Đổi đời trên một vùng chân sóng

07:00 | 20/07/2014

793 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 20 năm trước vùng chân sóng xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa là một khu đồng chua nước mặn, không biết trồng cây gì, nuôi con gì để kiếm sống, đời sống của người dân nơi đây vốn đã khó khăn lại khốn khó hơn. Nhưng với tinh thần dám nghĩ dám làm của cựu chiến binh Trương Bá Tiện, tiềm năng của khu đồng chua nước mặn đã được đánh thức, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho bà con nơi đây. Nhưng đến nay trong ông vẫn nặng một nỗi buồn…

Năng lượng Mới số 335

Mô hình “cây đước rước con tôm”

Rời quân ngũ được một thời gian ngắn, đã thấy ông quần xắn quá gối lội khắp cả khu đồng chua nước mặn ở vùng chân sóng. Hôm sau ông đã có mặt ở trụ sở ủy ban nhân dân xã. Gương mặt ông Trương Bá Tiện sung sướng lắm, quê hương là “chùm khế ngọt” mà. Ông đưa cho UBND xã mấy bản tờ trình xin cấp đất trên đồng đất hoang hóa bấy lâu nay. Mấy ông lãnh đạo lật đi lật lại, ngạc nhiên, ai cũng hỏi: “Mới về, nghỉ ngơi cái đã, sao hăng hái thế!”. Nhìn khu đồng chua, nước mặn ở vùng chân sóng có nhiều người bàn lui và cả vợ cùng ba đứa con trai của ông bảo: “Chỉ công dã tràng thôi!”. Nhưng việc đã quyết thì không ai cản được nữa

Được cấp ủy, chính quyền xã, trên huyện ủng hộ, tờ trình của ông đã được thông qua chóng vánh. Năm 1993, theo Quyết định 1693/QĐ/UBNDTG ngày 4/1/1993 do Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ký, giao quyền quản lý sử dụng 200ha đất bãi bồi vùng triều lạch Bạng cho ông Trương Bá Tiện sử dụng mục đích trồng rừng 195ha và đất lập vườn ươm 5ha, hạn mức sử dụng 50 năm thực thi Dự án 327. Ông Tiện còn nhận của thôn Vạn Xuân 8,7ha theo Quyết định 01QĐ/UBNDXL do Chủ tịch xã Xuân Lâm ký, giao quyền sử dụng đất 8,7ha mục đích nuôi trồng thủy sản Dự án 327 (hạn mức 20 năm). Ông chủ tịch xã khen: “Đúng là chất lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Ông cứ làm đầu tàu cho bà con trong xã noi theo”.

Biết vợ con không ủng hộ, ông Tiện thuê nhân công đào hồ với quy mô lớn (sâu 2-3m) để nuôi tôm, nuôi cá. Vụ thứ nhất được mùa, đủ tiền chi trả nhân công, cả nhà vui lắm. Vụ thứ hai, gặp mưa bão nước tràn bờ, tôm cá đi hết. Chẳng chùn chân, mỏi gối, ông bỏ tiền mua  giống thả tiếp. Tôm, cá lại bị bệnh và chết hết. Vụ thứ ba vỡ kè, lỗ trắng tay. Mấy chục triệu đồng phụ cấp bỏ ra xây kè đắp đập, rồi cả hàng trăm triệu đồng tiền giống, trồng cây nước mặn thế là trôi ra biển hết. Vợ khóc, ba thằng con trai nản chí. Một thằng con bỏ quê đi sinh cơ lập nghiệp nơi đất khách quê người. Ông Tiện nằm liệt giường đến ba ngày không buồn ngóc đầu dậy.

Mô hình "Cây đước rước con Tôm"

Trong lúc mọi khó khăn đổ dồn lên đầu ông, thì ông được một người bạn ở Bộ Nông nghiệp về hưu chỉ ông ra Hà Nội, vào Viện Kinh tế sinh thái Trung ương nhờ Viện này giúp đỡ. Người bạn cho ông biết thêm: Viện Kinh tế sinh thái Trung ương đã từng giúp xây dựng nhiều mô hình trang trại VACR (vườn, ao chuồng, rừng)  thành công ở các tỉnh trên cả nước. Ông liền cất công ra Hà Nội vào Viện sinh thái ngay. Nắm bắt được nội tình trên đồng đất chua mặn ở Tĩnh Gia; TS Nguyễn Văn Trương, Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái (KTST) Trung ương cho ông Tiện biết là viện có nhiều kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản  ở các vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn…Viện sẵn sàng giúp đỡ. Như chết đuối vớ được cọc vậy, ông mừng khôn xiết.

