Giá điện phải sớm theo giá thị trường

08:25 | 06/04/2016

347 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ ngày 1-1-2016, theo Quyết định số 12751/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, thị trường bán buôn điện cạnh tranh cấp độ 1 sẽ chính thức được triển khai, sớm hơn lộ trình 1 năm. Theo đó, thay vì chỉ bán điện sản xuất được cho một đơn vị duy nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các đơn vị phát điện có thể bán điện cho 5 tổng công ty phát điện và bán điện trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện lớn. Và với việc mở rộng đầu mối mua điện cũng như hình thức mua điện như vậy, giới chuyên gia cho rằng đây là điều kiện quan trọng tiến tới đưa giá điện theo giá thị trường.

Trao đổi với Năng lượng Mới, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 12751/QĐ-BCT, Cục Điều tiết Điện lực đã chủ động, tích cực phối hợp với các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị liên quan để triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định 12751/QĐ-BCT.

gia dien phai som theo gia thi truong
Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Na Dương

Theo đó, Cục đã giao Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành trang bị công tơ đo xa các điểm còn thiếp. Giao Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phối hợp với 37 nhà máy thủy điện nhỏ dưới 30MW để hoàn thiện hệ thống đo xa. Đồng thời yêu cầu các tổng công ty điện lực chủ động nâng cao năng lực và trang bị các hệ thống cộng cụ dự báo phụ tải phù hợp với đặc điểm riêng của từng đơn vị. Các công ty mua bán điện phối hợp với các đơn vị phát điện tổ chức đào tạo hướng dẫn các công ty điện lực nội dung hợp đồng và tính toán thanh toán theo quy định…

Cũng theo ông Tuấn thì một trong những điểm nổi nhất của thị trường bán buôn điện cạnh tranh là các đơn vị phát điện có thể bán điện trực tiếp cho các khu công nghiệp, các công ty, doanh nghiệp sử dụng điện lớn. Ngoài ra, khi chuyển sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các đơn vị phát điện còn được tự do lựa chọn bán điện cho 5 tổng công ty phân phối điện và các đơn vị bán lẻ mới thành lập trên thị trường điện…

“Việc hình thành thị trường bán buôn điện sẽ tạo động lực để các tổng công ty điện lực phải tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Khi đó, doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện với mức giá điện hợp lý, minh bạch” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông cũng phân tích thêm: Trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh, giá điện sẽ phản ánh đúng quy luật cung, cầu trên thị trường. Cũng như ở thị trường phát điện cạnh tranh, trong thị trường bán buôn điện, các đơn vị phát điện phải tối ưu hóa chi phí, chào giá thấp đến mức có thể, để được huy động nhiều hơn. Trong khi đó, các đơn vị phân phối cũng phải tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ để cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, các thành phần chi phí này sẽ được phản ánh một cách minh bạch và hiệu quả trong biểu giá bán lẻ điện của khách hàng sử dụng điện.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù giá điện bán lẻ sẽ phản ánh theo quy luật cung cầu trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh nhưng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tiền điện trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ chính sách. Qua đó chúng ta phải đảm bảo được các mục tiêu quan trọng là chuyển sang điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, từng bước mở rộng cạnh tranh đến các khâu trong dây chuyền sản xuất kinh doanh điện, đồng thời thực hiện chủ trương chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và Nhà nước là hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho các hộ gia đình nghèo, hộ chính sách.

Dưới một góc nhìn khác, TS Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm cần phải đẩy nhanh lộ trình phát điện cạnh tranh bởi như hiện nay, với thị trường bán buôn điện cạnh tranh thì mới chỉ có các doanh nghiệp và khách hàng lớn được hưởng lợi. Trong khi đó, theo thiết kế của thị trường điện thì thị trường bán buôn điện cạnh tranh phải trải qua 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là chạy thử nghiệm và giai đoạn 2 là hoàn chỉnh. Sau 2 giai đoạn này, theo dự kiến phải đến 2021, thị trường bán lẻ cạnh tranh, cấp độ cuối cùng của thị trường điện mới được triển khai. Và như vậy chỉ có nhóm khách hàng là khu công nghiệp, các công ty, doanh nghiệp được hưởng lợi còn người dân thì chưa vì vẫn phải mua điện theo giá bán lẻ thống nhất toàn quốc.

“Việc người dân vẫn phải mua theo giá bán lẻ thống nhất toàn quốc do một đơn vị bán lẻ duy nhất vẫn duy trì vị thế độc quyền như cũ, thì họ khó có nhiều hy vọng được hưởng lợi ích rõ ràng từ cạnh tranh giúp việc nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện với mức giá hợp lý, minh bạch hơn. Chỉ khi người dân được quyền tự do chọn người cung cấp bán lẻ điện trong một thị trường bán lẻ cạnh tranh lành mạnh thực sự đầy đủ, đúng nghĩa để họ có thể an tâm và đồng thuận với giá điện thực sự đúng nghĩa cạnh tranh thị trường hợp lý và minh bạch nhất mà thôi” - TS Nguyễn Minh Phong băn khoăn.

Nói như vậy để thấy rằng, việc thị trường bán buôn điện cạnh tranh được triển khai sẽ là bước tiến quan trọng đẩy nhanh quá trình đưa giá điện theo cơ chế giá thị trường - một trong những chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Chính phủ nhằm tạo sự phát triển ổn định, bền vững cho ngành điện. Và đây cũng là cơ sở để chúng ta tin rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, cùng sự nỗ lực, quyết tâm và trách nhiệm của EVN cũng như các đơn vị liên qua, lộ trình điện cạnh tranh sẽ được rút ngắn, giá điện sẽ sớm được vận hành theo giá thị trường!

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 511