Đường nào cho xe điện 4 bánh?

07:40 | 16/04/2016

386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng nghìn chiếc xe điện 4 bánh trên cả nước lại đang hoạt động “chui” giữa thanh thiên bạch nhật. Thế nhưng, khi cơ quan quản lý Nhà nước huýt còi đưa vào “vòng pháp luật” mới té ngửa khi bộc lộ quá nhiều bất cập…!  

Lưu hành “chui”

Tại Hội nghị sơ kết đánh giá quá trình triển khai thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng điện diễn ra vào cuối tháng 3-2016, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải (GT&VT) Trần Ngọc Bảo cho hay, tính đến nay đã có 10 địa phương là Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng điện phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hẹp.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Quảng Nam cũng có đề xuất cho phép thực hiện thí điểm loại xe này.

duong nao cho xe dien 4 banh
Xe điện 4 bánh phục vụ chở khách du lịch quanh hồ Hoàn Kiếm

Theo báo cáo của Vụ Vận tải, cả nước hiện có 40 doanh nghiệp khai thác, sử dụng xe điện 4 bánh phục vụ nhu cầu đi lại của khách du lịch trong phạm vi hạn chế, số lượng khoảng trên 2.000 xe. Cụ thể, Thanh Hóa khai báo hiện có 441 xe điện 4 bánh hoạt động tại các khu du lịch, nhưng thực tế có hơn 900 xe; Nghệ An khai báo 110 xe nhưng thực tế là trên 500 xe; Hà Nội khai báo 53 xe nhưng thực tế gần 100 xe… Như vậy, số lượng thực tế xe điện 4 bánh trên cả nước hiện nay là trên 2.100 xe.

Đánh giá về những tiện ích của loại phương tiện này, ông Trần Ngọc Bảo cho rằng, loại xe này ít gây ô nhiễm, thay thế xe ngựa, xe ôm, xe đạp, xích lô… tốc độ di chuyển thấp nên đảm bảo an toàn khi lưu thông. Hiện cũng chưa có thông báo về vụ tai nạn liên quan đến loại xe này.

Tuy nhiên, loại phương tiện này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nên việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế, phí cầu đường, biểu tính thu tiền quỹ bảo trì đường bộ… đều gây khó khăn cho cả cơ quan Nhà nước cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện.

Theo ông Nguyễn Hữu Trí - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước hiện mới chỉ có 176 xe (chiếm 13% tổng lượng xe) đến các đơn vị đăng kiểm kiểm tra, cấp giấy chứng nhận lưu hành. Như vậy, số xe còn lại hiện nay là đang hoạt động “chui”.

Nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp kinh doanh loại phương tiện này không chịu đăng ký, đăng kiểm, ông Vương Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: “Xã Sầm Sơn có 431 xe điện 4 bánh hoạt động nhưng tất cả vẫn chưa có đăng ký, đăng kiểm đúng luật vì các xe này đều sản xuất trong nước, chỉ có giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất, có giấy chứng nhận sản xuất thí điểm nhưng lại thiếu giấy chứng nhận đăng kiểm của Cục Đăng kiểm nên không làm được thủ tục đăng ký.

Mặc dù, thị xã Sầm Sơn có hơn 100 xe đã chủ động nộp thuế với cơ quan quản lý thuế nhưng vẫn không đăng ký được nên không đăng kiểm được theo Thông tư 86 của Bộ GTVT”.

Là doanh nghiệp có 50 đầu xe hoạt động ở khu du lịch Đồ Sơn - Cát Bà và trong trung tâm thành phố Hải Phòng, Công ty Điện tử tin học viễn thông cho rằng, Thông tư 86 có hiệu lực thì đơn vị tích cực đăng ký theo hướng dẫn nhưng gặp khó trong đăng ký.

Theo quy định của Thông tư 86, thủ tục đăng ký thì giấy tờ yêu cầu cần giấy chứng nhận đăng kiểm nhưng do trước Thông tư 86, nhà sản xuất chưa có giấy tờ này. Đem những thắc mắc này hỏi đăng kiểm thì bên đó trả lời rằng không có hướng dẫn nào để giải quyết cụ thể.

Làm khó người dân!

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Năng lượng Mới, xe điện 4 bánh hoạt động tại các khu du lịch không phải là chuyện mới, loại phương tiện này đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng đều ở dạng “chui”, thiếu sự quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước. Chính vì vậy, khi cơ quan chức năng đưa vào khuôn khổ, xe điện 4 bánh đã bộc lộ nhiều hạn chế về thủ tục pháp lý.

Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã từ chối kiểm định hàng loạt xe điện 4 bánh tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương vì giấy tờ và xe không đủ điều kiện để chạy trên đường. Quá trình triển khai đăng kiểm xe điện này tại một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng… trung tâm đăng kiểm đã từ chối đăng kiểm hàng trăm xe với lý do không đủ tiêu chuẩn, giấy tờ liên quan.

Lý giải về việc từ chối đăng kiểm, ông Nguyễn Hữu Trí cho rằng, để xe điện 4 bánh được làm thủ tục đăng kiểm, ngoài phiếu xuất xưởng, biên lai mua bán để làm biển số, xe phải có 3 loại giấy tờ khác là đăng ký biển số, bảo hiểm dân sự, văn bản chấp thuận hoạt động của chính quyền sở tại. Nếu doanh nghiệp vẫn còn thiếu một trong những thủ tục trên thì phương tiện này sẽ không được đăng kiểm.

Trước thực trạng xe điện 4 bánh đang hoạt động “chui” khá phổ biến, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tỏ ra băn khoăn khi Luật Giao thông đường bộ chưa đưa đối tượng này vào diện quản lý.

Đề án thí điểm xe điện 4 bánh được giao cho địa phương phê duyệt, quản lý quy định hoạt động trong phạm vi hẹp nhưng đến nay cũng chưa có định nghĩa phạm vi hẹp thuộc thẩm quyền vùng, tuyến nào? Số lượng xe có thể tăng đột biến, phát sinh tự phát, xe chạy theo quy hoạch luồng tuyến thì lại để chạy ra ngoài.

Thứ trưởng Thọ cho biết, Bộ GTVT đã yêu cầu 10 địa phương có xe điện hoạt động thí điểm phối hợp với Vụ Vận tải tiến hành rà soát số xe hiện có, từ đó phải làm các thủ tục đăng kiểm, đăng ký biển số và dán tem lưu hành. Bộ GTVT cũng yêu cầu các địa phương thực hiện việc này ngay trong tháng 4 và tháng 5-2016, sau thời gian này nếu xe nào ra đường vẫn chưa có đăng kiểm, biển số, tem lưu hành sẽ bị xử lý theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam. Trước thực trạng đăng ký, đăng kiểm xe điện 4 bánh tại Việt Nam, ông Thanh hóm hỉnh nói: “Họ cứ đòi hỏi, gây khó khăn chứ nó chạy thì nó vẫn chạy”.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, hiện nay ở Việt Nam đang tồn tại vấn đề, khi họ đề xuất được nhập loại xe này thì không tìm hiểu, không hướng dẫn. Đến khi nhập vào rồi thì lại cứ gây khó. Theo tôi là không ổn.

Quan điểm của tôi là mình cần phải tạo điều kiện cho người dân, cho các doanh nghiệp, sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ GTVT là hợp lý nhưng phải có sự chỉ đạo của Chính phủ. Từ đó có quyết định là cho nhập hay không nhập, phải trả lời rõ, đằng này cứ cho nhập vào rồi lại đòi hỏi rất nhiều thứ mà người ta không thể thực hiện được thì trở thành gây khó khăn cho doanh nghiệp và cho người dân.

Đứng vào phía các doanh nghiệp, ông Thanh khẳng định, quy định bắt đăng ký, đăng kiểm thì nhiều doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa. Tôi nhớ không nhầm là lúc cho chạy thí điểm thì chúng tôi cũng chỉ nhận được thông báo thế thôi.

Phân tích thêm về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết, Cục Đăng kiểm ngay từ đầu đã không đồng ý cho loại phương tiện này tham gia giao thông. Quan điểm của Cục Đăng kiểm cũng chính là của Bộ GTVT cho rằng loại xe này chạy trong sân golf, trong khu du lịch thì mặc kệ vì chạy tốc độ chậm, mật độ giao thông không lớn.

Vậy nhưng về sau, ông Lào Cai xin phép cho chạy đưa khách từ thành phố lên cửa khẩu thế là họ cho. Sau đến Hà Nội xin chở khách du lịch quanh hồ Hoàn Kiếm, phố cổ. Ở Hải Phòng loại xe này chạy ra tỉnh lộ, quốc lộ chứ có chạy trong nội bộ đâu.

Theo tôi, loại xe này sau khi được đăng ký, đăng kiểm được lưu thông trên đường thì phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ của Việt Nam. Thế giới đã sử dụng rộng rãi loại xe này vì bảo vệ môi trường. Tôi kiến nghị các bộ, ngành nên cùng tìm một giải pháp chung chứ đừng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đừng làm thiệt hại cho xã hội.

 

Thiên Minh - Xuân Hinh