Grab, VAT và một năm kinh tế buồn

07:24 | 09/12/2020

181 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Keynes cho rằng: “Nhà nước phải sử dụng thuế như là một công cụ sắc bén trong điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế-xã hội”.
Tài xế Grab đình công phản đối tăng thuế VAT 10%
Tài xế Grab đình công phản đối tăng thuế VAT 10%

Mỗi lần đến bến xe Đà Nẵng, tôi thường chọn Grab để đi tiếp đến văn phòng. Như một thói quen, tôi khước từ tất cả những cái vẫy tay để tìm đến nhóm thanh niên trẻ, trong đồng phục xanh lá cây.

Họ đa phần là sinh viên tỉnh lẻ đến Đà Nẵng học tập, nhiều lần sử dụng dịch vụ này giúp tôi rút ra kết luận: Grab đã giúp người Việt sử dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Tính ưu việt của mô thức kinh doanh này là điều khó phủ nhận.

Suốt quãng đường tôi thường chủ động bắt chuyện. Có thể do bệnh nghề nghiệp “hay hỏi”, cũng có phần liên quan đến Grab - một doanh nghiệp công nghệ gây nhiều tranh cãi trong mấy năm có mặt tại Việt Nam, tôi muốn tìm hiểu về nó.

Lần gần nhất tôi đi trên chiếc Wawe Alpha cũ mèm của Huy, một anh chàng người Thái Bình đang là sinh viên năm cuối của Đại học kinh tế. Suốt 4 năm nay, chạy Grab đã giúp Huy chi trả phần lớn học phí, ăn uống, phí ký túc xá.

Cậu ta bảo, em sắp giải nghệ, trả mũ áo cho công ty để kiếm sống từ tấm bằng sắp nhận. Chẳng thiết tha gì nghề này, nhưng dù có vẫn hơn không - nó là phao cứu sinh cho em khi vừa đặt chân đến thành phố xa lạ.

Tôi tin rằng, nếu tiếp tục tìm hiểu thì sẽ còn hàng vạn trường hợp giống Huy. Từ ngày có mặt tại nước ta, Grab đã âm thầm giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người, mang đến phương thức đi lại rẻ, tiện lợi và phổ biến.

Năm ngoái, Grab bị kiện, họ đã thua trên bản án pháp lý nhưng vẫn thắng vang dội ngoài thị trường. Tại sao lại có nghịch lý này? Liệu rằng có ai đó đang âm mưu giết chết mầm mống một phương thức kinh tế công nghệ tân tiến nhất hiện nay?

Vì sao Grab không chết? Đơn giản thôi, vì cấu trúc và tính chất của doanh nghiệp này hoàn toàn đáp ứng nhu cầu kinh điển của người tiêu dùng: Giá rẻ, tiện lợi.

Bí quyết thành công của Grab là giảm tối đa chi phí đầu vào. Có thể hiểu, họ chỉ cung cấp ứng dụng gọi xe, người lao động tự túc phương tiện, hoạt động kinh doanh mang tầm quốc tế nhưng đội ngũ nhân sự chủ chốt chỉ vài chục người. Họ chẳng cần bao cấp cho một ai, người lao động chạy chuyến nào ăn chuyến ấy.

Về lý thuyết kinh doanh, tử huyệt của mọi doanh nghiệp là khi chi phí đầu vào tăng lên, mọi kế hoạch trở nên thừa thải nếu như thu chi mất cân đối. Cũng như vậy, Grab sẽ không còn ưu thế nếu như bị buộc tăng giá cước.

Ngày 5/12, Nghị định 126/2020 có hiệu lực, lập tức các hãng xe ôm công nghệ như Grab, Gojek, Beamin lập tức tăng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế.

Các công ty này chính thức được xem là đơn vị vận tải như taxi truyền thống và áp dụng việc thu thuế VAT 10%. Các công ty công nghệ này sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay cho các tài xế.

Đứng trên quan điểm của ngành thuế, Bà Tạ Thị Phương Lan, phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế cho biết “Grab, Bee, Gojek là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải cung cấp giải pháp công nghệ”.

Tuy nhiên, như đã nói, mấy doanh nghiệp này không hề sở hữu một phương tiện vận tải nào. Hoạt động của nó dựa vào thỏa thuận với đối tác là các tài xế sở hữu phương tiện - được cung cấp phần mềm để chia sẻ lợi ích. Vậy căn cứ nào để xem đó là doanh nghiệp vận tải?

10% thuế VAT đánh vào Grab liệu có hợp tình hợp lý?
10% thuế VAT đánh vào Grab liệu có hợp tình hợp lý?

Tác động của bàn tay nhà nước thông qua công cụ thuế lần này sẽ xuất hiện hai kịch bản: Một là, taxi công nghệ sẽ thu hẹp hoạt động ở Việt Nam, người tiêu dùng bị cắt bớt sự chọn lựa, công ăn việc làm sẽ giảm.

Hai là, không phải người lao động trả VAT, cũng không phải doanh nghiệp lo khoản này mà chính là khách hàng phải móc thêm hầu bao. Bởi vì sau khi nghị định có hiệu lực các hãng xe ôm công nghệ lập tức tăng phí cước.

Vậy, sắc thuế này có ý nghĩa thế nào? VAT được sử dụng lần đầu vào năm 1954 tại Pháp, bản chất VAT là thuế thu gián tiếp. Người phải nộp thuế là những người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhưng người chịu thuế lại là người tiêu dùng cuối cùng của hàng hóa, dịch vụ đó.

Như vậy, đánh thêm thuế vào xe ôm công nghệ thực chất là đè thêm một gánh nặng lên vai nhân dân. Đối tượng chịu VAT rất rộng: Tất cả các đối tượng tồn tại trong xã hội, bất kể cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp, người có thu nhập thấp hay cao.

Và hãy thử nhìn lại năm nay, một năm tồi tệ với tất cả, dịch bệnh Covid-19 càn qua quét lại, lũ lụt lịch sử tại miền Trung, doanh nghiệp chưa thể khôi phục, mất mát công ăn việc làm,…

Nhà kinh tế nổi tiếng Keynes, chủ nhân thuyết “bàn tay hữu hình” cho rằng: “Nhà nước phải sử dụng thuế như là một công cụ sắc bén trong điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế-xã hội”.

Có nghĩa rằng, tăng thuế để hoàn thiện cơ chế phân phối của cải, tiến tới công bằng xã hội chứ không phải để làm rắc rối thêm tình hình.

Theo enternews.vn