Giai thoại vua săn voi Ama Kông

08:38 | 28/01/2020

576 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong sự nghiệp của mình, ông Y Prung Êban, sinh năm 1910, tên thường gọi là Ama Kông săn và thuần dưỡng gần 300 con voi.

Sông Sêrêpôk chảy qua hướng tây huyện Buôn Đôn và nhập vào dòng Mekong tại ngã ba Stung Treng - Campuchia. Những thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, sự giao thương kinh tế, văn hóa của các tộc người Ê đê, M'nông, Jarai... ở Buôn Đôn rất sôi động, đặc biệt là nghề săn bắt, thuần dưỡng và mua bán voi rừng.

Vùng đất Buôn Đôn trở thành trung tâm trao đổi thương mại, buôn bán voi lớn nhất Đông Nam Á. Hàng ngày có hàng chục con voi được nhóm thương hồ trong vùng thay nhau đưa đi cung cấp cho nhiều quốc gia trong khu vực.

giai thoai vua san voi ama kong
Ama Kông. Ảnh: Tư liệu.

Từ đó hình thành những gia tộc danh giá với nghề săn voi, đặc biệt gia tộc Y Thu Knul, sinh năm 1820, săn và thuần dưỡng khoảng 400 con voi, được vua Thái Lan phong tặng danh hiệu Khunjunop - vua săn voi.

Ông Y Thu sau khi qua đời, đã kịp truyền lại nghề săn voi cho con rể Ama Kông, người được phong danh vua voi thứ hai, và là vị vua cuối cùng ở Buôn Đôn. Trong sự nghiệp của mình, Ama Kông (thọ 103 tuổi) săn và thuần dưỡng 298 con voi, trong đó có ba con voi trắng.

Trong căn nhà sàn của gia tộc ở buôn Ako Tam, TP Buôn Ma Thuột, người con trai thứ 11 của Ama Kông, ông Khăm Phết Lào, 56 tuổi, kể rằng, từ lúc năm tuổi ông đã theo bố vào rừng săn voi từ tháng ba đến tháng bốn hàng năm.

Đó là thời điểm Tây Nguyên bắt đầu mùa mưa, những cánh đồng cỏ bắt đầu xanh tốt, voi ở trong rừng già lũ lượt kéo nhau ra ăn. Chúng thường đi theo bầy đàn, có lúc lên đến hơn trăm con.

Nhóm thợ săn (gru - cách gọi của người Ê đê) thường đi ba bốn người, mỗi người cưỡi một voi, ông Ama Kông luôn dẫn đầu. Trước hôm đi săn, dân làng trong buôn sẽ tổ chức lễ cúng xin phép Yàng (thần linh). Ông Khăm Phết Lào vẫn nhớ rất rõ, sáng sớm mùa xuân, trời mưa tầm tã, ông cùng bố và hai người trong buôn thực hiện chuyến đi săn kéo dài hơn một tuần.

Họ rong ruổi đến ngày thứ ba mới tìm thấy đàn voi hoang dã hơn trăm con, ông Ama Kông liền giơ tay lên ra hiệu nài voi nhà tìm cách "đột nhập" vào đàn để phát hiện. Chỉ sau vài phút, cánh thợ săn lẫn vào trong đàn voi rừng.

giai thoai vua san voi ama kong
Ông Khăm Phết Lào, con trai thứ 11 của vua voi Ama Kông kể lại chuyện săn voi. Ảnh: Trần Hóa.

Bằng con mắt tinh tường của thợ săn lành nghề, bố ông nhanh chóng phát hiện ra ngay con voi trắng ở giữa đàn, cả nhóm liền tiếp cận, bao vây con voi quý và đuổi dồn nó vào trong bìa rừng, cả đàn hốt hoảng chạy tán loạn. Ông Ama Kông ép sát bên phải con voi trắng, dùng cây gậy có dây thòng lọng nhanh tay ném xuống đất, đón lõng bước chân voi.

Khi chân nó nằm trong vòng dây, lập tức rút dây thòng lọng và nhảy xuống voi cột chặt vào thân cây. Những người phía sau nhanh chóng ập tới, trùm những sợi dây bằng da trâu, nhằm giữ chặt con voi không tẩu thoát. Chỉ trong vòng khoảng 30 phút, con voi trắng đã bị tóm gọn.

