Được theo những bàn chân Việt - Kỳ 1

03:00 | 14/03/2011

16,801 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Có nhiều duyên do lẫn nguyên nhân khiến việc triển khai chiến lược đầu tư ra nước ngoài để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của ngành Dầu khí Việt Nam đâm muộn mằn và chậm trễ… Nhưng hơn hai mươi năm nay, bằng những gắng gỏi, bằng những bước đi khôn khéo với tốc độ vượt lên chính mình, Petroietnam đã tạo dựng được những ấn tượng đáng nể… Mà một trong những bước đi khôn khéo ấy là đã in dấu trên vùng thâm sơn cùng cốc băng giá phương Bắc nước Nga cùng sa mạc cát bỏng Sahara của Bắc Phi. Tôi đã may mắn được ướm, được dẫm lên theo những dấu chân ấy...

Kỳ I:Rùng mình nhớ lại lần qua cánh cửa tử ấy…

Được theo những bàn chân Việt - Kỳ 1
Tổ hợp Nhenhezky chìm trong băng tuyết

Cánh cửa ấy là cửa ra quốc tế của Sân bay Quốc tế Domodedovo Moskva. Chắc bạn đọc bây giờ đã quá quen với những dòng đại loại như thế này tràn ngập các trang thời sự hơn một tháng trước.

Hồi 16 giờ 40 phút ngày 24-1-2011 tức (20 giờ 40 Hà Nội) tại khu vực đến của nhà ga quốc tế của sân bay Domodedovo lớn nhất ở Thủ đô Mátxcơva đã bị rung chuyển bởi một vụ nổ làm thiệt mạng ít nhất 35 người. Hơn 100 người khác bị thương. Tin cho hay, có thể đây là hành động của một kẻ đánh bom tự sát. Nhà chức trách Nga nói đây là một vụ tấn công khủng bố.

Khu vực xảy ra sự kiện khủng khiếp ấy, hằng ngày người Việt mình vẫn phải đi qua...

Tròn hai tháng trước, trong Đoàn công tác của PVN do ông Trần Bình Minh, Phó tổng giám đốc PVEP (Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí) phụ trách, chúng tôi cũng đã nấn ná ở khu vực đến của sân bay khổng lồ này. Nấn ná bởi lý do trục trặc hộ chiếu lẫn hải quan. Không có chi vi phạm luật lệ của nước sở tại nhưng các thủ tục hạch hỏi có tính chất truyền thống nơi đây cộng với thời gian đợi lấy valy mất đứt hơn tiếng đồng hồ. Đón chúng tôi ngay tại nơi từng là cánh cửa tử ấy là ông Cao Mỹ Lợi, Phó tổng giám đốc thứ nhất của Công ty Liên doanh RusVietpetro và ông Trần Ngọc Sơn Tổng đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Liên bang Nga và các nước SNG. Lại có cả Duy Nghĩa, PV Đài Truyền hình Việt Nam thường trú ở Mátxcơva.

Bây giờ ngồi viết những dòng này, tự dưng có chút thở phào hơi bị ích kỷ của kẻ ngoài cuộc, tâm trí tôi lại ngược về với chuyến đi có chút trục trặc nhưng may mắn ấy...

Chiếc Boeing mang số hiệu VN 525C của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam xuất phát từ Nội Bài lúc 10giờ45 phút qua chặng đường trời dài dặc đáp xuống sân bay Demodedovo đúng khít lịch bay là 17giờ5phút giờ Mát (Hà Nội là gần 23 giờ). Nhưng bữa đó không riêng chi Demodedovo mà tất tật các sân bay lớn của Mátxcơva như Vnukovo, Sheremetevo... băng truyết đóng dày. Khách ngồi trên tàu bay của VietnamAirlines phải đợi non tiếng đồng hồ trên máy bay để người của ga bay dọn tuyết, quét băng, máy bay mới lăn được vào vị trí của sân đỗ. (Ngày hôm sau do nạn băng tuyết, tàu bay của VietnamAirlines cũng không hạ xuống Demodedovo như thường lệ mà phải đáp xuống Vnukovo)

Được theo những bàn chân Việt - Kỳ 1
Nhà báo Xuân Ba (bên phải) và anh Trần Ngọc Sơn - đại diện của Petrovietnam tại Nga và các nước SNG ở tại tổ hợp Nhenhexki

