Dòng Đăk Bla đang hấp hối

06:50 | 11/06/2020

845 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dòng sông Đăk Bla mang biết bao huyền thoại và cả những câu chuyện tình đẫm nước mắt. Nhưng tiếc thay, mấy năm gần đây, dòng sông đang lịm dần giữa mùa nước cạn.

Chuyện tình đẫm nước mắt

Dòng sông Đăk Bla như dải lụa vắt qua Kon Tum, được hợp lưu bởi nguồn nước từ các con suối và 3 nhánh sông nhỏ là Đăk A Kôi, Đăk Snghé và Đăk Pne bắt nguồn từ dãy Ngọc Linh hùng vĩ và chảy ngược về phía tây trước khi gặp sông Krông Pô Cô, nhập thành sông Sê San, chảy qua đập Thủy điện Yaly rồi sang lãnh thổ Campuchia để hòa vào dòng Mê Kông.

dong dak bla dang hap hoi
Mùa khô, dòng sông oằn mình cạn kiệt, những bãi bồi nổi lên giữa sông để người dân trồng cấy

Già A Xép - già làng của Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) kể rằng, người của các làng Bana và Jrai hai bên sông Đăk Bla lưu truyền câu chuyện tình diễm lệ nhưng đầy xót xa. Nhiều đời trước, những người Jrai và Bana đầu tiên đến bên dòng Đăk Bla dựng buôn, lập làng. Người Jrai lập làng bên hữu ngạn, phía thượng lưu. Người Bana lập làng bên tả ngạn, phía hạ lưu. Hai bộ tộc sống chan hòa, yêu thương nhau giữa núi rừng hùng vĩ. Một ngày, chiến tranh nổ ra khắp Tây Nguyên, người làng Jrai và người làng Bana trở nên thù địch, đánh nhau thường xuyên.

dong dak bla dang hap hoi

Nhưng, một chàng trai Jrai đem lòng yêu thương cô gái Bana. Không được buôn làng chấp nhận, tuyệt vọng, họ hẹn nhau một đêm sáng trăng ra sông Đăk Bla tự sát, chết bên nhau, qua đó hóa giải thù hận giữa 2 buôn làng. Ngày hẹn, đôi trai gái tự lao xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Dòng sông như hiểu được nỗi lòng của đôi trai gái ấy, đã gầm lên những tiếng giận dữ báo hiệu cho hai làng. Đến lúc biết sự thật, người dân hai làng đều hối hận vì sự thù hận đã khiến cho đôi uyên ương phải chết tức tưởi. Cảm động trước tình yêu đó, hai làng quyết định gạt bỏ quá khứ, kết nghĩa anh em, sống lại những ngày tháng yên lành. Người làng này làm nương bên kia sông, người làng ở bên kia sông đi đánh cá áp mạn làng này. Những sản vật được mang ra trao đổi. Những đêm trăng, trai gái các làng lại hò hẹn, lại có những mối duyên nối giữa các làng với nhau để chinh chiêng rộn lên cả một vùng sông lớn...

dong dak bla dang hap hoi
Những đứa trẻ tắm bên dòng sông mùa khô

Năm 1994, cầu Kon Klor “chào đời” đã “đánh thức” các làng hai bờ Đăk Bla, tạo giao thương thuận tiện, người dân cũng nhờ đó no đủ. Cầu Kon Klor đã bắt nhịp đôi bờ đưa mọi người đến gần nhau hơn và chiếc cầu được đưa vào sử dụng cũng chấm dứt những chuyến đò ngang bằng thuyền độc mộc như những chiếc lá rừng lênh đênh trên sông tự bao đời.

Dòng sông đang... hấp hối

Bây giờ đang là cuối mùa khô ở Tây Nguyên, con sông Đăk Bla đang lặng lẽ trở mình. Nhiều người đi trên cầu Đăk Bla khi nhìn xuống dòng sông chỉ còn thấy những cồn cát trắng, dòng sông hùng vĩ chỉ như những con lạch nhỏ. Dòng Đăk Bla chảy lặng lẽ, kiệt quệ nguồn nước và đầy xót xa.

dong dak bla dang hap hoi
Ngày ngày, người làng chèo thuyền độc mộc qua sông làm rẫy

Đầu nguồn sông, người ta đã xây dựng Nhà máy Thủy điện thượng Kon Tum. Thủy điện thượng Kon Tum là dự án bậc một trên hệ thống bậc thang Thủy điện sông Sê San, do Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư. Để có nước chạy máy phát điện, nguồn nước của con sông đã bị chặn lại. Thêm vào đó, thời tiết những năm gần đây khắc nghiệt hơn, lượng mưa ít hơn, trữ lượng nước ngầm suy giảm đáng kể. Cách đây hơn 10 năm, khi phối hợp nghiên cứu bước đầu về tác động của Nhà máy Thủy điện thượng Kon Tum, cả Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum, Viện Tư vấn phát triển (CODE) đều đưa ra các đánh giá về những tác động bất lợi đối với khả năng phòng hộ đầu nguồn, điều tiết nước cho khu vực hạ lưu...

Thực tế, với thiết kế của Nhà máy Thủy điện thượng Kon Tum, lượng nước sử dụng phát điện xấp xỉ 30 m3/giây, gần gấp đôi lượng nước trung bình năm và gần gấp ba lần lượng nước trung bình nhỏ nhất vào mùa kiệt ở sông Đắk Snghé, dẫn đến khúc sông dài 30-35km về phía hạ lưu của sông này sẽ bị cạn kiệt hoàn toàn.

Một con sông khi chặn dòng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, huống chi là chuyển cả nguồn nước đi nơi khác. Vài năm gần đây, nhất là vào mùa khô, sông Đăk Bla và các dòng suối ở Kon Tum cạn kiệt bất thường. Khi Nhà máy Thủy điện thượng Kon Tum tích nước và chuyển dòng, phía hạ lưu sông Đăk Snghé và Đăk Bla bị mất 50-60% lượng nước, khiến dòng sông Đăk Bla chỉ còn là những vết tích của dĩ vãng...

dong dak bla dang hap hoi
Cầu treo Kon Klor nối hai bờ Đăk Bla, nay là điểm đến của nhiều người

Chiều cuối mùa khô, già A Xép ngồi bên bờ sông, lòng sông Đăk Bla đã thu hẹp lại, lững lờ chầm chậm trôi. Những con thuyền độc mộc nằm gác mái chèo lên nhau, phù sa của dòng sông đã không còn. Phù sa là quà quý được chắt ra từ đất, từ rừng, được dòng sông hiến dâng cho con người một nguồn sống trù phú và khỏe khoắn từ bao đời, giờ đây đã không còn nữa.

Trong câu chuyện của mình, già A Xép không nói điều đó, nhưng trong ánh mắt của già và lời thì thầm đau đớn của dòng sông đã cho nhiều người một cảm xúc xót xa vô cùng.

Sông Đăk Bla như một đặc ân của thiên nhiên dành riêng cho những ngôi làng Bana, Jrai, nuôi sống bao người con Bana, Jrai, Xê Đăng... Sông Đăk Bla chứng kiến bao nhiêu vòng đời, bao nhiêu buồn vui của con người con nơi đây. Đăk Bla không chỉ là niềm tự hào của bao thế hệ, là nỗi thương nhớ của người dân Kon Tum tha phương. Nhưng bây giờ, dòng Đăk Bla đang hấp hối. Buồn thay!

Minh Ngọc - Đinh Dũng