Dung dị Tết xưa, Tết nay

06:37 | 19/01/2020

418 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tết là để hoài niệm và khởi đầu, để sum vầy và yêu thương, để bao dung và buông bỏ... Tết chính là một điều gì đó giản đơn và dung dị nhất, như đơn thuần gieo rắc thêm tin yêu vào lòng người và vạn vật...

1. Có ai đó ví von, bốn mùa trong năm như một vòng đời người. Nếu mùa xuân được ví như sự khởi đầu đầy mới mẻ và tràn đầy nhựa sống thì mùa hè mang dáng dấp của tuổi trẻ đang sắp sửa bước vào giai đoạn trưởng thành, mùa thu chứa đựng nét trầm buồn như đang chiêm nghiệm về cuộc đời và mùa đông đánh dấu sự kết thúc cho vòng tuần hoàn ấy.

dung di tet xua tet nay

Mỗi mùa đều mang một vẻ đẹp và sự si mê riêng, nhưng nếu hỏi thích nhất mùa nào trong năm, có lẽ hầu hết mọi người sẽ trả lời rằng: Mùa xuân. Bởi cái gì được xem là khởi đầu và mới mẻ cũng là thứ dễ thu hút lòng người nhất.

Mùa xuân, chẳng rõ chính xác vào thời điểm nào, chỉ biết một sớm mai khi thức dậy, đất trời bỗng như thay áo mới, cảnh vật khác hẳn thường ngày, mây nhè nhẹ trôi, gió hiu hiu thổi... Cũng sáng ấy, từ quán xá đến nhà nhà, từ tivi cho đến loa phường, đâu đâu cũng vang lên giai điệu của ngày xuân rộn rã: “Xuân xuân ơi xuân đã về/ Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến...”. Lòng bỗng dậy lên một cảm giác vừa lạ, mà nghe quen. Trong khoảnh khắc ấy, lòng dạ háo hức đến mức muốn làm thật nhanh những công việc còn dang dở, để được trở về, sum vầy, đoàn tụ cùng gia đình sau một năm đằng đẵng cách xa...

dung di tet xua tet nay

Một sáng ấy, nơi quê người, trên con đường quen thuộc thường ngày vẫn chạy xe qua, bỗng rực màu cờ đỏ sao vàng. Hoa mai, hoa đào lú nhú nụ được trưng khắp công viên, sân nhà... Những chậu cúc vàng tươi được xếp thành hàng dài trên các con đường, góc phố nằm phơi xuân chờ người ta đến... rước. Tự dưng lòng bồi hồi khi một thời khắc xưa cũ nào đó chợt ùa về, đầy ắp nhớ nhung.

Đó là vào một sáng cuối năm, bà đi chợ về với chiếc giỏ xách đầy thịt, cá, rau, quả, vài ba bộ quần áo bông, đôi dép mới, chiếc mũ xinh cùng mớ kẹp tóc đủ sắc màu. Đứa cháu hớn hở mang tất cả những thứ đồ bà mua cho, vào buồng thử, thỉnh thoảng í ới: “Đẹp không bà ơi?!”. Ở nhà trên, ông loay hoay lau lại bụi nhang trên bàn thờ, lom khom cắm mấy bình bông lá liễu, chậm rãi nâng niu mâm ngũ quả. Bà xắn tay áo, vào bếp để chuẩn bị cho bữa tất niên.

dung di tet xua tet nay

Phía sau nhà, nồi bánh chưng sôi sùng sục, lửa vẫn bập bùng cháy. Cây me già ở đầu hè chiều 30 nằm yên gió, những lộc non vươn lên xanh mướt, bình yên. Trước cửa chính, chậu cúc vàng điểm một vài phong bao đỏ làm nổi bật khung cảnh căn nhà ba gian cũ kỹ từ bao đời. Đứa trẻ chạy ù ra giữa sân nhìn một lượt khắp nhà mình chiều cuối năm, nhắm mắt hít hà cái hương đất trời quyện vào mùi khói nhang, hoa quả...

Thời gian thấm thoát trôi qua, ai rồi cũng phải đến lúc trưởng thành, già đi. Khung cảnh ngày xưa, con người thuở ấy, tất cả đều đổi thay, duy chỉ có ký ức là mãi nằm lại. Và, dẫu cho đứa trẻ năm đó bây giờ không còn được bà mua cho áo bông, nón đẹp, dép xinh để đón Tết nhưng cảm giác về Tết vẫn vẹn nguyên như thuở xưa. Để một lúc nào đó, giữa phồn hoa đô thị, chợt thấy mình vì những toan tính mưu sinh mà quên cội nguồn, sẽ nương nhờ hương đất trời vào xuân mà nhớ - nhớ mình vẫn còn một chốn để trở về ngày cuối năm.

