Thủy điện miền Trung - Tây Nguyên:

Gồng mình cấp điện, chống hạn

08:08 | 19/03/2016

290 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, hầu hết các hồ thủy điện miền Trung - Tây Nguyên đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, số lượng hụt ước tính khoảng 2,1 tỉ m3.  Điều này đang đặt ngành điện miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và EVN nói chung trước áp lực rất lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt khi còn phải thực hiện các nhiệm vụ chống hạn tại các địa phương. Và theo dự báo, để đảm bảo cung ứng điện trong năm 2016, EVN sẽ phải huy động một lượng lớn nguồn điện chạy dầu giá cao trong mùa khô tới.

Nguy cơ thiếu điện lớn

Theo số liệu EVN, những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, do tác động của tình trạng nắng hạn kéo dài cũng như hiện tượng El Nino khắc nghiệt trải dài khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, lượng nước tại các hồ thủy điện hiện đang thiếu hụt tới 10 tỉ m3.

Sự thiếu hụt này sẽ khiến sản lượng điện thủy điện sụt giảm khoảng 5 tỉ kWh. Sản lượng này có thể tăng thêm trong những tháng tới do tiếp tục chịu tác động tiêu cực của thời tiết cũng như công tác xả nước chống hạn tại các hồ thủy điện.

gong minh cap dien chong han
Hồ thủy điện A Vương

Thực tế này cũng được ông Lê Tấn Triết - Phó giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp - công ty đang quản lý, vận hành Thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3 - cho hay: Trong năm 2015, do bị ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình thời tiết trên khu vực Tây Nguyên có những diễn biến phức tạp theo hướng cực đoan, hạn hán đã xảy ra trên diện rộng, lưu lượng nước về các hồ năm 2015 và các tháng đầu năm 2016 đạt rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái và trung bình nhiều năm (xấp xỉ 50% trung bình nhiều năm). Và điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành kế hoạch sản xuất của công ty trong năm 2016.

Cũng theo ông Triết, do tình hình thời tiết khắc nghiệt, các phụ lưu về hồ Buôn Kuốp và Srêpôk 3 rất thấp, không đạt theo tính toán tại quy trình vận hành liên hồ. Nên trong những tháng tới, 2 hồ này không thể đảm bảo lưu lượng xả về hạ du theo quy định. Tuy nhiên, công ty sẽ theo dõi sát sao diễn biến thời tiết trên khu vực, đề ra phương án khai thác các hồ trong từng giai đoạn cụ thể, sao cho đủ nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp hạ du các hồ trong mùa kiệt năm 2016…

“Với tình hình thời tiết như trên, ngày 7-3-2016, công ty đã được cấp có thẩm quyền cho phép tách các nhà máy ra khỏi thị trường điện, tạo điều kiện cho công ty chủ động hơn trong công tác đáp ứng nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hạ du trong mùa khô 2016” - ông Triết thông tin.

Cũng trong tình cảnh tương tự, hồ thủy điện A Vương cũng đang trong cảnh “khát nước” nghiêm trọng khi theo ông Lê Đình Bản - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, tính đến 10-3, mực nước trong hồ vẫn thiếu hụt hơn 4,6m so với quy định. Thủy điện A Vương đã phải dừng vận hành hoàn toàn để tích nước. Tuy nhiên, với lượng nước về hồ chỉ đạt 8-10m3/s như hiện nay, nếu khả quan, dự kiến đến 21-3 thì Thủy điện A Vương mới đạt được mực nước theo đúng quy trình là 372,7m để đủ điều kiện quay trở lại vận hành. Còn nếu không phải chờ đến tận 1-4 mới được hoạt động trở lại. Nước về quá ít nên tính đến thời điểm ngày 10-3 mới đạt sản lượng 3,9 triệu kWh, đạt 0,74% kế hoạch được giao.

“Nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang trong cảnh “mất mùa” lũ. Các hồ thủy điện của ngành điện bị thiếu nước đã phải ngừng hoạt động và ngành điện phải chạy dầu để phát điện bù vào lượng điện thiếu hụt do các nhà máy thủy điện ngừng hoạt động. Nhưng công ty vẫn phải mất chi phí duy trì bộ máy. Nếu kéo dài thì phải vay tiền ngân hàng để trả lương cho cán bộ, công nhân viên trong thời gian ngừng hoạt động. Với tình hình này rất khó có thể ước tính hệ quả về mặt kinh tế đối với đơn vị do thời tiết được dự báo đến cuối quý II tới mới hết ảnh hưởng của El Nino” - ông Bản đề cập.

