Gặp lại Phạm Tuân giữa đời thường

21:50 | 22/12/2017

4,461 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã lâu lắm rồi, tháng 5 vừa qua tôi mới có dịp gặp lại anh hùng Phạm Tuân trong chuyến đi du lịch ở phía Nam. Ở tuổi 70, nhìn anh vẫn trẻ, khỏe so với tuổi; vẫn nụ cười hiền hậu khi tiếp xúc với mọi người. Chỉ có chân bên phải của anh bị đau do thoái hóa khớp nên dáng đi hơi lệch một chút.

Vị trung tướng giản dị, dễ gần

Hôm đi xuống Tây Ninh, anh Nguyễn Xuân Gụ - Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam rủ mấy anh em rẽ vào quán bánh tráng Trảng Bàng thưởng thức. Anh Tuân ăn rất ngon lành rồi bảo: “Lần đầu tiên mình được ăn món này đấy!”. Lúc ra xe đi tiếp, bà chủ quán hỏi tôi: “Chú ơi, nhìn ông này tôi thấy quen quen”. Tôi bảo: “Anh hùng Phạm Tuân đấy!”. Bà chủ tròn mắt vẻ nuối tiếc: “Ủa, người Trời đấy. Thế mà tôi không biết từ đầu để xin chụp kiểu ảnh kỷ niệm”.

Tối hôm đó, chúng tôi đến xem thi đấu giải bóng chuyền quốc tế Bình Điền Long An ở nhà thi đấu tỉnh Tây Ninh. Gặp anh Tuân, ai cũng xin chụp ảnh kỷ niệm. Đến lễ trao giải, Ban tổ chức mời anh lên trao một số giải cho các vận động viên. Sau đó, gặp các nữ vận động viên người Kazakhstan, anh Tuân say sưa trò chuyện với họ như người nhà lâu ngày gặp lại. Các cô gái Kazakhstan quây quần bên anh và tỏ thái độ rất ngưỡng mộ.

gap lai pham tuan giua doi thuong
Phạm Tuân thời chiến tranh chống Mỹ

Tối hôm sau đến một nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh. Cậu chủ nhà hàng chừng 30 tuổi hồ hởi đón tiếp. Trước khi ăn uống, cậu cầm tay anh Tuân và nói: “Bác ơi, cháu nghe nói về bác đã lâu mà hôm nay mới được gặp. Bác cho cháu chụp với bác tấm ảnh để kỷ niệm với người Trời ạ!”. Anh Tuân đồng ý. Chụp ảnh xong, anh Tuân quay lại ghế ngồi và cười rồi nói với chúng tôi: “Có gì mà người Trời nhỉ, mình chỉ ăn may thôi”.

Chúng tôi hỏi lại: “Sao anh lại bảo là ăn may?”. Anh Tuân cười thoải mái rồi nói vui: “Đúng là vừa liều vừa ăn may đấy!”. Rồi anh kể lại: “Khi tuyển phi công thì mình không đủ tiêu chuẩn, chuyển sang học thợ sửa chữa đấy chứ. Được một thời gian thì do nhu cầu đào tạo phi công chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, mình lại được điều đi học lái máy bay. Khi về nước, được phân công về trực chiến ở Trung đoàn không quân Sao đỏ, mình xuất kích nhiều lần nhưng có hạ được cái máy bay nào đâu. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 thì mình mới bắn được một chiếc mà may quá, đó lại là chiếc B52. Thế là may còn gì. Hạ được nó cũng phải liều một tý…”. Nói xong, anh lại cười rất hiền.

Chuyện về chuyến bay vào vũ trụ năm 1980 cũng được anh chứng minh về một lần gặp may nữa. Lúc đầu, anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc được cấp trên chọn đi huấn luyện để bay vũ trụ. Nhưng khi kiểm tra lại sức khỏe thì anh Cốc không qua được những bài kiểm tra về thể lực. Do đó, Phạm Tuân là người thay thế vị trí ấy.

Tối ấy ti vi nhà hàng trục trặc, không xem được trận đấu bóng chuyền nên anh Tuân chụm đầu cùng mấy anh em xem qua máy điện thoại. Vừa hút thuốc, anh vừa chăm chú xem và bình luận rất sôi nổi. Anh bạn đầu bếp vô tư phục vụ, không biết người ngồi trước mặt mình là anh hùng Phạm Tuân.