Tôi nán lại một lúc với người lái chính chiếc Boeing, con trai của một người quen nguyên Phó giám đốc Công an Hà Nội. Thời gian là mớ tóc bạc táp trên đầu mình nhưng với Đào Trọng Sơn, từ một cậu bé loẻo khoẻo ngày nào, Sơn đã nhớn nhao phương trưởng thành một tay bay cứng chuyên lái máy bay hiện đại đời mới của VietnamAirlines. Sơn chững chạc nghiêm ngắn bên tay lái, trên đầu Sơn là vô số các loại đèn hiệu nhấp nháy cười buông một câu đùa hệt như bên mình xe chờ vào bến ấy nhỉ? Cái nghề tinh chọn những người mà bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bình tĩnh không được nóng ruột thì mới bình thản bình phẩm được thế! Qua Sơn, tôi loáng thoáng được biết thêm, nhiều năm nay Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mở đường bay trực tiếp đi Mátxcơva và ngược lại. Đường bay thẳng nên tiện lợi lắm cho bà con mình. Hành khách mỗi chuyến bay đi và về hầu hết là người Việt. Từ Demodedovo về trung tâm Mátxcơva chỉ hơn 40km. Bà con mình, lớp thì chỉ đến Mát, lớp thì từ Demodedovo nối chuyến với các thành phố của Nga hoặc các nước thuộc SNG. Vậy nên sân bay Demodedovo là nơi đến chính kiêm nơi trung chuyển. Hãng Hàng không Việt Nam như một thành viên, một nơi đi về của Demodedovo và góp một chút xíu để làm nên sự xôm tụ và thành danh của một sân bay quốc tế khổng lồ mỗi năm phục vụ trên 20 triệu lượt khách. Qua Sơn tôi được biết, đây cũng là sân bay lớn nhất trong 3 sân bay của Mát chuyên phục vụ cho Mátxcơva và hiện đang được nâng cấp nhiều hạng mục bởi sân bay xây dựng từ năm 1964.

Nhớ lại sự kiện sợ và buồn ấy, buổi sáng còn mờ đất tại Hà Thành nhưng Mát lúc này mới là nửa đêm nhưng tôi cứ nháy máy cho Duy Nghĩa, Phóng viên Đài TH Việt Nam thường trú tại Mátxcơva, người từng cùng tôi bay lên Cực Bắc trong chuyến công tác cuối năm dương lịch năm ngoái. Cũng xin mở ngoặc một chút, Nghĩa là thổ công ở xứ này. Trước khi chững chạc là một phóng viên thường trú, Nghĩa đã từng có nhiều năm bươn chải kiếm sống ở Mát đủ thứ nghề. Trong đó có một thứ độc đáo ấy là làm… báo! Làm báo trong một thể chế hoàn toàn tự do, tại sao không? Nhưng nhõn mỗi Nghĩa. Kiêm tất từ Tổng biên tập cho đến phóng viên, in ấn và cả phát hành. Như Nghĩa cười là báo lá cải! Mà lá cải thật bởi tờ báo có tên là “Lá Cải” ấy chỉ là tập hợp lại, sao chép lại các tin mà báo trong nước đã đăng kèm chút tin tức cộng đồng bà con ở Mát. Tinh những chuyện cướp giết hiếp... Thị phần chủ yếu của Nghĩa là trực tiếp đưa tờ “Lá Cải” ấy đến các ốp đến chợ Vòm. Nhanh nhạy là thế, thị trường là vậy nhưng đâu như hơn một năm tờ báo phải đình bản vì mỗi lý do kinh tế nghĩa là không bán được!

Đầu dây bên kia là chất giọng quen thuộc bình thản của Nghĩa. Mà đang bình thản thế kia thì chắc chưa có tin chi xấu đối với cộng đồng mình? Nghĩa cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ nổ, Sứ quán đã phái ngay các bộ phận có trách nhiệm phải tìm, phải nắm ngay tình hình nhất là xem ở cái cửa đến và đi của các chuyến bay nối liền Mát với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ấy có người Việt nào bị làm sao không? Chả phải đợi Sứ quán nhắc, Nghĩa và đồng nghiệp của mình đã mau chóng đến những nơi cần đến trong đó có sân bay Demodedovo yên tâm đi cho đến giờ này chưa có người Việt mình nào bị vướng ở cái cửa ấy! Thông tin này chưa kiểm chứng nhưng nghe nói có một hành khách người Nga của VietnamAirlines xây sát nhẹ vào chân. Do ảnh hưởng của vụ đánh bom, chuyến bay VN526 từ Moscow về TP HCM chở 105 hành khách đã cất cánh lúc 19:35 giờ Mátxcơva ngày 24-1, chậm 28 phút so với lịch bay ban đầu.

