Góc nhìn của Mỹ với giá trần dầu Nga

14:24 | 04/08/2023

151 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hôm thứ Năm (3/8), một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Mỹ vẫn tin rằng việc G7 giới hạn giá dầu của Nga đang làm giảm doanh thu của Moscow và ổn định thị trường năng lượng bất chấp sự tăng giá gần đây.
Iran tăng sản lượng dầu lên mức cao nhất trong 5 nămIran tăng sản lượng dầu lên mức cao nhất trong 5 năm
Điều gì sẽ xảy ra khi Pakistan ngừng mua LNG vì giá đắt đỏ?Điều gì sẽ xảy ra khi Pakistan ngừng mua LNG vì giá đắt đỏ?
Góc nhìn của Mỹ với giá trần dầu Nga
Ảnh minh họa

Quyền Trợ lý Bộ trưởng về Chính sách Kinh tế Mỹ - Eric Van Nostrand coi mức giá trần là một phần thành công của chế độ trừng phạt đa phương áp đặt lên Nga. Ông cho biết Washington và các đối tác đang nỗ lực ngăn chặn bất kỳ sự trốn tránh lệnh trừng phạt nào.

"Cách tiếp cận của chúng tôi đã đánh trúng tâm điểm nguồn thu quan trọng nhất của Điện Kremlin. Trước chiến tranh, doanh thu từ dầu mỏ chiếm khoảng 1/3 tổng ngân sách Nga, nhưng vào năm 2023, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 25%", ông Van Nostrand nói trong bài phát biểu chuẩn bị cho một hội nghị ở London.

Vào tháng 12 năm ngoái, G7, Liên minh châu Âu và Australia đã áp đặt mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu của Nga bằng đường biển, để trả đũa cuộc xung đột ở Ukraine. Mức trần giá này cấm các công ty phương Tây không được cung cấp các dịch vụ như vận chuyển, bảo hiểm và tài trợ cho dầu được bán trên mức giới hạn.

Ông Van Nostrand cho biết, dữ liệu của Nga cho thấy doanh thu từ dầu của chính phủ liên bang trong nửa đầu năm 2023 giảm gần 50% so với năm ngoái và dầu của Nga được giao dịch ở mức "chiết khấu đáng kể" so với dầu Brent.

Theo vị quan chức Mỹ, chịu tác động của việc áp giá trần, Nga đã buộc phải xem xét tăng thuế đối với các nhà xuất khẩu dầu mỏ để tăng doanh thu, điều này có thể làm suy yếu triển vọng dài hạn của ngành dầu mỏ nước này.

Ông Van Nostrand cho biết mức giá trung bình cho dầu Urals của Nga dao động quanh mức 60 USD/thùng, mức giá trần, bất chấp giá dầu tăng gần đây cũng như kỳ vọng giá sẽ tăng vào nửa cuối năm 2023.

Tuần này, Bộ Tài chính Nga cho biết dầu thô Urals được giao dịch trung bình ở mức 64,37 USD/thùng trong tháng 7, tăng từ mức 55,28 USD/thùng trong tháng 6.

Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày (bpd) vào tháng 9, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết hôm thứ Năm (3/8). Nga, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới sau Ả Rập Xê-út, đã cam kết cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 5%, từ tháng 3 cho đến cuối năm.

Giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã tăng khoảng 2% lên gần 85 USD/thùng vào thứ Năm (3/8) sau khi Ả Rập Xê-út gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa cho đến cuối tháng 9.

Ông Van Nostrand cho biết mức trần đang tiếp tục hạn chế doanh thu của Nga, đồng thời mang lại cho "những khách hàng ngoài liên minh thêm đòn bẩy để đàm phán giảm giá".

Ông nói thêm rằng dầu của Nga được giao dịch bên ngoài khối G7 vẫn được bán với giá thấp hơn đáng kể so với dầu Brent và công suất vận chuyển đã hạn chế Nga có thể kinh doanh dầu bên ngoài khối G7.

Ông Van Nostrand cho biết: “Các quốc gia có thu nhập thấp hơn đã được hưởng lợi từ sự ổn định giá trần này khi họ tiếp tục nhập khẩu dầu giảm giá của Nga hoặc được hưởng lợi từ giá dầu toàn cầu thấp nói chung”.

Tuy nhiên, ông Van Nostrand cho biết Washington cho rằng thị trường có thể thay đổi nhanh chóng và Nga sẽ tiếp tục cố gắng trốn tránh mức giá trần.

Ông nói: “Chúng tôi vẫn thận trọng để giám sát thị trường dầu mỏ và toàn bộ liên minh vẫn tập trung vào việc thực thi các biện pháp trừng phạt của chúng tôi”.

Yến Anh

Reuters