Dưới tháp đuốc mỏ Thăng Long - Đông Đô

13:28 | 29/01/2024

36,874 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiếc trực thăng rời sân đỗ, bay một vòng xung quanh FPSO Lam Sơn như lời chào tạm biệt. Gió vẫn thổi ù ù, những bóng áo đỏ với những cánh tay giơ cao vẫy chào lưu luyến xa dần, bóng ngọn đuốc trên mỏ Thăng Long - Đông Đô cũng xa dần, nhưng tình cảm và niềm tin yêu của bờ và biển vẫn đong đầy chan chứa.

Sáng 27/01/2024, đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Dự án Lô 01/97&02/97, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)... đã rời sân bay Vũng Tàu ra giàn đầu giếng (WHP) Thăng Long và FPSO Lam Sơn đi thăm và chúc Tết người lao động đang làm việc và chuẩn bị đón Tết cổ truyền Giáp Thìn tại cụm mỏ Thăng Long - Đông Đô thuộc Lô 01/97&02/97. Dù trải qua lịch trình làm việc bận rộn liên miên của những ngày cuối năm, dù trải qua hành trình dài dưới thời tiết giá rét của Hà Nội và nắng nóng của Sài Gòn/Vũng Tàu, dù giờ khởi hành trong buổi sáng thứ Bảy được ấn định rất sớm, nhưng đoàn công tác ai cũng háo hức, vui vẻ và tề tựu đông đủ để lên máy bay đúng giờ.

Gần 20 người trong đoàn, đứng đầu là Trưởng ban của các Ban Khai thác Dầu khí (KTDK), Quản lý Hợp đồng Dầu khí, Quản trị nguồn nhân lực Tập đoàn, với những người đã gắn bó nhiều năm cùng cụm mỏ đặc biệt này như anh Vũ Đào Minh, anh Phạm Gia Minh bao năm trăn trở, miệt mài cùng sản lượng dầu khí; anh Trần Mạnh Cường, anh Vũ Việt Hưng (Phụ trách Dự án) - những chuyên gia thăm dò, những người góp phần tìm ra cụm mỏ; anh Trần Hồ Bắc (PTSC), anh Nguyễn Vinh Nhị Phương (PPS) - những người đầu tiên bắt tay vào hoán cải con tàu Poseidon (Thần biển) thành FPSO Lam Sơn... nên tâm thế đi ra biển mà như đi về nơi chốn đã gắn bó với họ bao nhiêu năm nay.

Dưới tháp đuốc mỏ Thăng Long – Đông Đô
Chúc Tết người lao động trên FPSO Lam Sơn.

Chính xác là bao nhiêu năm, có nhẩm tính mới biết đích xác được. Từ ngày những mái đầu đang chuyển muối tiêu kia chong đèn ngồi minh giải từng cube địa chấn, từ phát hiện dầu khí năm 2008 đến ngày vui mừng với First Oil năm 2014, từ khi căng mình nhận chuyển mỏ từ Nhà thầu nước ngoài về lại Việt Nam, đến khi chuyển từ PVEP về Petrovietnam trực tiếp quản lý theo Luật Dầu khí 2022... Qua bao thăng trầm thay đổi, qua bao lần đối diện với nguy cơ dòng tiền âm (đồng nghĩa với việc phải đóng mỏ) cùng những bận rộn, vất vả với cụm mỏ đặc biệt này - nói đặc biệt vì Lô 01/97&02/97 là Lô Hợp đồng duy nhất ở Việt Nam cho sản phẩm là dầu nặng từ mỏ cận biên - nhưng những người gắn bó với Thăng Long - Đông Đô, từ biển đến bờ, từ văn phòng lẫn thực địa... vẫn kiên gan bền bỉ để mang về nguồn “năng lượng cho phát triển” đất nước từ khơi xa, từ trầm tích hàng triệu năm dưới lòng biển sâu về xây dựng Tổ quốc.

Nắng biển xa chan chứa, nhưng gió phần phật. Tốc độ gió lên đến 35 knots khiến cho mọi người khi bước xuống từ trực thăng phải như “đứng tấn” trên tấm lưới lớn đan bằng những sợi dây thừng cỡ đại phủ trên bãi đỗ mới đỡ lúc lắc chung chiêng. Anh Vũ Đào Minh - Trưởng Ban KTDK Petrovietnam, vốn là Giàn trưởng một giàn khai thác của Liên doanh Vietsovpetro, chia sẻ: “Cứ mỗi khi miền Bắc có gió mùa thì anh em trên các công trình dầu khí lại phải hứng chịu gió mạnh. Có ra đây mới hiểu sự khó khăn vất vả của “những người đi tìm lửa” trên thềm lục địa ra sao”.

Đoàn công tác được dẫn đi thăm WHP Thăng Long và FPSO Lam Sơn, hỏi han trò chuyện, động viên và chúc Tết anh em đang làm việc trên WHP lẫn tàu chứa, tận mắt chứng kiến công việc mà họ đang làm. Khi nhận được những món quà ý nghĩa, những phong bao lì xì năm mới cùng những cái bắt tay thật chặt từ các lãnh đạo, Giàn trưởng và Thuyền trưởng thay mặt toàn thể anh em trên WHP và FPSO lúc nói lời cảm ơn, đều không giấu được xúc động nghẹn ngào.