gap lai pham tuan giua doi thuong
Phạm Tuân trong chuyến bay vũ trụ năm 1980

Có cuộc điện thoại từ Hà Nội gọi vào, anh Tuân nghe xong quay ra nói với tôi: “Gay rồi, có lẽ mai mình phải bay ra sớm”. Tôi hỏi lý do thì anh bảo: “Nhà có chỗ để ô tô, cũng là nơi để đánh bóng bàn. Ông bạn hàng xóm lùi ô tô ra để lấy chỗ kê bàn đánh bóng. Đánh xong, ông ấy đánh xe vào chỗ cũ. Chẳng biết rồ ga thế nào lại húc cả đổ bức tường. Thế là vỡ mất 4 bình rượu của mình phía sau tường rồi”. Tôi hỏi sao anh không lo xe hỏng mà lại tiếc mấy bình rượu? Anh bảo mấy bình rượu 20 lít ngâm lâu lắm rồi, để thỉnh thoảng bạn bè đến chơi uống cho vui. Xe hỏng đã mua bảo hiểm, còn rượu thì chịu.

Nhớ lại thời anh Tuân mới du hành vũ trụ trở về, tôi có một cuộc trò chuyện với anh rất cởi mở. Trong lúc vui, tôi hỏi đùa anh: “Người ta cứ bảo anh bay vào vũ trụ với Gorbatko giống như người đi xe ôm đấy”. Anh nói luôn: "Tôi cho rằng những người đó không hiểu gì về chuyến bay vũ trụ. Con tàu vũ trụ đòi hỏi phải có hai người điều khiển. Gorbatko là người lái chính, điều khiển con tàu. Còn tôi là lái phụ, phụ trách các thông số kỹ thuật, bảng điều khiển. Việc phối hợp lái chính-lái phụ phải ăn khớp, không thể có chuyện người này điều khiển còn người kia chỉ ngồi nhìn".

Tôi còn biết đến một Phạm Tuân rất dí dỏm, anh nhớ và kể được khá nhiều chuyện tiếu lâm, đọc những bài thơ vui mỗi khi dự các cuộc giao lưu cùng đồng đội. Anh còn là một tay vợt bóng bàn và cầu thủ bóng chuyền có hạng ở quân chủng Phòng không - Không quân trước đây.

gap lai pham tuan giua doi thuong
Phạm Tuân (ngồi bên phải) đang xem thi đấu bóng chuyền qua điện thoại

Ba lần được phong anh hùng của hai nước

Tốt nghiệp Trường phi công quân sự ở Liên Xô năm 1967, Phạm Tuân trở thành sĩ quan lái máy bay chiến đấu của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ, tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời Miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Giữa năm 1972, anh là một trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái máy bay tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc đánh B52 (tiêm kích bay đêm yêu cầu kỹ thuật cao hơn nhiều so với lái tiêm kích ban ngày).

Vào đêm 27-12-1972, anh bắn rơi một máy bay B52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn. Trước đó phi công Vũ Đình Rạng đã bắn trúng máy bay B52 của không quân Mỹ vào ngày 20-11-1971. Nhưng vì anh Rạng chỉ phóng 1 tên lửa nên chiếc B52 không rơi tại chỗ.

Đêm ấy, Phạm Tuân đã cố gắng áp sát B52 ở cự ly 2-3 km rồi mới phóng tên lửa (mặc dù tầm bắn của tên lửa là 8 km). Ở cự ly này, tên lửa chỉ mất 2-3 giây để tới mục tiêu nên chiếc B52 không kịp phản ứng. Rút kinh nghiệm từ vụ của Vũ Đình Rạng nên Phạm Tuân đã phóng liền cả hai tên lửa vào mục tiêu, không giữ lại tên lửa dự phòng.

Ngay sáng hôm sau (tức sáng 28-12), Phạm Tuân được đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen. Anh được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 3-9-1973. Phạm Tuân nói rằng, chiến công ấy có "80% là may mắn", nhưng may mắn ở đây là có thời cơ, và phải biết chớp được thời cơ đó thì mới làm nên chuyện.

Năm 1977, Phạm Tuân được cử đi học tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô), năm sau chuyển loại sang bay vũ trụ. Phạm Tuân được chọn vào đội bay quốc tế thứ sáu trong chương trình Intercosmos của Liên Xô ngày 1-4-1979. Phạm Tuân, cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 vào ngày 23-7-1980 và trở về Trái đất ngày 31-7 trên tàu Soyuz 36. Họ thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Salyut 6 cùng với hai nhà du hành vũ trụ Xô viết khác.

Với thành tích này, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam (1980), kèm theo Huân chương Hồ Chí Minh ở tuổi 33, cấp bậc trung tá. Cùng năm đó, ông cũng vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, kèm theo Huân chương Lê nin. Như vậy, ông là người Việt Nam duy nhất ba lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động của Việt Nam, Anh hùng Liên Xô).

Bùi Đức Toàn

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps