Gần một tháng không mưa, ĐBSCL quay cuồng đối phó hạn-mặn

14:43 | 23/02/2020

346 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm nay mùa mưa ở khu vực Nam Bộ sẽ đến muộn và ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa nên ĐBSCL tiếp tục đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn một cách trầm trọng.

Liên quan đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

- Thông tin chúng tôi nhận được từ Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) là khu vực ĐBSCL đang phải "gồng mình" đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn, vậy ông cho biết tình trạng cụ thể hạn-mặn ở khu vực này hiện nay là như thế nào?

- Từ đầu tháng 2/2020 đến nay ở khu vực ĐBSCL hầu như không có mưa. Ngày 8-15/2/2020, do ảnh hưởng của triều cường xâm nhập mặn đã tăng cao và xâm nhập sâu vào các cửa sông ở ĐBSCL.

Cụ thể, sông Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên độ mặn 4g/l đã xâm nhập vào sâu hơn so với năm 2016 từ 3-7km; trong ngày 10/2/2020, độ mặn tăng đột biến (3,5g/l) xuất hiện trong thời gian ngắn tại rạch Cái Cui, sông Hậu, Cần Thơ (cách cửa Trần Đề khoảng trên 85km); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn ở mức thấp hơn từ 4-12km.

Hiện tại, mực nước trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,8m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo thủy triều và ở mức tương đương cùng kỳ năm 2016.

gan mot thang khong mua dbscl quay cuong doi pho han man
Nhiều cánh đồng lúa ở tỉnh Sóc Trăng đang trong tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trầm trọng.

- Thời gian tới dự báo ở ĐBSCL tình trạng xâm nhập mặn sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Mùa mưa ở khu vực Nam Bộ năm nay sẽ đến muộn và ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, tình trạng nắng nóng sẽ bắt đầu xảy ra trên diện rộng từ nửa cuối tháng 3/2020 và kéo dài đến giữa tháng 5/2020. Dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL tiếp tục suy giảm. Do đó, thời gian còn lại của mùa khô năm 2020, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn ra và tăng cao trong các đợt triều cường.

Cụ thể, cuối tháng 2/2020 (thời kỳ từ ngày 21-27/2): Phạm vi xâm nhập mặn trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại khoảng 45-52km; sông Hàm Luông khoảng 65-76km; sông Cổ Chiên khoảng 55-62km (ở mức giảm hơn từ 10-15km so với đợt 8-15/2); thời kỳ từ ngày 6-15/3, phạm vi xâm nhập mặn có khả năng ở mức tương đương và cao hơn đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2/2020.

Từ cuối tháng 3/2020, xu thế xâm nhập mặn giảm dần do các hồ chứa thượng nguồn có khả năng gia tăng lượng nước xả tương tự các năm gần đây. Xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4/2020, sau giảm dần.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa tiếp tục kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.

- Trước thực trạng thời tiết cực đoan ở ĐBSCL như vậy, ông có khuyến cáo gì cho người dân?

- Chúng tôi là cơ quan chuyên môn sẽ cập nhật thường xuyên thông tin về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, từ đó đưa ra khuyến cáo đầu tiên đến các cấp chính quyền và đến người dân nơi chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Hệ thống dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia hiện nay có 3 cấp/: Trung ương, Đài khí tượng thủy văn khu vực, Đài khí tượng thủy văn các tỉnh. Các bản tin về hạn hán, xâm nhập mặn được Trung tâm Dự báo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cập nhật 5 ngày/lần, trong đó thông tin chi tiết cho 5 ngày, 10 ngày và tháng tiếp theo.

Người dân trong vùng ảnh hưởn cần chủ động thực hiện các biện pháp tích, trữ nước. Đồng thời, người dân cần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

Lãnh đạo các tỉnh cần tăng cường kiến thức cho cán bộ quản lý và người dân về thiên tai, hạn hán và các giải pháp ứng phó.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Dân trí