Được sự giúp đỡ tận tình của Viện Kinh tế sinh thái Trung ương, trực tiếp là đồng chí Viện trưởng, khu đồng chua mặn của ông Tiện đã ứng dụng mô hình “rừng triều ngập mặn”. Đây là mô hình nuôi tôm phải có cây, có rừng để có chỗ cho tôm sinh đẻ, trú ẩn. Như trước đây không có cây, không có rừng, tôm theo thủy triều vào đẻ rồi lại theo con nước đi ra biển hết. Nuôi ở hồ, nước tràn bờ là tôm đi, nước cạn là tôm chết. Nóng quá, tôm không sống nổi, lạnh quá hoặc rét đột ngột tôm sẽ chết. Thế  là sau một thời gian ngắn trên đồng đất của ông canh tác đã xuất hiện cây vẹt, cây sú, cây mắm đã mọc lúp xúp trên mặt nước. Dưới đáy hồ những chùm rễ cây chằng chịt cho từng đàn tôm, cua cáy đua nhau kiếm mồi, sinh nở…Vụ đầu trên đồng đất mô hình “rừng triều ngập mặn” của ông mang lại khoản thu nhập lớn, đời sống gia đình được cải thiện. 

Nhưng với cây sú, cây vẹt, cây mắm không đủ sức bền để giữ đất, giữ tôm, cua trước những cơn sóng triều cường trong mùa giông bão. Ông Tiện xin ý kiến chỉ đạo của Viện KTST. Các nhà khoa học của Viện chỉ dẫn ông thử nghiệm trồng cây đước miền Nam. Có lúc ông nghĩ xa, nghĩ gần. Rồi ông lại nghĩ: “Bao nhiêu công sức với hàng tỉ đồng đầu tư gây dựng, bây giờ để đổ xuống biển sao?”. Vài ngày sau, trên lưng với chiếc balô quen thuộc trong những năm đánh giặc, ông lại lên đường vào Nam tìm cây đước. Những ngày đến với bà con cô bác huyện Cần Giờ, ông cảm thấy trong mình nhẹ nhõm khi được tận mắt thấy những cây Đước cành lá xòe ra trên mặt nước với những chùm rễ bện chặt với vùng chân sóng. Ông học hỏi cặn kẽ từ cách chọn giống, cách trồng đến cách chăm sóc cây Đước… Ông  mua thêm 500.000 đồng hạt giống và còn được bà con cô bác đóng bao mấy chục cây tặng và tiễn ra tận bến xe, mong sao cây đước miền Nam bện chặt với vùng chân sóng đất Bắc. 

Ông Trương Bá Tiện, người gây dựng mô hình "Cây đước rước con tôm"

Gần 20 năm (1993-2013)  đánh vật với vùng chân sóng, cây đước Nam Bộ đã giúp ông chống  được xói mòn đất bồi vùng triều ngập mặn gần 200ha. Năm 1993-1996 ông Tiện mới thực sự thành công mô hình “Cây đước rước con tôm” trên diện tích 8,7ha. Cây đước lên xanh ôm lấy mặt hồ. Còn con tôm đã mang lợi lại cho ông đến hàng trăm triệu đồng. Vừa trồng đước, ông vừa nuôi tôm, mô hình “Cây đước rước con tôm” trên diện tích 20ha thành công trên đất Xuân Lâm (Tĩnh Gia), tỉnh Thanh Hóa. 

Chỉ được sử dụng quản lý 3 năm/20năm theo Quyết định 01 QĐ/UBNDXL ngày 31/12/1993, do Chủ tịch xã Xuân Lâm ký giao quyền sử dụng đất 8.7ha mục đích nuôi trồng thủy sản Dự án 327 (hạn mức 20 năm); năm 1997, ông Tiện phải giao lại  20ha (8,7ha đất nội đê và 11,3ha đất ngoại đê) cho Phân viện KTST miền Trung tại Thanh Hóa sử dụng để nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn tại xã Xuân Lâm theo Quyết định số 1651 NN/UBTH ngày 12/9/1996, do Chủ tịch UBND tỉnh ký sử dụng  20 năm. Mặc dù chỉ được sử dụng 20ha trong thời gian ngắn ngủi như vậy, nhưng ông Tiện coi đây là điều kiện, điểm nhấn thuận lợi cho ông và bà con trên địa bàn thực thị dự án bền vững trên gần 200ha đất vùng chân sóng.