Chủ động giải pháp ứng phó

Như đã đề cập ở trên, các hồ thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang thiếu hụt nước nghiêm trọng làm ảnh hưởng lớn đến việc quản lý, vận hành cũng như đảm bảo sản lượng điện của các nhà máy thủy điện. Còn tại miền Bắc, thống kê của EVN cũng cho thấy tình trạng tương tự đang xảy ra tại hầu hết các hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La… Nguy cơ thiếu hụt điện trong năm 2016 vì thế là rất lớn.

Mặc dù đang phải đối diện với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng tại các hồ thủy điện nhưng theo ông Triết, bên cạnh nhiệm vụ phát điện, các hồ thủy điện còn phải làm nhiệm vụ xả nước phục vụ sinh hoạt, canh tác nông nghiệp vào các tháng mùa khô. Khó khăn, thách thức đặt ra đối với các nhà máy thủy điện trong việc đảm bảo phát điện vì thế lớn hơn rất nhiều. Và để đảm bảo thực hiện 2 nhiệm vụ này, vào đầu tháng 12, công ty đã tổ chức làm việc với các địa phương liên quan (đại diện là lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện trên địa bàn) để xác định và thống nhất về nhu cầu sử dụng nước phục vụ nông nghiệp trong các tháng mùa kiệt. Sau đó, công ty trình kế hoạch khai thác đến các ban, ngành liên quan thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để theo dõi chỉ đạo và phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, công ty thực hiện chế độ dự báo thông số hồ 10 ngày/lần, từ đó hiệu chỉnh lưu lượng xả phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn cụ thể, nhằm khai thác hiệu quả các nguồn nước từ các hồ chứa.

Ngoài ra, trong sản xuất hằng ngày, hoặc trong quá trình điều tiết xả nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hạ du trong mùa khô, công ty thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin và nhận được sự phối hợp chặt chẽ về mọi mặt của chính quyền, cũng như các ban, ngành địa phương thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để khai thác các hồ sao cho hiệu quả cao nhất. Trong quá trình vận hành hằng ngày, khi trên lưới điện quốc gia có những thay đổi ảnh hưởng đến chế độ vận hành của các nhà máy, làm lượng xả ra hạ du từ các hồ không đạt theo quy định, công ty cũng đã thông báo kịp thời đến các bên liên quan để sớm có kế hoạch phù hợp trong việc tưới tiêu, canh tác nông nghiệp…

Ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) khi đề cập đến vấn đề này đã thông tin: Về công suất lẫn điện năng hiện nay thủy điện chiếm tỷ trọng 42% trong cơ cấu nguồn của hệ thống điện quốc gia. Với tình hình thủy văn không thuận lợi thời gian qua, lượng nước còn lại trong các hồ thủy điện là 23,7 tỉ m3, thiếu hụt hơn 10 tỉ m3 (so với mực nước dâng bình thường). Để đảm bảo an ninh năng lượng, các thủy điện tại khu vực miền Trung cần phải có đủ nước để duy trì vận hành đảm bảo đến hết mùa khô. Nhưng đến nay, nhiều hồ vẫn không thể tích lên mức nước dưới bình thường cũng như mức nước tối thiểu đầu mùa cạn theo quy định của quy trình điều tiết hồ chứa. Vì vậy, A0 sẽ phải huy động cao các nguồn đắt tiền, hạn chế huy động các nhà máy thủy điện tích nước.

Tình hình thiếu nước vào mùa hạn là hiện tượng khách quan. Việc điều tiết nước các hồ thủy điện phục vụ công tác chống hạn là việc làm mang tính cấp bách đặt trên lợi ích kinh tế, phát điện. Việc vận hành các hồ thủy điện cần đảm bảo hài hòa giữa phục vụ dân sinh, phát điện và lợi ích kinh tế của các chủ đầu tư thủy điện.

(Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng)

Hà Thanh

Năng lượng Mới số 506