Phim độc lập

Đứa con bị bỏ rơi!?

07:11 | 05/10/2014

857 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ít ai để ý rằng, hầu như các nhà làm phim độc lập của Việt Nam hiện nay muốn sản xuất phim đều phải chạy vạy, trông chờ vào quỹ tài trợ điện ảnh của nước ngoài vì nguồn tài trợ của quỹ điện ảnh trong nước thì gần như là… vô vọng! Trong khi đó, không ít tiền ngân sách đang bị lãng phí bởi các phim “thảm họa”!

Năng lượng Mới số 361

Đập cánh giữa không trung” nhận giải Phim hay nhất do Hiệp hội Các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải bầu chọn tại Tuần lễ phê bình phim - Liên hoan phim (LHP) Venice lần thứ 71. Kết quả đó không chỉ là niềm vui riêng của Nguyễn Hoàng Điệp - đạo diễn phim mà còn của những ai quan tâm đến điện ảnh Việt. Lâu rồi chúng ta không có những phim điện ảnh tầm cỡ tại các LHP nước ngoài như thế, ngoài chuyện cả dàn diễn viên xúng xính váy áo trên các thảm đỏ để chụp ảnh rồi về!

Nhưng có lẽ ít ai để ý đến câu chuyện đằng sau của bộ phim này và về hành trình của nó với người đạo diễn để biến những ý tưởng thành tác phẩm điện ảnh. Và đó là một hành trình dài đầy gian nan.

Đứa con bị bỏ rơi

Các phim độc lập “Mùa len trâu”, “Đập cánh giữa không trung”, “Bi, đừng sợ!”, “Nước 2030” được sản xuất nhờ vào nguồn kinh phí của các quỹ điện ảnh quốc tế

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp kể là phim “Đập cánh giữa không trung” ra đời từ năm 2008 và phải mất tới 6 năm bôn ba trên LHP quốc tế thì phim mới tìm đủ nguồn vốn sản xuất. Đầu tiên, dự án phim được giới thiệu trong một lớp học sản xuất phim vào năm 2008 do Quỹ Ford tài trợ. Năm 2010, Nguyễn Hoàng Điệp cùng đạo diễn Phan Đăng Di mang dự án giới thiệu tại LHP Busan. Những trang kịch bản “Đập cánh giữa không trung” tiếp tục chuyến hành trình tới một LHP ở Italia vào năm 2011 và điểm đến năm 2012 là LHP Cannes. Ngoài ra, dự án phim này còn được giới thiệu qua hàng loạt các chương trình, các LHP nước ngoài khác. May mắn khi cuối cùng đạo diễn đã xin được tài trợ từ các quỹ điện ảnh nước ngoài để sản xuất.

Nhưng không riêng gì với “Đập cánh giữa không trung” mà hầu hết các phim độc lập khác cũng rơi vào một hành trình tương tự, như: “Nước 2030” (ĐD Nguyễn Võ Nghiêm Minh), “Bi, đừng sợ” (ĐD Phan Đăng Di), “Trăng nơi đáy giếng” (ĐD Vinh Sơn), “Trái tim bé nỏng” (ĐD Thanh Vân), “Mùa len trâu” (ĐD Nguyễn Võ Nghiêm Minh)…

10 năm trước, bộ phim “Mùa len trâu” đã làm rạng danh điện ảnh Việt Nam với những chiến thắng liên tiếp trong hơn 5 LHP quốc tế uy tín. Nhưng ít ai biết được rằng, điện ảnh Việt Nam sẽ không hề có “Mùa len trâu” nếu không có sự hỗ trợ của các nhà sản xuất nước ngoài như Mỹ, Canada… với kinh phí lên tới 1 triệu USD. Và, “Mùa len trâu” mất khoảng 3 năm thương thảo hợp đồng giữa các bên liên quan, khiến hành trình từ khi tác giả viết kịch bản đến lúc phim đóng máy là hơn 6 năm ròng rã!

Việc đi tìm tài trợ sản xuất phim của “Mùa len trâu” 10 năm trước vẫn còn kéo dài cho đến hiện tại. Cũng là phim của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, “Nước 2030” vừa chính thức ra mắt đầu năm 2014 cũng là một phim được sản xuất nhờ vào sự hỗ trợ từ quỹ của Viện phim Tribeca (Mỹ), bên cạnh một nhà đầu tư là một hãng phim tư nhân trong nước. “Nước 2030”, bộ phim có nội dung dựa trên truyện ngắn “Nước như nước mắt” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Phim lấy bối cảnh năm 2020-2030, khi đó biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên, khiến miền Nam Việt Nam bị mất 50% đất trồng trọt trong vòng 10 năm. Con người phải sống quây quần trong một môi trường khắc nghiệt - trên các bè giữa mênh mông trời và nước. Tuy phim chưa được trình chiếu tại Việt Nam nhưng đã được giới điện ảnh nước ngoài chú ý khi vinh dự được chọn chiếu trong chương trình tại LHP Berlinale (Đức) vừa diễn ra vài tháng trước.

