Gỗ nhân tạo lên ngôi

14:31 | 16/11/2011

4,587 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nguồn gỗ rừng tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, giá mua gỗ nguyên liệu ngày càng đắt đỏ. Vì vậy, gỗ nhân tạo đã trở thành xu thế tất yếu để sản xuất đồ gỗ, thay thế nguyên liệu gỗ rừng trồng.

Gỗ nhân tạo có độ bền cơ lý cao, phù hợp với công nghệ sản xuất đồ mộc nội thất trong vùng khí hậu nhiệt dới

Chế biến sản xuất đồ gỗ là lĩnh vực thế mạnh xuất khẩu của nước ta, mỗi năm thu về 3-4 tỉ USD. Tuy nhiên, mỗi năm nước ta phải nhập khoảng 800 – 900 triệu USD gỗ nguyên liệu. Nguồn gỗ rừng tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, trong khi gỗ rừng trồng chủ yếu là những loại cây ít giá trị như bạch đàn, keo… với những loại gỗ tứ thiết thì phải từ 50 năm đến 100 năm mới cho thu hoạch. Vì vậy sản xuất ván gỗ nhân tạo là hướng ưu tiên đầu tư của Chính phủ để xuất khẩu, giải quyết nguồn nguyên liệu rừng trồng, và đây cũng đã trở thành xu thế tất yếu để sản xuất đồ gỗ.

Thị trường Việt Nam hiện nay đang ưa chuộng 2 chủng loại gỗ nhân tạo chủ yếu: gỗ ép và tre ép. Theo ông Phạm Quang Hiển (Tổng giám đốc TCT lâm nghiệp Việt Nam), sản phẩm ván gỗ nhân tạo sản xuất và sử dụng phổ biến ở Việt Nam hiện nay gồm 3 loại chính: ván sợi MDF, ván ghép thanh, ván dăm…

Ván sợi MDF (còn gọi gỗ ép) thuộc loại gỗ nhân tạo có độ bền cơ lý cao, kích thước lớn, phù hợp với công nghệ sản xuất đồ mộc nội thất trong vùng khí hậu nhiệt dới. Ván sợi được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực: sản xuất đồ mộc, trang trí nội thất, xây dựng.

Ván dăm (PB) là gỗ nhân tạo được sản xuất từ nguyên liệu gỗ rừng trồng (bạch đàn, keo, cao su…), có độ bền cơ lý cao, kích thước bề mặt rộng, phong phú về chủng loại. Mặt ván được dán phủ bằng những loại vật liệu trang trí khác nhau: melamine, veneer (gỗ lạng)…

Mỗi năm trung bình Việt Nam nhập khẩu một triệu m3 ván nhân tạo sản xuất từ nguyên liệu gỗ ép. Nhiều nhà máy lớn ở nước ta cũng đã đầu tư công nghệ sản xuất ván dăm để đáp ứng nguồn cung trong nước. Nơi sản xuất ván dăm lớn nhất Việt Nam hiện nay là Nhà máy Ván dăm Thái Nguyên, với công suất thiết kế 16.500 m3 sản phẩm/năm, được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000, trang bị công nghệ hiện đại, sản phẩm xuất xưởng có độ dày từ 8mm đến 32 mm.

Ván ghép thanh (còn gọi gỗ ghép) được sản xuất từ nguyên liệu chính là gỗ rừng trồng. Những thanh gỗ nhỏ đã qua xử lý hấp sấy, trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, gỗ được cưa, bào, phay, ghép, ép, chà và sơn phủ trang trí. Ván ghép thanh được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất đồ mộc, trang trí nội thất, sản xuất ván sàn và nhiều sản phẩm khác.

Cùng với gỗ công nghiệp, hiện nay trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện sản phẩm mới là tre ép làm nguyên liệu sản xuất đồ gỗ thay thế gỗ rừng trồng. Ông Đặng Đình Trạm, Giám đốc Công ty Pinctadali Việt Nam, một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc sản xuất tre ép khối ở Việt Nam cho biết, tre ép công nghiệp được phân ra làm 2 loại dựa vào công nghệ ép: ép nan và ép khối.

Tre ép ngang tạo ra sản phẩm có độ đàn hồi cao, phô bày được vẻ đẹp tự nhiên của cây tre và các vân họa tiết đặc sắc

Với tre ép nan, các nan tre được ép lại với nhau theo 2 cách ép ngang hoặc ép nghiêng, như vậy sẽ giữ nguyên được những vân tre. Tre ép ngang tạo ra sản phẩm có độ đàn hồi cao và phô bày được vẻ đẹp tự nhiên của cây tre với các vân họa tiết đặc sắc do sự khác biệt về màu sắc giữa các mấu tre và thân ống tre. Tre ép ngang rất phù hợp để sử dụng làm ván lát sàn, vách ngăn, tấm ốp tường, ốp trần. Tre ép nghiêng ép các thanh tre áp sát mặt phẳng vào nhau cho một sự đồng đều về màu sắc cao và các đường chỉ song song kết hợp với các mắt tre nhỏ. Tre ép nghiêng có độ cứng tốt, tính ổn định cao và cho một vẻ đẹp độc đáo hiện đại, Ngoài việc sử dụng làm ván sàn, tre ép nghiêng còn rất phù hợp để làm đồ nội thất và trang trí. Ván tre ép có giá bán khoảng 500.000-650.000 đồng/m2 tùy loại

Tre ép khối là loại sản phẩm hiện đại với công nghệ sản xuất gỗ nhân tạo tiên tiến nhất hiện nay, được sản xuất bằng việc đập nan tre thành sợi và được ép dưới áp lực cao. Đây là công nghệ ép lạnh với áp lực của máy ép 2.500 tấn tạo thành khối không khác gì khối gỗ tự nhiên. Trọng lượng riêng của tre ép khối đạt tới 1.100 kg/m3 nên cứng rắn gấp 2 lần so với gỗ sồi. Về độ cứng của tre ép khối không thua kém nhiều loại gỗ quý trong tự nhiên nhưng đinh, lim sến, táu hoặc so với gỗ châu âu thì tương đương với gỗ sồi nhất là gỗ sồi ở Thái Lan.

Do Việt Nam có khí hậu nóng ẩm, nên tuổi thọ của gỗ công nghiệp rất kém, độ bền chỉ khoảng 5-10 năm. Nhưng tre ép khối có độ bền rất cao trong điều kiện khí hậu nước ta, đồ gỗ sản xuất từ vật liệu này có độ bền sử dụng lên tới 20-25 năm.

Tre ép khối giá bán từ 6-8 triệu đồng/m3, trong khi gỗ tự nhiên cũng với quy quách tương tự giá từ 12.000-30.000 triệu đồng/m3 tùy loại. Tre ép khối hoàn toàn có thể thay thế gỗ tự nhiên để sản xuất đủ các loại đồ gỗ: bàn ghế, giường tủ, đồ gỗ ngoài trời, đồ gỗ trang trí nội thất…

Hiện nay cả nước mới chỉ có 4 doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ sản xuất tre ép khối, vì vậy nguyên liệu tre ép khối mới chiếm 1-2% tổng nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến, sản xuất đồ gỗ trong nước.

Từ khi xuất hiện ở Việt Nam đến nay, thị trường tre ép khối có tốc độ tăng trưởng năm sau gấp 2-2,5 so với năm trước. Đây là thị trường loại sản phẩm mới bước đầu khai phá thị trường Việt Nam nên tiềm năng thị trường vô cùng lớn.

 Thu Hường