2. Dù một năm dài đằng đẵng bôn ba vì danh vọng, tiền tài, thì đến Tết, mọi lắng lo chật vật đều được đặt xuống, gác lại, để tìm về bình yên bên mái ấm gia đình, thắp lên bàn thờ tổ tiên nén nhang trầm, ngồi lại cùng tình thân quyến thuộc nhắc nhớ kỷ niệm xưa và động viên nhau chuyện mai này.

Có ai đó bảo, Tết thời nay không còn mang lại tâm trạng háo hức mong chờ nữa. Chắc có lẽ vì cuộc sống bon chen hối hả khiến người ta quên mất sự hiện diện của Tết. Lũ trẻ ngày nay không còn mong Tết như ngày xưa vì chúng quanh năm đều được ăn ngon, mặc đẹp. Mọi người cũng không cần phải chuẩn bị Tết từ quá sớm bởi mọi thứ đã được làm sẵn, bán ở siêu thị vừa ngon lại còn bắt mắt. Tết bây giờ cũng không còn nhiều người tự tay gói bánh chưng xanh, làm dưa hành và nấu những mâm cỗ kỳ công. Mọi thứ đã bị biến tấu đi nhiều khiến cho người ta không còn nhận ra hương vị của Tết - những cái Tết theo đúng nghĩa.

Nhưng thật ra, Tết hay không Tết là ở tại lòng mình. Nếu bản thân hoan hỉ chào đón, Tết tự khắc sẽ mang về một cảm giác trọn vẹn. Ngược lại, nếu khiên cưỡng thì dù có đủ đầy bao nhiêu cũng trở thành nhàn nhạt, hững hờ.

Mà Tết đâu phải là một cái gì đó quá to tát, lớn lao. Tết là để người ta hoài niệm về những điều thiêng liêng đẹp đẽ, là cảm giác lắng đọng khi đứng trước bàn thờ gia tiên, hay được đến gần hơn với nơi ông bà, người thân đã nằm xuống, thắp một nén hương lòng, nghĩ về những yêu thương còn đong đầy mãi mãi... Tết cũng là dịp để người ta ôn lại những giá trị truyền thống tạo nên bản sắc dân tộc.

Tết là đem đến cho người ta một khởi đầu mới mẻ, là niềm tin và hy vọng ở những điều đẹp đẽ hơn cho tương lai. Tết cũng là cơ hội để người ta buông bỏ những thứ nhập nhằng không suôn sẻ để mong cầu trọn vẹn cho ngày sau tới. Những ai có một năm cũ không nhiều may mắn, sẽ cầu nguyện để có một năm mới thăng hoa. Còn ai đã có một năm cũ viên mãn, sẽ cầu năm mới như ý nguyện...

Tết là được ngồi trên chuyến xe về nhà mang đầy cảm giác bồi hồi, nôn nao, vui sướng khác hẳn những chuyến xe thường ngày. Đoạn đường ấy dẫu đi lại không biết bao nhiêu lần, nhưng lần trở về này lúc nào cũng thấy như dài thêm, bởi vì lòng cứ mãi ngóng trông được sum vầy. Về, tự tay dọn dẹp lại nhà cửa, cùng nhau làm những món ăn truyền thống ngày Tết, cùng ngồi bên nhau thưởng thức và tận hưởng cảm giác yên bình... Có như vậy mới biết, hạnh phúc đôi khi chỉ đến từ những điều bình dị nhất, an nhiên cũng đến từ những thứ giản đơn như cùng ai đó ăn bữa cơm, uống tách trà, kể chuyện vui...

Tết cũng là để người ta thêm trân quý hơn những khoảnh khắc yêu thương và đoàn tụ. Thời gian không chờ đợi một ai và Tết đến dẫu vui đấy nhưng cũng mang theo một mảng màu nghiệt ngã là làm người ta nhận thấy mình cùng những người thân yêu phải lớn lên, già đi. Ông bà thêm cao tuổi, mẹ cha thêm bạc tóc, anh chị em rồi sẽ đến lúc cưới vợ, gả chồng, mỗi người một nơi. Nhưng, quy luật của tạo hóa vốn dĩ là thế, chẳng ai có thể làm khác đi để đổi thay số mệnh của mình. Vậy nên, chẳng còn cách nào khác ngoài việc chọn yêu thương ngay khi còn có thể...

Đấy, Tết đơn giản chỉ đến từ những điều dung dị bình thường như thế. Dẫu mỗi nơi mỗi cách đón Tết khác nhau, mỗi vùng miền, mỗi phong tục khác nhau, nhưng bằng kiểu này hay kiểu khác, ai cũng có thể tự tạo ra một cái Tết vẹn tròn và đúng nghĩa cho riêng mình.

Oanh Thỷ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc