Dự án tàu ngầm "made in Vietnam" bị ngó lơ?
![]() |
Chia sẻ với phóng viên, Đại tá Lương Lục Quỳnh, Phó viện trưởng Viện Thiết kế tàu quân sự (Bộ Quốc phòng), vẫn nhớ rõ chuyến công tác về Thái Bình cách đây 10 năm.
Khi đó, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa mới trình làng dự án chế tạo tàu ngầm made in Vietnam với phiên bản đầu tiên mang tên Trường Sa 01.
![]() |
Phiên bản tàu ngầm Trường Sa 01 của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Ảnh: Facebook nhân vật). |
Biết được việc này, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã chỉ đạo Viện Thiết kế tàu quân sự cử một đoàn công tác xuống cơ sở của ông Hòa để đánh giá sản phẩm.
"Ông Hòa niềm nở, vui vẻ đón tiếp chúng tôi. Ông ấy là người rất đam mê khoa học", Đại tá Quỳnh nhớ lại cuộc gặp gỡ năm 2014.
Trong chuyến thăm đó, Đại tá Quỳnh đã trực tiếp vào bên trong buồng lái của chiếc Trường Sa 01 khi nó được đặt trong một bể chứa thử nghiệm.
Điều khiến vị chuyên gia đánh giá cao là một kỹ sư tay ngang như ông Hòa đã thiết kế được hệ thống động cơ tuần hoàn kín tương đối hoàn chỉnh. Đây là điểm mấu chốt để một động cơ đốt trong có thể hoạt động được dưới mặt nước.
"Nhưng điểm sáng chúng tôi ghi nhận được chỉ dừng ở đó thôi. Ngoài hệ thống tuần hoàn kín, những phần còn lại của sản phẩm hầu như đều có vấn đề.
![]() |
Tàu ngầm Trường Sa 01 chạy thử trên biển vào tháng 5/2014 (Ảnh: Đức Văn). |
Trong đó, khuyết điểm lớn nhất của Trường Sa 01 là nó vẫn chưa duy trì được trạng thái lơ lửng ở một độ sâu nhất định. "Nó chỉ có 2 trạng thái là nổi trên mặt nước hoặc chìm xuống chạm đáy, vậy thì không thể đi ngầm được", Đại tá Quỳnh kể lại.
Bên cạnh đó, tiếng động cơ đốt trong quá lớn cũng là một điểm yếu của chiếc tàu ngầm này. Dùng để tham quan du lịch không được vì bên trong rất chật chội và ồn. Dùng cho mục đích quân sự càng không được vì tiếng ồn và khói sẽ khiến kẻ địch phát hiện.
![]() |
Phiên bản tàu ngầm Hoàng Sa (Ảnh: Facebook nhân vật). |
Sau chuyến khảo sát của Viện Thiết kế tàu quân sự, tàu ngầm Trường Sa 01 tiếp tục được Viện Kỹ thuật hải quân hỗ trợ đưa ra biển để thử nghiệm. Tại môi trường biển, con tàu đã bộc lộ rõ những vấn đề như dễ mắc cạn, khó điều khiển khi gặp dòng hải lưu...
Thừa nhận những khiếm khuyết từ phiên bản đầu tiên, ông Hòa đã nung nấu và cho ra đời chiếc tàu ngầm thứ 2 có tên Hoàng Sa với nhiều cải tiến. Trong đó, tàu được bổ sung hệ thống vít và trục xoắn ở dưới bụng để vượt qua bùn, bãi cạn.
Tàu ngầm Hoàng Sa sau đó cũng được đưa ra biển thử nghiệm và đạt thành công nhất định. Tuy nhiên, ông Hòa tuyên bố tàu Hoàng Sa chỉ là bước đệm để ông phát triển lên phiên bản tàu ngầm tiếp theo có tên Trường Sa 02.
Trường Sa 02 là phiên bản tàu ngầm có nhiều cải tiến như việc loại bỏ hoàn toàn động cơ đốt trong để thay thế bằng động cơ điện; có thêm các thiết bị vô tuyến, siêu âm, định hướng...
Tàu ngầm Trường Sa 02 được ông Hòa chế tạo từ năm 2019, đến cuối năm 2021 thì cơ bản hoàn thiện sau khi nhận được nguồn quyên góp, trợ giúp từ người ủng hộ trên cả nước. Tuy nhiên, con tàu mới chỉ được thử nghiệm trong bể chứa, chưa được đưa ra biển như 2 phiên bản trước đó.
![]() |
Hình ảnh tàu ngầm Trường Sa 02 xuất hiện trong bài đăng của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Ảnh chụp màn hình). |
Bày tỏ trân trọng tâm huyết cá nhân của ông Hòa, nhưng Đại tá Lương Lục Quỳnh khẳng định với quy mô dự án như vậy, khả quan nhất là ông Hòa tạo ra được một loại tàu lặn phục vụ tham quan du lịch hoặc khảo sát.
"Còn việc tạo ra một tàu ngầm chiến đấu để quân đội sử dụng thì quá xa vời", Đại tá Quỳnh chia sẻ.
Lý giải thêm, ông Quỳnh cho biết việc chế tạo, sản xuất các loại tàu lặn với kích cỡ như ông Hòa đang nghiên cứu hoàn toàn nằm trong khả năng của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Vấn đề là thực tiễn chiến trường có cần những sản phẩm như vậy hay không, nếu không cần thì không có lý do gì để sản xuất.
"Bộ Quốc phòng đã có hướng nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm và đã có những nguyên mẫu để sản xuất. Thông tin chưa thể tiết lộ nhưng có một điều chắc chắn là phiên bản tàu ngầm mà quân đội định hướng chế tạo còn vượt xa các phiên bản của ông Hòa", lãnh đạo Viện Thiết kế tàu quân sự chia sẻ.
Theo Dân trí
-
70 năm Không quân Nhân dân Việt Nam: Vinh quang và sứ mệnh bảo vệ bầu trời Tổ quốc
-
Thủ tướng bổ nhiệm lại nhân sự Bộ Quốc phòng
-
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam kiểm tra, chúc tết Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3
-
Bổ nhiệm nhân sự Quân khu 2, Bộ Quốc phòng
-
Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm nhân sự Bộ Quốc phòng
-
Cháy rừng tại Kim Bảng (Hà Nam) không ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải điện quốc gia
-
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước để phát điện
-
Giá phát điện tối đa cho nhiệt điện than năm 2025
-
Khung giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam giai đoạn 2025-2030
-
Sàn giao dịch carbon - Động lực mới cho doanh nghiệp phát triển xanh bền vững