Dưới tháp đuốc mỏ Thăng Long – Đông Đô
Tặng quà và chúc Tết trên WHP Thăng Long.

Đưa chúng tôi đi thăm và giới thiệu hệ thống công nghệ đang xử lý dầu thô là Giàn trưởng Đỗ Cảnh Toàn, người đàn ông với dáng vẻ nhanh nhẹn, rắn rỏi và nước da rám nắng. Khi câu chuyện đã trở nên thân tình hơn, chúng tôi hỏi han vài chuyện về sinh hoạt đời tư, không kìm được cảm xúc, giọng anh bất chợt run khẽ: “Em làm việc ở Dự án này từ những ngày đầu tiên khi kéo giàn ra mỏ để xây lắp công trình, sau đó em ở lại mỏ làm công tác vận hành luôn từ đó đến giờ, nay đã tròn 20 năm làm việc tại mỏ Thăng Long - Đông Đô này với 7 cái Tết ngoài biển cùng anh em. Năm nào cũng vậy, anh em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp lãnh đạo, tạo không khí ấm áp đủ đầy cho người lao động làm việc, đón Xuân trên biển. Em cũng là người may mắn vì luôn có gia đình nhỏ là điểm tựa, luôn động viên và chờ đợi em về đón Tết muộn khi hết ca đi biển”.

Dưới tháp đuốc mỏ Thăng Long – Đông Đô
Tháp đuốc trên FPSO Lam Sơn.

Trong đoàn công tác có cả những người lần đầu tiên được đặt chân đến một công trình biển, khi đứng dưới ngọn đuốc dầu cháy bùng bùng, toả sáng lộng lẫy của Petrovietnam đều không khỏi thán phục và ngưỡng mộ trước trí tuệ của bao lớp người dầu khí, tìm ra dầu giữa biển sâu bao la, đem hàng ngàn tấn sắt thép ra cắm vào lòng biển để dẫn dòng “vàng đen” về cho Tổ quốc, đang làm việc bất kể ngày đêm, bất kể biển cả khi hiền hòa, lúc hung dữ...

Thăng Long, Đông Đô, Lam Sơn... những cái tên mang đậm dấu ấn lịch sử của Kinh thành Đại Việt xưa, của cuộc khởi nghĩa hào hùng chống lại quân xâm lược hung bạo. Ngày nay vẫn đang ngày đêm vượt qua sóng to gió lớn, vượt qua cả những nỗi niềm xa cách cô đơn khi không được ở bên gia đình thời khắc Giao thừa thiêng liêng để hoàn thành nhiệm vụ, và để vững tin bước tới khi nhiều tiềm năng dưới lòng biển sâu đang đợi chờ được khai phá.

Dưới tháp đuốc mỏ Thăng Long – Đông Đô
Đoàn công tác đi thăm và làm việc tại FPSO Lam Sơn.

Những người dầu khí làm việc trên biển thường là những người có thể hình cao lớn vạm vỡ kiểu “ăn sóng nói gió”, làn da rám nắng khỏe mạnh cùng nụ cười rạng rỡ. Nhưng khi bắt tay chào tạm biệt họ để trở lại trực thăng, điều ám ảnh tôi nhất là những ánh mắt. Ánh mắt chứa đựng niềm cảm kích khi được đồng nghiệp quan tâm chia sẻ, ánh mắt của sự quyết tâm như lời hứa hăng say lao động và những ánh mắt của nỗi niềm gửi gắm nhớ thương chất chứa về những người thân yêu của họ ở đất liền...

Sau những chia sẻ thân tình, những trải nghiệm thú vị, những tình cảm ấm áp, chiếc trực thăng rời bãi đỗ, bay một vòng xung quanh FPSO Lam Sơn như lời chào tạm biệt. Gió vẫn thổi ù ù, những bóng áo đỏ với những cánh tay giơ cao vẫy chào lưu luyến xa dần, bóng ngọn đuốc trên mỏ Thăng Long - Đông Đô cũng xa dần, nhưng tình cảm và niềm tin yêu của bờ và biển vẫn đong đầy chan chứa./.

[PetroTimesMedia] Chủ tịch nước thăm, chúc Tết người lao động trên giàn khoan dầu khí[PetroTimesMedia] Chủ tịch nước thăm, chúc Tết người lao động trên giàn khoan dầu khí
[PetroTimesMedia] Chủ tịch nước thăm, chúc Tết tại cảng PTSC[PetroTimesMedia] Chủ tịch nước thăm, chúc Tết tại cảng PTSC
[PetroTimesTV] Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc, thăm hỏi, động viên người lao động dầu khí tại mỏ Thăng Long - Đông Đô[PetroTimesTV] Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc, thăm hỏi, động viên người lao động dầu khí tại mỏ Thăng Long - Đông Đô

Lê Hồng Lam

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps