Đường nào cho người cai nghiện?

07:05 | 08/12/2014

647 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cai nghiện ma túy bằng Methadone được đánh giá là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay. Bởi với phương pháp này, người mắc nghiện ngoài việc có cơ hội phục hồi sức khỏe, có khả năng lao động… còn tránh được nhiều bệnh lây nhiễm. Song một thực tế là dù được phát thuốc và điều trị bệnh miễn phí thì nhiều người mắc nghiện vẫn còn e ngại do còn nhiều rào cản khi tiếp cận với phương pháp này.

Năng lượng Mới số 377

Vướng vì… thủ tục

Tâm sự về con đường gian nan khi làm hồ sơ cai nghiện bằng Methadone anh P.T.V (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: “Mặc dù biết cai nghiện bằng Methadone là hiệu quả nhưng mới chỉ tìm hiểu về thủ tục làm hồ sơ để được uống thuốc tôi đã thấy nản. Sau khi được hướng dẫn là lên UBND phường để xin xác nhận tình trạng nghiện thì họ lại hướng dẫn tôi sang bên công an phường. Khi sang công an  phường thì họ lại nói không thuộc thẩm quyền, đến khi tôi đến Trung tâm Y tế quận để được hướng dẫn và xin kiểm tra tình trạng nghiện thì họ bảo tôi qua bệnh viện kiểm tra đủ các thể loại từ máu, xét nghiệm gan rồi các bệnh lây nhiễm như lao, HIV… Vẫn biết, những điều họ yêu cầu là đúng nhưng tôi thấy quá rườm rà và mệt mỏi”.

Tương tự như anh P.T.V, trong buổi chia sẻ về “Cộng đồng với việc thực hiện chương trình Methadone” diễn ra mới đây, anh T.M.T - một thành viên trong Ban Điều hành người nghiện ma túy TP Hà Nội tâm sự: Bản thân tôi cũng là người nghiện lâu năm, trước đây tôi đã có không dưới 20 lần tự cai nghiện tại gia đình nhưng phương pháp này không hiệu quả. Một điều may mắn là được tiếp cận và dùng Methadone, tôi thấy khá khả quan, cơ thể không mệt mỏi và cảm giác thèm hêrôin cũng không còn. Tuy nhiên,  để được như vậy thì bản thân tôi cũng phải đấu tranh rất nhiều, quyết tâm tránh xa ma túy và được sự động viên của gia đình tôi mới dám ra mặt làm thủ tục xác nhận, rồi hằng ngày bền bỉ đi uống thuốc. Nhưng không phải ai cũng muốn làm điều này, tôi đã gặp rất nhiều bạn nghiện vì ngại lộ diện nên không muốn đến địa phương xin xác nhận hộ khẩu thường trú, thêm nữa lại không thuộc đối tượng bắt buộc phải đi cai nghiện, họ đã không chọn hình thức cai nghiện này, để rồi đến giờ thì đã lỡ dở cả cuộc đời”.

Đường nào cho người cai nghiện?

Người cai nghiện điều trị bằng Methadone

Hai trường hợp này là điển hình cho thực trạng chung bởi nhiều người mắc nghiện than thở thủ tục hành chính cho hình thức cai nghiện bằng Methadone còn quá rườm rà. Hiện tại, để được cai nghiện bằng Methadone thì hồ sơ của người mắc nghiện phải đáp ứng nhiều loại giấy tờ pháp lý. Với sự rườm rà về thủ tục hành chính trong quy định đăng ký như vậy đã khiến người mắc nghiện e ngại. Bởi tâm lý sợ lộ danh tính, phải nhận sự kỳ thị của cộng đồng, rồi ảnh hưởng đến danh dự và công việc. Nên dù được xem là chương trình đạt “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị cai nghiện thì vấn đề về thủ tục hành chính vẫn đang là rào cản lớn đối với người có mong muốn cai nghiện bằng phương pháp này.

Xóa bỏ vướng mắc

Methadone là phương pháp điều trị cai nghiện đã được chứng minh có hiệu quả cao nhất hiện nay, nó có tác dụng tốt đối với người mắc nghiện. Bằng cơ chế điều trị từ việc duy trì sang giai đoạn phục hồi hoàn toàn chức năng nên bệnh nhân không chỉ cắt cơn nghiện nhanh mà thể trạng cũng như đời sống tinh thần được cải thiện. Tuy nhiên, sau 5 năm “du nhập” vào Việt Nam thì phương pháp điều trị cai nghiện bằng Methadone vẫn chưa thực sự được như kỳ vọng. Theo TS  Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) thì: Tính đến tháng 10-2014, cả nước mới có 38/63 tỉnh thành triển khai điều trị Methadone cho tổng số hơn 21.000 người nghiện, chỉ đạt 27% so với mục tiêu điều trị cho 80.000 người vào cuối năm 2015, chiếm 12% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Thực ra con số khiêm tốn này cũng bởi nhiều lý do.

