “tín dụng đen” rất phức tạp và các đối tượng tham gia đều thực hiện hành vi rất manh động, liều lĩnh. Vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra đêm 25/7/2018 là minh chứng rõ nét với hàng chục đối tượng mang theo dao kiếm, đi qua nhiều tuyến phố lớn trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai để tìm nhóm đối tượng khác giải quyết mâu thuẫn trong vay nợ tiền bạc. Trong vụ án này, Phòng CSHS - CATP đã tổ chức điều tra, khởi tố, bắt tạm giam gần 40 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng. Lời khai của các đối tượng cho thấy, đa phần đều tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Có thể thấy từ thực tiễn đến kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống “tín dụng đen”, có thể rút ra một số bài học như: Lãnh đạo phải thực sự tâm huyết phòng chống loại tội phạm từ "tín dụng đen", tổ chức bài bản, nắm chắc địa bàn, không được phép dung túng, lơi là. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến thủ đoạn mới của tội phạm "tín dụng đen", vận động người dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm "tín dụng đen". Tuyệt đối không để các ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen” hoạt động trên nhiều địa bàn mà không được quản lý và tổ chức đấu tranh triệt xóa.

Thời gian qua, Công án Hà Nội đã làm rõ hàng trăm vụ án liên quan đến tội phạm tín dụng đen. Cụ thể: 6 vụ giết người, 33 vụ cướp tài sản, 14 vụ cưỡng đoạt tài sản, 10 vụ bắt giữ người trái pháp luật, 30 vụ cố ý gây thương tích, 3 vụ gây rối TTCC, 7 vụ hủy hoại tài sản, 4 vụ tổ chức đánh bạc, 3 vụ cho vay lãi nặng, 1 vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và 18 vụ về các hành vi khác…

Thượng tá Nguyễn Bình