Cái cửa ấy mới 17 giờ mùa đông nhưng đã tối mù. Qua lớp kính kia là trời Mát tơi bời những tuyết. Trong ánh đèn xanh lét lạnh lẽo nhưng ấm lẫn rối mắt bởi cái cảnh hành khách nối nhau ra cửa và nháo nhác tìm chỗ băng chuyền chờ lấy đồ. Những khách người Việt trên chuyến bay cùng tôi rất dễ nhân ra bởi dáng nhỏ thó lam lũ chậm chạp hòa vào dòng nguời đông đúc đủ mọi chủng loại chỗ cửa ra. Quả không hổ danh là sân bay lớn nhất Mát hay Mát vẫn là một trong những địa chỉ tin cậy của nơi đến? Chả biết nữa nhưng cửa đến lúc này ken đặc những người. Mới đầu còn thấp thoáng sau biến mất hẳn ba dáng người mà tôi mới quen trên cùng chuyến bay. Một em ở Bắc Ninh đi thăm thân, chồng đang làm thuê cho chủ sạp quần áo ở tận Minxco của Belarus. Em xin phép được thăm thân thời hạn là 3 tháng. Em nói vậy thì tôi biết vậy nhưng cung cách hỏi han chuyện trò thì rõ ra là một lao động Việt mình đang tìm cách nhập cư. Cầu cho em sắp tới gặp được may mắn về bao thứ bất trắc ở xứ người những là hộ chiếu lẫn visa lằng nhằng này khác còn hơn những vơ bèo vợt tép trên mấy sào ruộng khoán ở quê như em từng thở dài! Ngay chuyện em nói ra cửa sẽ có ông anh họ đón nghỉ lại ở Mát mấy hôm rồi về chỗ chồng không biết có thật vậy không? Một chị ngồi ghế bên thấy câu chuyện của chúng tôi đang lúc rôm cũng dè dặt góp... Hỏi thì được biết chị sang Mát đi may cho một ngưòi nhà. Đi may? Bên này thiếu chi các loại mốt này khác? Hôm sau chuyện lại với Nghĩa, tôi đâm hoảng... Thì ra người Việt mình bên này nhanh nhạy thông minh cả trong việc bắt chước nữa! Có những xưởng may cấp tốc tạm bợ chuyên chế những đồ mode mà một bộ phận dân bên này đang chuộng chứ không đánh cả công (container) buôn chuyến như thường lệ vừa lời ít vừa bất trắc. Nhưng kiểu mưu sinh này cũng mếu dở khóc dở. Có anh đánh hơi điều tra được hớt tay trên bằng cách đón thợ may từ trong nước sang ngay tại sân bay trả tiền hậu hơn rồi rinh ngay thợ về xưởng của mình!

Những người đồng hương của tôi, mỗi người mỗi phận mà hình như hiếm người hanh thông may mắn không ít thì nhiều hàng ngày cứ phải diễu qua cái cửa này như thế? May mà sự dữ vừa qua và những ngày qua chưa kịp úp chụp lên đầu họ. Thông tin chốc nhát của Nghĩa về cái nạn khủng bố hóa ra không phải rình rập mà đã nhỡn tiền tại Demodedovo. Không phải xảy ra chỗ cửa đi và cửa đến như buổi chiều định mệnh 24 tháng giêng mà là trên không. Tháng 8-2004, bọn khủng bố đã gài chất nổ vào hai chuyến bay xuất phát từ Demodedovo khiến nhiều người thiệt mạng!

Trật tự thế giới đã đổi thay? Ôi chao cái thời chậm rì rì chiếc IL tám mấy của Aerophlot cả tuần mới có một chuyến từ Nội Bài mà phải transit qua những Cancutta, Karashi, Tasken này khác nhưng hạ cánh xuống Domodedovo đến Mátxcơva là cửa ngõ để dẫn vào ngôi nhà bình yên!

Những tưởng nơi ấy xứ ấy là thành trì của sự bình yên vĩnh hằng! Còn bây chừ năm chuyến một tuần gần như hằng ngày mà là vèo một mạch là “non-stop” mà bỗng chốc phải lo lắng thắc thỏm?

... Ngước lên thinh không thăm thẳm gửi một lời chúc lành bình an cho bà con mình cùng đồng bào nơi xứ tuyết. Trong đó có không ít những chuyên gia, những người người thợ, những yếu nhân của PetroVietnam. Xin thành tâm viện Amen với cả Adiđà!

Ghi chép của Xuân Ba

(Năng lượng Mới số 1, ra ngày 14-3-2011)

(Xem tiếp kỳ 2)