Theo ông Lê Minh Giang - Điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo HIV/AIDS của Đại học Y Hà Nội: Để chương trình được triển khai rộng khắp thì phải đảm bảo được 5 điều kiện. Đó là phải đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở y tế để điều trị cho bệnh nhân, phải có đội ngũ cán bộ y tế có năng lực, được đào tạo bài bản và được hỗ trợ thường xuyên. Bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ thuốc cho người bệnh thì vấn đề để người mắc nghiện được tiếp cận dễ dàng với phương pháp điều trị cũng là vấn đề. Mà phương pháp duy nhất để thực hiện đó là giảm thiểu các thủ tục hành chính. Cuối cùng khi đã được điều trị và điều trị đạt hiệu quả thì họ phải được kết nối với các dịch vụ xã hội, nhận được sự hỗ trợ từ gia đình cũng như cộng đồng để phục hồi hoàn toàn.

Tuy nhiên với điều kiện hiện tại của Việt Nam thì 5 vấn đề này đều đang là thách thức lớn. Những bất cập trong thủ tục hành chính còn chưa được giải quyết thì đáp ứng đủ thuốc cho người cai nghiện cũng là cả vấn đề lớn. Bởi từ trước tới nay nguồn thuốc được cung ứng tại Việt Nam chủ yếu là do nguồn viện trợ từ nước ngoài. Thời gian gần đây nguồn thuốc này bị cắt giảm đáng kể nên số lượng bệnh nhân có cơ hội tiếp cận với hình thức cai nghiện bằng Methadone càng bị siết chặt. Vậy nên tiền lệ mới có chuyện, người mắc nghiện khi được uống thuốc lại không uống mà ngậm thuốc trong miệng rồi nhả ra đem… bán cho người khác.

Chính vì những khó khăn này nên dù là một chương trình rất được quan tâm nhưng việc triển khai điều trị cai nghiện bằng Mathadone lại không được đồng bộ. Ngay như trên địa bàn Hà Nội mới chỉ có 7 trung tâm điều trị cai nghiện ngoại trú bằng Methadone. Trong khi đó, lại có điều khoản không tiếp nhận bệnh nhân ngoài vùng nên đã rất nhiều bệnh nhân dù muốn cũng không có điều kiện sử dụng thuốc.

Theo thống kê mới đây của Cục Phòng chống HIV/AIDS thì số người nghiện ma túy đang có chiều hướng gia tăng. Tính đến cuối tháng 9-2014, cả nước hơn 204.000 người nghiện ma túy, tăng 4 lần trong vòng 20 năm kể từ năm 1994 đến nay. Đưa ra giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc cai nghiện bằng Methadone, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho rằng: “Cần tiến hành rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như các quy trình từ đưa người bệnh vào điều trị đến quy trình quản lý, uống thuốc sao cho đơn giản và thuận tiện, tránh gây tâm lý e ngại cho người cai nghiện. Chúng ta có thể xây dựng mô hình “Điểm cấp phát thuốc” tại các trạm y tế xã, phường để thuận tiện cho người nghiện đến uống thuốc hằng ngày, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Về lâu dài để đảm bảo kinh phí, ngoài nguồn viện trợ và ngân sách Nhà nước, chúng ta cần đẩy mạnh xã hội hóa trong vấn đề này. Nhưng hơn hết trước mắt tự thân người mắc nghiện phải xóa bỏ mặc cảm, chủ động tìm đến các cơ sở điều trị Methadone và thực hiện đúng các quy định để được cấp phát thuốc”.

Hiện tại vấn đề về giấy tờ pháp lý đang là rào cản lớn nhất đặc biệt đối với đối tượng người nghiện không có nơi cư trú ổn định, bà Trịnh Thị Lê Trâm - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế HIV/AIDS hiến kế: “Có thể cho người mắc nghiện không có nơi cứ trú ổn định được đăng ký điều trị Methadone bằng Chứng minh Nhân dân. Đối với người đang điều trị nghiện Methadone ở cộng đồng bị đưa vào các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trại tạm giam, trại giam thì được cơ sở đang điều trị gửi phiếu chuyển gửi đến người phụ trách y tế của cơ sở đó. Vì điều trị cai nghiện bằng Methadone đạt hiệu quả khả quan nên đề nghị Nhà nước xem xét để có thể đưa phương pháp điều trị này vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

 

Huyền Anh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc