Giáo dục năm 2021: Đoàn kết kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển

08:57 | 09/01/2021

128 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 8/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”.
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2020Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2020
Yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong trường họcYêu cầu tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học
Tôn vinh 183 nhà giáo tiêu biểu năm 2020Tôn vinh 183 nhà giáo tiêu biểu năm 2020
Bộ Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh công tác tuyển sinhBộ Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh công tác tuyển sinh

Báo cáo đánh giá kết quả công tác năm 2020, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam cho biết: Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và thiên tai, lũ lụt, nhưng với sự quan tâm của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo Bộ; nỗ lực của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Giáo dục năm 2021: Đoàn kết kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển
Bộ GD&ĐT tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021

Toàn ngành đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020. An toàn của học sinh, sinh viên được bảo đảm nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ; không bị “đứt gãy” giáo dục như một số nước đã gặp phải.

Các phương pháp, hình thức giáo dục mới được thầy cô, nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục. Các trường đại học đã tích cực nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ hiệu quả công tác phòng chống dịch. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 được tổ chức thành công.

Một trong những kết quả nổi bật khác là chất lượng phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, THCS được duy trì và nâng cao. Ngành Giáo dục đã đề nghị Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo ở các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đến trường.

Năm 2020, toàn ngành cũng tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên cơ sở vật chất, sách giáo khoa để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình Quốc hội quy định.

Chất lượng giáo dục phổ thông (cả đại trà và mũi nhọn) được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều mô hình giáo dục, nhiều phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn… giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng và hiệu quả hơn trước đây. Khả năng tự học của học sinh đang từng bước được cải thiện. Áp lực thành tích đã giảm đi.

Cũng theo ông Trần Quang Nam, năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đoàn học sinh Việt Nam vẫn tham dự Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế theo hình thức trực tuyến và đạt thành tích đặc biệt xuất sắc. 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi này đều đoạt đoạt giải, gồm 9 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Trong đó, đội tuyển Hóa học có 4/4 thí sinh đoạt Huy chương Vàng, xếp thứ 2 thế giới, sau đội tuyển quốc gia Hoa Kỳ; đội tuyển Toán học có 6/6 học sinh dự thi đều đoạt giải, trong đó lần đầu tiên có một học sinh lớp 10 tham dự đội tuyển giành Huy chương Vàng và đứng thứ 4 thế giới.

Tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong ngành Giáo dục cũng là kết quả nổi bật của ngành Giáo dục năm vừa qua.

Năm 2021, toàn ngành Giáo dục sẽ tập trung thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về GD&ĐT. Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng, đúng lộ trình.

Tổ chức thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99 với trọng tâm là chỉ đạo hoàn thành việc kiện toàn Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động, đảm bảo Hội đồng trường hoạt động hiệu quả, thực quyền. Tiếp tục khắc phục, tạo chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm như công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo...

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2021 ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dạy, người học khi dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp trên thế giới; vừa hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ năm học. Phương châm của năm là “đoàn kết kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”, với 3 trục nhiệm vụ quan trọng sẽ được tập trung thực hiện hiệu quả là: triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; tăng cường tự chủ đại học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh sinh viên và đảm bảo an toàn trường học.

Công tác thanh tra, kiểm tra; chuyển đổi số trong GD&ĐT… cũng được Bộ trưởng nhấn mạnh cần thực hiện bài bản, quyết liệt trong năm 2021. Các nhiệm vụ liên quan đến chính sách sẽ được tổng kết, đánh giá tác động kịp thời để có những điều chỉnh phù hợp, nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị từ cấp Bộ, cấp Sở GD&ĐT đến từng cơ sở giáo dục đại học, phổ thông, mầm non phải đổi mới công tác quản trị, tăng cường tự chủ để từng tập thể, cá nhân được phát huy tốt nhất năng lực, trách nhiệm, đóng góp chung cho sự phát triển của giáo dục nước nhà.

N.H