Trước “Nước 2030” thì có các phim nổi tiếng khác như “Trăng nơi đáy giếng” cũng được Quỹ Fonds Sud tài trợ và Quỹ Fonds Francophone tài trợ sản xuất. “Trái tim bé bỏng” được Quỹ Global Film Initiative (GFI, Mỹ) tài trợ cho giai đoạn sản xuất và hậu kỳ…

Có thể nói, tìm kiếm nguồn tiền tài trợ nước ngoài để sản xuất phim chính là con đường mà các nhà làm phim độc lập Việt phải trải qua nếu muốn biến kịch bản mình thành tác phẩm điện ảnh thật sự. Giới đạo diễn cho biết, trên thế giới hiện có trên 10 quỹ điện ảnh tài trợ cho các nhà sản xuất phim, phần lớn ở châu Âu. Nhưng để xin được tiền từ các quỹ điện ảnh quốc tế này là hành trình dài gian nan đòi hỏi lòng quyết tâm và kiên nhẫn.

Ngoài việc phải có trong tay một kịch bản hoàn chỉnh, đạo diễn phải viết một tóm tắt kịch bản, phác thảo kịch bản; ê-kíp cũng phải đưa ra con số dự toán, kế hoạch tài chính sản xuất. Kế đến là phải trình các hợp đồng với nhà sản xuất, hợp đồng tác giả. Cuối cùng là phần giới thiệu lý lịch nghệ thuật của đạo diễn, của nhà sản xuất, của hãng sản xuất bộ phim đó. Toàn bộ hồ sơ này phải được dịch sang tiếng Anh trước khi gửi đến các quỹ điện ảnh. Nhưng theo các nhà làm phim từng đi xin tiền tài trợ từ các quỹ điện ảnh nước ngoài thì để hồ sơ mình bắt mắt, họ phải kèm theo một đoạn video clip quay một đoạn nào đó hấp dẫn nhất trong kịch bản để minh họa.

Và đương nhiên không phải nhà làm phim Việt nào cũng tiếp cận được các nguồn tiền từ các quỹ điện ảnh thế giới. Thứ nhất là tiền được tài trợ từ các quỹ này không nhiều, hơn nữa là hàng năm các quỹ này đều nhận được rất nhiều các dự án sản xuất phim từ khắp nơi trên thế giới gửi về, để là người được chọn trong số đó cũng phải vượt qua những tiêu chí khắt khe.

Vậy câu hỏi đặt ra, vì sao nước ta không có quỹ điện ảnh?

Trong Luật Điện ảnh năm 2007 đã quy định về việc có quỹ hỗ trợ điện ảnh. Quỹ này nhằm phát triển các tài năng, hỗ trợ kinh phí cho dòng phim tác giả, nghệ thuật, hay có xu hướng thể nghiệm mới… tức là hỗ trợ cho các nhà làm phim độc lập như đã nói. Nhưng rất tiếc là sau khi đề án thành lập quỹ hoàn thành thì mọi thứ vẫn im lìm vì không có nguồn quỹ. Đây là điều được Cục phó Cục Điện ảnh, ông Đỗ Duy Anh tiết lộ. Thật ra cũng từng có ý kiến đề xuất là trích 3% trên tiền của mỗi chiếc vé xem phim ở các rạp chiếu đưa vào quỹ nhưng không thực hiện được vì chưa có quy định nào về việc này!

Trong điện ảnh Việt đang tồn tại một thực tế là có những nguồn tiền ngân sách đầu tư không hiệu quả gây lãng phí nghiêm trọng; nhiều phim nhà nước đâu tư từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng nhưng chỉ để… nhập kho hay dẫu có ra rạp thì cũng không bán nổi một vé nào! Vừa qua, chúng ta đã bàn quá nhiều về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Có thể do tư duy làm phim cũ kỹ, lạc hậu, nội dung phim quá giáo điều mà thiếu hẳn hơi thở cuộc sống; hay cũng có thể là do nhà sản xuất không có một chiến lược tốt để quảng bá phim đến công chúng, điều mà các hãng phim tư nhân với dòng phim thương mại làm rất tốt… Nói chung có rất nhiều lý do dẫn đến “cái chết” của những bộ phim Nhà nước.

Nhưng điều đáng nói ở đây là không một ai đứng ra chịu trách nhiệm vì sự thất bại, gây lãng phí tiền ngân sách làm phim không có ai xem! Trong khi những nhà làm phim độc lập, những đạo diễn từng vinh danh điện ảnh nước nhà qua các tác phẩm của mình (là những tác phẩm được đầu tư bởi nguồn tiền nước ngoài) thì lại “lần không ra”!

Giá như, số tiền 6 tỉ từ ngân sách mà đạo diễn Lê Hoàng đã “đốt” vào thảm họa “Cát nóng”, hay một phần tiền trong số hàng chục tỉ đồng đầu tư sản xuất những phim cúng cụ mà con cháu không được thụ lộc được chuyển vào quỹ hỗ trợ điện ảnh dành cho các nhà làm phim độc lập! Giá như chúng ta có một cơ chế rõ ràng, minh bạch trong việc đầu tư và kiểm duyệt phim thì sẽ không có cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra” như hiện tại!

Trúc Vân