Đồng minh Pháp - Mỹ rạn nứt, Trung Quốc có thể "ngư ông đắc lợi"?

13:54 | 19/09/2021

110 lượt xem
|
Trung Quốc có thể tranh thủ cải thiện quan hệ với châu Âu trong bối cảnh đồng minh Pháp - Mỹ đang rạn nứt vì thỏa thuận lịch sử với Australia.
Đồng minh Pháp - Mỹ rạn nứt, Trung Quốc có thể ngư ông đắc lợi? - 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) trong lễ công bố thỏa thuận AUKUS. Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson tham dự sự kiện trực tuyến (Ảnh: AFP).

Giới quan sát ngoại giao Trung Quốc cho biết, sự rạn nứt chưa từng có giữa Mỹ và Pháp về liên minh ba bên mới gồm Mỹ, Anh và Australia đặt ra câu hỏi về cam kết của Washington đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương và có thể tạo cơ hội cho Bắc Kinh cải thiện quan hệ với châu Âu.

Pháp, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, đã triệu hồi đại sứ của nước này tại Washington và Canberra để tham vấn ngay sau khi Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận an ninh lịch sử mới với tên gọi AUKUS. Đây được cho là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Pháp có động thái gay gắt như vậy.

Thỏa thuận AUKUS sẽ cung cấp cho Australia công nghệ chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, được cho là nhằm giúp đối phó với tầm ảnh hưởng và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khi tham gia AUKUS, Australia sẽ phải hủy thỏa thuận đóng 12 tàu ngầm truyền thống ước tính 65 tỷ USD với Pháp, thay vào đó đạt thỏa thuận mới với Mỹ và Anh về tàu ngầm hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án thỏa thuận AUKUS mới là mối đe dọa đối với hòa bình trong khu vực, đồng thời cho biết Bắc Kinh sẽ "theo dõi chặt chẽ" tình hình.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington kêu gọi các quốc gia tham gia thỏa thuận AUKUS "loại bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến ý thức hệ". Cơ quan ngoại giao Trung Quốc cho rằng các nước "không nên thiết lập nên các khối nhằm mục tiêu hoặc gây tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba".

Cơ hội cho Trung Quốc?

Đồng minh Pháp - Mỹ rạn nứt, Trung Quốc có thể ngư ông đắc lợi? - 2
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Paris năm 2019 (Ảnh: New York Times).

Giới quan sát ở Trung Quốc cho rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp và Mỹ, mà Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian mô tả là "một cú đâm sau lưng", có thể là cơ hội để Bắc Kinh cải thiện quan hệ với châu Âu. Châu Âu từ trước đến nay vẫn muốn duy trì lập trường tự chủ chiến lược và tránh chọn bên trong cuộc cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ.

"Ở một mức độ nào đó, thỏa thuận này làm giảm độ tin cậy trong cam kết hợp tác của Mỹ với các đồng minh châu Âu và mở ra cơ hội cho Trung Quốc để phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với châu Âu", Ding Yifan, cựu Phó Giám đốc Viện Phát triển Thế giới thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Quốc Vụ viện Trung Quốc, nhận định.

Chuyên gia Ding cho rằng, việc Pháp bị mất "hợp đồng thế kỷ" vào tay Mỹ được cho là đòn giáng cho niềm tin của châu Âu vào Washington, với tư cách là đồng minh đáng tin cậy. Niềm tin này vốn đã lung lay sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cách đây một tháng.

Trong nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ với Pháp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Nhà Trắng hy vọng sẽ "tiếp tục thảo luận với giới chức Pháp về vấn đề này ở cấp cao trong những ngày tới".

Theo Wang Yiwei, chuyên gia về các vấn đề châu Âu tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, mặc dù Pháp có những lợi ích riêng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhờ mạng lưới lãnh thổ hải ngoại rộng lớn, nhưng Washington vẫn đứng về phía Australia khi nhấn mạnh rằng khu vực các nước nói tiếng Anh sẽ được ưu tiên hơn so với liên minh xuyên Đại Tây Dương trong việc đối phó với Trung Quốc.

"Tổng thống Biden cho biết Mỹ đã trở lại, nhưng lợi ích của Mỹ vẫn là ưu tiên", chuyên gia Wang nói.

Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu gồm 27 thành viên đã xuống mức thấp trong những tháng gần đây sau khi hai bên xung đột về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, dẫn đến việc Nghị viện châu Âu đình chỉ phê chuẩn một thỏa thuận đầu tư, cùng với đó là căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Lithuania về Đài Loan.

Tuy nhiên, theo Ding Chun, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, không giống như Mỹ, nước đã xác định rõ Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình, chiến lược của EU về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho biết việc hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học là "điều cần thiết".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người ủng hộ mạnh mẽ quyền tự chủ chiến lược của châu Âu. Hồi tháng 2, ông Macron từng nói rằng EU không nên đứng về phía Washington chống lại Bắc Kinh, mặc dù khối này chia sẻ các giá trị với Mỹ.

"Mặc dù Mỹ đã thành công trong việc lôi kéo Australia vào thời điểm này, nhưng họ đã đẩy Pháp và các đồng minh châu Âu ra xa hơn. Theo một nghĩa nào đó, Mỹ không quan tâm nhiều đến lợi ích của các đồng minh. Điều này có thể dẫn đến quyền tự chủ chiến lược hơn nữa cho châu Âu", chuyên gia Ding nhận định.

Tuy nhiên, các nhà quan sát đồng ý rằng sẽ không dễ dàng để Bắc Kinh có thể tận dụng lợi thế trong căng thẳng Pháp - Mỹ.

Pháp đã tăng cường sự hiện diện của nước này ở Biển Đông trong năm qua, thực hiện các cuộc tuần tra ở vùng biển này hồi tháng 2 và cùng với quân đội Mỹ, Nhật Bản tham gia một cuộc tập trận chung hồi tháng 5.

Vào thời điểm đó, Arnaud Tranchant, chỉ huy chiến hạm Tonnerre, một trong những tàu đi qua Biển Đông, từng tuyên bố rằng Pháp sẽ "tăng cường" quan hệ đối tác với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, hay còn gọi là nhóm "Bộ Tứ". Bắc Kinh coi "Bộ Tứ" là một phần của nỗ lực chung nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Shi Yinhong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói rằng mặc dù Pháp đang bất mãn với Mỹ, và điều này có thể mở ra một số cơ hội cho các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Paris, nhưng "Pháp vốn đã hoạt động tích cực ở Ấn Độ Dương về mặt chiến lược quân sự".

"Trong mọi trường hợp, ngay cả khi Pháp đạt được thỏa thuận (tàu ngầm với Australia), khả năng răn đe chiến lược của Australia đối với Trung Quốc vẫn sẽ được cải thiện đáng kể ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Biển Đông", chuyên gia Yinhong nhận định.

Theo Dân trí

Tác động trái chiều từ kinh tế Trung QuốcTác động trái chiều từ kinh tế Trung Quốc
"Bom nợ" 300 tỷ USD của ông lớn địa ốc Trung Quốc sắp nổ, ai bị ảnh hưởng?
Tin tức kinh tế ngày 18/9: Philippines, Trung Quốc tăng mua gạo Việt NamTin tức kinh tế ngày 18/9: Philippines, Trung Quốc tăng mua gạo Việt Nam
Các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc đang đối mặt với quá trình chuyển đổi năng lượngCác công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc đang đối mặt với quá trình chuyển đổi năng lượng
Giới kinh doanh bất ngờ với chủng loại dầu thô bán ra từ kho dự trữ chiến lược của Trung QuốcGiới kinh doanh bất ngờ với chủng loại dầu thô bán ra từ kho dự trữ chiến lược của Trung Quốc
Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long tại cầu phao tạm Đông HưngTrung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long tại cầu phao tạm Đông Hưng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc