EVN chủ động chuyển đổi số

19:15 | 24/09/2019

409 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với vai trò của một doanh nghiệp Nhà nước trọng điểm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã sớm chủ động tham gia “cuộc cách mạng” chuyển đổi số một cách toàn diện với quyết tâm cao.

Tại Diễn đàn Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam năm 2019 (ICT Summit 2019), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định: Chuyển đổi số là cơ hội cho Việt Nam. Cốt lõi của chuyển đổi số là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho mỗi doanh nghiệp, hiệu quả hơn cho mỗi tổ chức và cơ hội tốt đẹp hơn cho mỗi người dân. Trong đó, số hóa được coi là bước đi đầu tiên của chuyển đổi số. Tiếp theo là hình thành các mối quan hệ mới trong nền kinh tế số, xã hội số, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo. Chuyển đổi số đang làm thay đổi căn bản cách thức vận hành nền kinh tế, đồng thời cũng làm thay đổi tư duy, nhận thức và tầm nhìn tương lai.

evn chu dong chuyen doi so
EVN chủ động chuyển đổi số

Tham gia phiên tọa đàm “Giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số - Phát triển hạ tầng ICT và công nghệ nền tảng” tại ICT Summit 2019, Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, EVN đã tích cực ứng dụng CNTT trong quản trị, sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng từ rất sớm.

Từ 20 năm trước, EVN đã là một trong những doanh nghiệp tiên phong, triển khai văn phòng điện tử (E-Office). Đến nay, 100% các doanh nghiệp của EVN đã sử dụng hệ thống E-Office để giải quyết công việc. EVN cũng đã triển khai ký số các văn bản điện tử trong EVN.

Không chỉ “phủ rộng”, việc chuyển đổi số còn được EVN thực hiện theo chiều sâu nhờ nỗ lực thay đổi thói quen, thay đổi phương thức thực hiện công việc của CBCNV. Hiện nay, 95% văn bản đến và đi trong EVN lưu hành qua hình thức điện tử.

Việc chuyển đổi số không chỉ được EVN thực hiện thành công trong Tập đoàn mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội. Đặc biệt, năm 2013, trong lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng, EVN là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước phát hành hóa đơn điện tử quy mô lớn, không chỉ làm thay đổi căn bản nghiệp vụ kinh doanh điện mà còn góp phần tạo tiền đề cho các phương thức thanh toán điện tử và giao dịch điện tử trên mạng giữa EVN với khách hàng.

Cũng từ năm 2013, các dịch vụ điện đã được EVN phục vụ tương đương dịch vụ công trực tuyến cấp độ 1. Đến năm 2018, các dịch vụ điện của EVN thực hiện tương đương dịch vụ công cấp độ 4 - cấp độ cao nhất. Các giao dịch của khách hàng với EVN, từ bước đầu tiên là yêu cầu dịch vụ, cho đến ký hợp đồng và thanh toán, đều được thực hiện trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ. “Trong năm 2019, EVN đặt mục tiêu cung cấp các dịch vụ điện tới khách hàng theo hình thức giao dịch điện tử” - ông Võ Quang Lâm cho biết thêm.

Những năm gần đây, việc đa dạng hóa các kênh thanh toán tiền điện cũng được EVN triển khai mạnh mẽ, trong đó có hình thức thanh toán tiền điện trực tuyến thông qua việc trích nợ tự động, Internet banking, mobile banking, ví điện tử… Có thể nói, EVN đã có những bước đột phá trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại chăm sóc khách hàng. Các trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN không chỉ tiếp nhận yêu cầu, tư vấn qua kênh tổng đài điện thoại, mà còn đa dạng hóa phương thức phục vụ khách hàng qua website, email, webchat, fanpage, App chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động… Đặc biệt, EVN đã ứng dụng thành công chatbot - sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tư vấn khách hàng.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số đã tạo sức bật lớn cho EVN, cung cấp tối đa tiện ích dịch vụ cho người sử dụng điện. Mức độ hài lòng của khách hàng đối với ngành điện ngày càng tăng. Chất lượng dịch vụ điện cũng được đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế. Năm 2018, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam được tổ chức Doing Business - Ngân hàng Thế giới xếp hạng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và đứng trong top 4 ASEAN.

Hiện nay, EVN đang tập trung thực hiện Đề án Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. EVN đã xác định, phấn đấu trở thành doanh nghiệp số trên nền tảng ứng dụng các công nghệ số vào mọi lĩnh vực hoạt động, đưa EVN trở thành tập đoàn mạnh, phát triển bền vững, hiệu quả.

Chuyển đổi số toàn diện tại EVN:

- Lĩnh vực quản trị doanh nghiệp: Triển khai hệ thống Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), phần mềm Quản lý nguồn nhân lực HRMS, hệ thống Văn phòng điện tử (E-Office)…

- Lĩnh vực điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện: Triển khai hệ thống SCADA/EMS, hệ thống thông tin địa lý GIS, hệ thống quản lý năng lượng…

- Lĩnh vực truyền tải: 80% trạm biến áp sử dụng hệ thống điều khiển bằng máy tính, các thiết bị bảo vệ trong các trạm biến áp đều sử dụng rơle số.

- Lĩnh vực phát điện: Triển khai hệ thống DCS điều khiển phân tán trong nhà máy điện, hệ thống EVNHES, phần mềm quản lý nguồn điện…

- Lĩnh vực kinh doanh và chăm sóc khách hàng: Cung cấp các dịch vụ điện tương đương dịch vụ công cấp độ 4 từ năm 2018; triển khai hệ thống CMIS, hệ thống đo đếm dữ liệu từ xa, phát triển trung tâm điều khiển xa và trạm biến áp không người trực…

- Về hạ tầng công nghệ thông tin: Hệ thống mạng WAN đã kết nối toàn EVN; hệ thống data center; công nghệ ảo hóa.

Duy Anh