Dắt con voi trắng về gần tới buôn, công việc bắt buộc của thủ lĩnh săn voi là phải thông báo cho dân làng biết. Ông Ama Kông dừng lại ở lưng chừng ngọn núi, bắt đầu thổi tù và. "Âm thanh tù và bắt được voi trắng khác với voi thường, nên chỉ cần nghe qua người trong làng có thể đoán và có sự chuẩn bị trước", ông Khăm Phết Lào cho biết.

Về đến buôn, người dân đã tụ tập quanh nhà để tận mắt chứng kiến con voi trắng và tôn quý nó như báu vật, sứ giả của thần linh. Voi trắng vốn rất thông minh, nó không cần thuần nhiều, chỉ cần đưa về nhà vài ngày là bảo gì nó cũng nghe.

Theo kinh nghiệm của ông Ama Kông truyền lại cho người con trai, để phân biệt voi trắng và voi thường chỉ bằng cách nhìn vào mắt và ngà chúng. Mắt voi trắng màu xanh, ngà trắng hồng. Đàn có con voi trắng thường rất đông, chúng rất hiền, đặc biệt voi trắng luôn ở trung tâm.

Suốt một đời của mình, Ama Kông đã bắt được tổng cộng ba con voi trắng. Con voi trắng này Ama Kông tặng cho Tổng thống Ngô Đình Diệm vào tháng 1/1961. Đổi lại, ông Diệm tặng cho vua voi một khẩu súng săn hai nòng, một khẩu súng ngắn và 150 đồng.

giai thoai vua san voi ama kong
Con voi trắng ông Amakong tặng cho Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ảnh: Tư liệu.

Một con được tặng cho vua Bảo Đại và một con ông Khăm Phết Lào không nhớ nó được tặng ai. Vào thập niên cuối của thế kỷ XX, voi trở thành phương tiện để vận chuyển hàng hóa, nên rất có giá trị. Mỗi con voi đen có thể đổi tương đương hơn 100 con trâu, bò, chiêng. Ngoài mua bán đổi voi với những nhân vật lớn lúc bấy giờ, Ama Kông trong cuộc đời mình còn góp voi cho kháng chiến chống quân xâm lược.

Vào năm 1954, Ama Kông được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giấy khen kèm khoản tiền thưởng 50 nghìn đồng. Sau này, ông cũng được Đảng, Nhà nước trao tặng huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

Ông Khăm Phết Lào cho biết, thời thế đã thay đổi, nghề săn voi đã đi vào quá khứ, nhưng dân làng trân trọng, lưu giữ những thành quả cha ông để lại, nó minh chứng cho thời kỳ chinh phục thiên nhiên của người đồng bào Tây Nguyên.

Trước đây, người đồng bào M'nông, Jarai, Ê đê xem voi như thành viên trong gia đình, chúng chết cũng được chôn cất cạnh mộ của tổ tiên. Còn bây giờ vì đồng tiền, nhiều nài voi đã lạm dụng chúng với mục đích du lịch.

"Chúng ta sinh ra có chân tay, sao không tự cầm cuốc mà lao động, sao phải bốc lột chúng để kiếm tiền", ông Khăm Phết Lào nói và cho biết, trước đây ở Đăk Lăk hàng năm có lễ đua voi, nhưng thực tế đó là lễ "đánh voi".

Giai đoạn 1980-1990, số lượng voi nhà ở Đăk Lăk trên 500 con, nay còn 44 con. Để cứu vãn tình thế, nhiều năm qua, khu bảo tồn đã phối hợp với nài voi ở Buôn Đôn và huyện Lăk tạo không gian để voi "yêu" nhau, thường xuyên theo dõi, lấy máu xét nghiệm những con voi mang thai.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có chủ trương hỗ trợ 650 triệu đồng cho chủ con voi sinh sản thành công; voi con sinh ra bị chết được hỗ trợ 171 triệu đồng. Mới đây, lần đầu tiên, khu bảo tồn đã cho thả bán hoang dã tám con voi nhà vào Vườn quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn), trên diện tích gần 200 ha.

Theo VnExpress.net