Guồng lấy nước cấy lúa ở bản người Thái

10:48 | 12/01/2020

726 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiếc guồng tải nước không ngừng nghỉ đêm ngày giúp người Thái trồng lúa trên những thửa ruộng bậc thang khô cằn. 

Trời vừa tảng sáng, bà Vi Thị Nguyền vội vã đẩy chiếc xe rùa ra khỏi nhà. Hôm nay bà phải tải đủ chục xe mạ cho nhóm thợ cấy. Thửa ruộng hơn một sào (500 m2) của gia đình bà Nguyền nằm cách bờ sông Lò chừng vài trăm mét, đã cấy mạ được phân nửa.

"Có nước ngập ruộng rồi, cấy nhanh còn nghỉ ngơi mua sắm Tết", bà Nguyền nói. Gia đình có 6 sào ruộng, bà nhẩm tính cấy hai hôm nữa là xong.

Dọc bờ sông Lò, những chiếc guồng bánh xe lớn nằm dày đặc, dẫn nước về ruộng. Bản Tong là nơi có nhiều guồng nhất huyện Quan Sơn với gần 20 chiếc.

guong lay nuoc cay lua o ban nguoi thai
Nửa đầu tháng Chạp, các hộ dân ở bản Tong đã cấy kín các thửa ruộng, chuẩn bị nghỉ Tết.

Đều đặn hai lần trong năm, dân bản Tong làm guồng tải nước cho vụ mùa. Đầu tháng 11 âm lịch, dân bản bắt đầu lên rừng đốn cây làm guồng. Bờ sông Lò những ngày đó như có hội làng. Người vác cây, người chẻ lạt, chặt đẽo, tiếng cười nói lẫn trong tiếng dao, rựa huyên náo cả khúc sông. Các lao động chính trong bản đều nghỉ việc đi lấy nứa, tre luồng. Nhóm khác có kinh nghiệm được phân công đo đạc, đẽo vót cây rừng cho đúng kích cỡ chiếc guồng dự kiến sẽ dựng.

Mỗi chiếc guồng có đường kính 6 đến 8 mét và cứ 3 - 4 hộ được phân công làm một chiếc. Khâu chuẩn bị vật liệu hết gần một tuần, thi công chỉ trong 2 ngày. Sau khi làm xong bánh guồng - công đoạn quan trọng nhất, người dân bắt đầu lắp ống dẫn nước lên ruộng.

"Quan trọng nhất là khi đưa xuống nước, chiếc guồng phải quay nhịp nhàng và vục thật nhiều nước", trưởng bản Hà Văn Khăm nói. Ông cho hay, những đứa trẻ trong bản lớn lên, biết cầm dao đi rẫy, bẻ bắp ngô đã được truyền dạy cách làm guồng trị thuỷ. Hà Văn Khăm năm nay 40 tuổi, đã có gần 30 năm kinh nghiệm chặt cây làm guồng.

guong lay nuoc cay lua o ban nguoi thai
Những đứa trẻ trong bản Tong ra đồng xem bố mẹ cấy lúa. Chúng đùa nghịch bên dòng nước mát được tải lên từ những chiếc guồng.

Để có chiếc guồng tốt, người thợ phải rất tỉ mỉ. Họ cần nhẩm tính số vật liệu phù hợp, tính toán độ cao của thửa ruộng và mực nước sông... sao cho chiếc guồng hoạt động liên tục suốt nhiều tháng, từ khi gieo mạ làm đất đến khi cây lúa cho thu hoạch.

Do phụ thuộc vào sông Lò nên "số phận" những chiếc guồng ở bản Tong cũng bấp bênh như dòng nước. Mỗi chiếc guồng dù đã được gia cố chắc chắn, song khi lũ lớn tràn về có thể cuốn phăng chúng về hạ lưu. Dân bản bảo, có năm vừa dựng xong mấy chiếc guồng ban chiều, họ về ăn cơm thì lát sau ra sông đã không còn dấu vết. Các gia đình lại hò nhau dựng lại những chiếc guồng mới để "nuôi" ruộng lúa.

Làm guồng tốn nhiều công sức nhưng người dân nơi đây không có chọn lựa nào khác. Bởi nếu dùng máy bơm hút nước thì số thóc thu về không đủ trả tiền mua dầu. Người dân ở bản vùng cao này tự ý thức, làm guồng vừa để duy trì tập tục canh tác truyền thống, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, "lấy công làm lãi".

Gia đình trưởng bản Hà Văn Khăm có 4 sào đất lúa cấy hai vụ, mỗi vụ thu về 8 tạ đến một tấn thóc. Không dư dả nhưng cũng đủ gạo cho 5 khẩu ăn quanh năm. Lúc nông nhàn, Khăm cùng vợ đi rừng, làm thêm nghề phụ, dành dụm cũng nuôi được ba đứa con ăn học đàng hoàng.

guong lay nuoc cay lua o ban nguoi thai
Chỉ hơn 1 km dọc sông Lò, dân bản Tong đã làm gần 20 chiếc guồng tải nước.

Chủ tịch UBND xã Trung Tiến Lò Văn Quyến cho hay, người Thái định cư ở bản Tong hàng trăm năm trước. Cả bản có 90 nóc nhà, 435 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào rừng và lúa nước.

"Nằm ở vùng địa hình đồi núi, có độ dốc lớn nên hoạt động sản xuất nông nghiệp của cư dân phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và công cuộc trị thủy theo phương pháp truyền thống", ông Quyến nói.

Năm nay, nông vụ của người Thái ở bản Tong đến sớm hơn thường lệ. Thời tiết ấm áp, lại có mưa rào nên dân bản dự báo sẽ có một vụ lúa chiêm xuân được mùa. Hầu hết các thửa ruộng bậc thang trong bản đã cấy kín chân mạ trong nửa đầu tháng Chạp.

Theo VnExpress