Giải pháp dòng tiền cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

07:00 | 28/06/2013

642 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang tạo ra hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội nhưng lực lượng này luôn phải đối diện với khó khăn về nguồn vốn.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Giải pháp dòng tiền cho doanh nghiệp SME” tổ chức tại TP HCM, ngày 27/6.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng: Tình hình kinh tế khó khăn, bị tác động nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp SME bởi tiềm lực còn yếu. Năm 2012, cả nước có hơn 670.000 doanh nghiệp được thành lập, trong đó có tới gần 202.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, chủ yếu là các SME. Tại TP HCM, trong năm 2012 đã có khoảng 50.000 doanh nghiệp SME bị phá sản trong tổng số gần 152.000 doanh nghiệp.

Hiện nay, nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là SME. Một nghịch lý đang diễn ra là, trong khi những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực mạnh ngân hàng muốn cho vay thì họ không vay, doanh nghiệp SME muốn vay tiền lại không đáp ứng đủ điều kiện của ngân hàng.

Ông Trần Du Lịch nhận định: Các ngân hàng một mặt “mạnh miệng” lên tiếng về ưu đãi lãi suất cho vay đối với SME mặt khác liên tục “chê bai” doanh nghiệp bằng các điều kiện cần và đủ khác. Điều này đồng nghĩa với việc SME vẫn rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo

Giám đốc một công ty may mặc tại quận 4 phân trần: Doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận vốn vì ngân hàng luôn chọn mặt gửi tiền, đòi hỏi nhiều thủ tục hồ sơ, thời gian thẩm định kéo dài… trong khi nhu cầu về vốn là cấp bách. Nhiều ngân hàng công bố mức lãi suất hỗ trợ rất thấp nhưng khi thẩm định xong thường cho vay với mức lãi suất cao hơn.

Theo Hiệp hội SME Việt Nam, dù Nhà nước đã có nhiều giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho SME. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp SME vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn. Doanh nghiệp SME đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, nên cần được sự hỗ trợ để việc kinh doanh dễ dàng hơn. Để SME giảm bớt khó khăn về nguồn vốn đầu tư cần có tổ chức tín dụng cho khu vực kinh doanh này, đẩy mạnh hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng để ngân hàng có thể yên tâm cho SME vay.

Mai Phương