Năng lượng tái tạo Pháp

Ghi nhận từ thực tế

10:38 | 13/07/2021

392 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong khi các cuộc tranh luận giữa ủng hộ và chống điện gió hiện đang đặc biệt gay gắt, Bộ Chuyển đổi sinh thái Pháp ngày 31-5-2021 đã công bố dữ liệu mới nhất về sự phát triển của điện gió, điện mặt trời ở Pháp.
Ghi nhận từ thực tế
Cơ cấu nguồn điện ở Pháp năm 2020

Trong quý I/2021 có 20 công trình điện gió mới, tổng công suất 210 MW, được kết nối với lưới điện quốc gia ở Pháp. Con số này ít hơn 19% so với công suất điện gió được kết nối ở Pháp trong quý I/2020 (259 MW với 23 công trình).

Tính đến cuối tháng 3-2021, ngành điện gió của Pháp có tổng cộng 2.030 cơ sở với công suất tích lũy 17,9 GW (một nửa trong số các công trình điện gió này nằm ở các vùng Hauts-de-France và Grand Est). Sản lượng điện gió đạt 11,8 TWh trong quý I/2021, tương đương 8,4% lượng điện tiêu thụ của Pháp.

Trong quý I/2021, đã có 546 MW công suất điện mặt trời được kết nối tại Pháp, gấp gần 2,8 lần so với trong cùng kỳ năm 2020 (197 MW). Tổng cộng, lĩnh vực điện mặt trời của Pháp vào cuối tháng 3-2021 có 502.530 cơ sở với công suất tích lũy 11,5 GW. Sản xuất điện năng lượng mặt trời đạt 2,0 TWh trong quý I/2021 (ít hơn 12% so với quý I/2020), chiếm 1,4% lượng điện tiêu thụ của Pháp.

Theo các nhà khai thác mạng lưới điện, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ điện của Pháp trong quý I/2021 đạt tới 25,8% (giảm so với 26,3% của quý I/2020).

Trong khi điện gió và điện mặt trời là đối tượng được đặc biệt chú ý, thủy điện - ngành năng lượng tái tạo “lịch sử” - vẫn chiếm hơn một nửa sản lượng điện của Pháp từ các nguồn năng lượng tái tạo (62 TWh trong quý I/2021, tương đương gần 52% sản lượng năng lượng tái tạo trong giai đoạn này), tốc độ tăng trưởng khá cao trong giai đoạn từ quý I/2020 đến quý I/2021.

Ghi nhận từ thực tế
Hình minh họa

Có tới 67,1% lượng điện năng ở Pháp nói chung vẫn bắt nguồn từ năng lượng hạt nhân trong năm 2020, ít hơn 11,6% so với năm 2019 (335,4 TWh vào năm 2020, mức sản xuất thấp nhất kể từ năm 1993). Theo các nhà chức trách Pháp, hơn 3/4 sự sụt giảm sản lượng điện hạt nhân có liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng Covid-19. Thêm vào đó, việc đóng cửa 2 lò phản ứng 900 MW tại nhà máy Fessenheim (vào tháng 2 và tháng 6), đã làm giảm vai trò của ngành điện hạt nhân Pháp lần đầu tiên kể từ năm 2009 (từ 63,1 GW xuống 61,4 GW).

Sản lượng của các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (khí đốt, dầu đốt, than) giảm 10,6% vào năm 2020, làm giảm tỷ trọng của các nhà máy này trong sản lượng điện của Pháp xuống 7,5% vào năm 2020. Riêng sản lượng điện từ than thấp nhất mọi thời đại, chỉ đạt 1,4 TWh vào năm 2020. Pháp được cho là sẽ loại bỏ nhiệt điện than vào năm 2022.

Lượng khí thải CO2 từ ngành điện của Pháp năm 2020 giảm khoảng 9% so với năm 2019, nhờ sự sụt giảm mạnh sản xuất nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. RTE nhấn mạnh, chúng chỉ chiếm 5% tổng lượng khí thải CO2 ở Pháp. Cần lưu ý rằng, lượng phát thải carbon của ngành điện Pháp không tăng đáng kể kể từ những năm 2000 do sản lượng thủy điện gần như ổn định trong 30 năm qua, trong khi sản lượng điện hạt nhân giảm dần kể từ năm 2005, bên cạnh đó là sự gia tăng của sản lượng điện gió và điện mặt trời.

Ghi nhận từ thực tế
Sơ đồ mô phỏng sự phát triển của điện gió và mặt trời của Pháp

Cũng cần lưu ý rằng, vào năm 2020, Pháp vẫn là quốc gia xuất khẩu điện nhiều nhất ở châu Âu (77,8 TWh xuất khẩu, 34,6 TWh nhập khẩu), dù mức xuất khẩu điện đã giảm 7% so với năm 2019.

Hiện nay, Chính phủ Pháp đang thành lập 4 tổ công tác về năng lượng mới và chuyển đổi cơ cấu năng lượng, trong đó đáng chú ý có 2 nhóm: Năng lượng tái tạo biển (EMR) và hydro xanh.

Pháp có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo biển (điều kiện gió ngoài khơi đứng thứ 2 châu Âu) nhưng vẫn không phát triển so với các nước châu Âu khác. Nhóm EMR kêu gọi Pháp thông qua các mục tiêu nhiều tham vọng hơn để phát triển năng lượng tái tạo biển trong kế hoạch năng lượng đến năm 2023. Nhóm EMR đề xuất các mục tiêu phát triển đến năm 2050 cho các lĩnh vực: Điện gió ngoài khơi (18 GW công suất lắp đặt vào năm 2035 và 50 GW vào năm 2050); sản xuất điện từ thủy triều (0,5 GW vào năm 2030 và 3,5 GW vào năm 2050); sản lượng điện từ sóng (100 MW vào năm 2030 và 3,5 GW vào năm 2050); sản xuất điện từ nhiệt độ nước biển. Nhóm EMR cũng khuyến nghị kết hợp vấn đề phát triển năng lượng tái tạo biển với vấn đề hydro, ví dụ bằng cách sử dụng lượng điện dư thừa có nguồn gốc tái tạo không thể đưa vào các mạng lưới để sản xuất hydro không có carbon.

Hydro xanh được coi là “đứa con cưng mới” của quá trình chuyển đổi năng lượng. Gần 95% lượng hydro hiện được cho là “xám”, có nghĩa là được sản xuất từ khí đốt hoặc than đá. Theo nhóm công tác phát triển hydro xanh, để có thể cạnh tranh với hydro xám, hydro xanh cần giảm chi phí sản xuất khoảng một nửa vào năm 2030. Nhóm công tác chỉ ra rằng, sự phát triển hydro xanh chỉ đạt được trong các “kịch bản lạc quan nhất”, do giá điện dự kiến sẽ tăng. Do đó, nhóm công tác đề xuất tăng cường hỗ trợ công cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ đột phá, chẳng hạn như điện phân nhiệt độ cao. Ngoài ra, nhóm công tác khuyến nghị tập trung viện trợ công vào những mục đích sử dụng lâu dài nhất: Thay thế hydro “xám” hiện đang được tiêu thụ trong công nghiệp, sau đó là trong vận tải hạng nặng, nhằm tạo ra một thị trường tiêu thụ cho hydro xanh.

Sản lượng của các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm 10,6% vào năm 2020, làm giảm tỷ trọng của các nhà máy này trong sản lượng điện của Pháp xuống 7,5% vào năm 2020. Riêng sản lượng điện từ than thấp nhất mọi thời đại, chỉ đạt 1,4 TWh vào năm 2020.

S.Phương (tổng hợp)

  • vietinbank