Sau thời gian tiếp quản, thực hiện trên 20ha ông Tiện bàn giao, Phân viện KTST, miền Trung đã nhìn nhận, đánh giá cao vai trò dám nghĩ, dám làm của ông Trương Bá Tiện. Trong Công văn số 38/KTST của Viện KTST Trung ương gửi UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 15/5/2013: “Ông Trương Bá Tiện và gia đình là người đã biết vì công việc phục hồi sinh thái vùng Triều Lạch Bạng mà hy sinh lợi ích cá nhân trong thời gian thực hiện dự án. Chúng tôi ghi nhận sự đóng góp đầy ý nghĩa này, xin cảm ơn gia đình ông”. 

Tâm sự với tôi, ông Tiện không giấu nổi xúc động:

- Bà con thường nhìn vào đôi tay mình làm nhiều hơn cái miệng mình nói, điều đó đã cuốn hút bà con trong làng trong xã. Tôi tiến hành giao đất cho các hộ trồng đước. Hộ ít lao động thì giao 1-2ha, hộ nhiều lao động 3-4ha. Ai cũng vui nhận đất trồng cây đước, chăm cây đước phát triển, vốn đã có ông lo. Các hộ nuôi tôm trên diện tích trồng đước được giao rồi thu hoạch, bán lại cho ông. Bà con nhận trồng đước có hai cái lợi: trồng đước dưới sự bảo trợ của ông và tận dụng trên diện tích đó mà nuôi trồng thủy sản. Thủy sản thu được như con tôm, con cá, con cua… ông đảm nhận việc tiêu thụ. Trên diện tích 195ha, được quy hoạch thành trang trại lớn nông lâm sản, nuôi giống thủy sản, trồng rừng chống xói mòn giữ đất. Sản phẩm của ông phát triển cung ứng kịp thời cho cư dân ở vùng chân sóng nhân rộng mô hình của ông phát triển sản xuất nông lâm, ngư nghiệp… Cây đước mọc thành rừng đến gần phố huyện đến cầu Hổ, cầu Lau (Hoàng Mai)… Ông Tiện nắm chặt tay tôi tự tin: “Đảng vạch cho ta hướng đi; Đảng chỉ cho ta cách làm; đó là vốn quý để tôi  bắt tay vào nhiệm vụ không quản khó khăn, vất vả”.

Đi trong rừng đước xanh đến mướt mắt, ông Tiện không giấu nổi niềm hứng khởi: “Công mình bỏ ra không uổng. Dự án du lịch sinh thái đang ở giai đoạn tiền khả thi. Tôi ước tính chỉ vài năm nữa thôi, được phép của các cấp ủy chính quyền, tôi sẽ liên doanh với nước ngoài để gây dựng khu du lịch sinh thái trong rừng đước rộng gần 200ha này.

Thu hồi 20ha đất nhưng không được bồi thường thiệt hại

Hiện mô hình “Cây đước rước con tôm” của ông Tiện đang phát triển mạnh. Trên diện tích gần 200ha ở vùng chân sóng. Ông Tiện đã quy hoạch thành một vùng trang trại lớn nông, lâm, thủy sản: vừa nuôi các giống thủy sản, vừa trồng rừng chống xói mòn đất ở vùng chân sóng.

Ông Tiện cho biết: “Điều khiến tôi rất bất ngờ theo Công văn số 253/UBNN của UBND tỉnh Thanh Hóa do Phó chủ tịch UBND tỉnh ông Lôi Văn Len ký về việc kiểm tra sử dụng đất 20ha do Phân viện Kinh tế sinh thái miền Trung trồng rừng ngập mặn. Trong đó có đoạn nêu rõ: “UBND tỉnh nhận được Công văn 02TT/UB ngày 10/1/2003 của Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm đề nghị thu hồi đất Phân viện Kinh tế sinh thái miền Trung giao lại cho xã Xuân Lâm với lý do: ông Trương Bá Tiện vi phạm hợp đồng nhận thầu đất, sử dụng không hiệu quả, thua lỗ nhiều và không trả được nợ nhận thầu đất cho địa phương…”.

Nội dung được trích trên đây nghe thật lạ tai mà có thật, bản thân tôi đau lòng lắm: “…ông Trương Bá  Tiện vi phạm hợp đồng chứ không phải Phân viện Kinh tế sinh thái miền Trung (cơ quan chủ sở hữu 20ha đất) đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo”. Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết trên diện tích 20ha đó gồm: gồm 11,3ha trích từ 200ha đất bãi bồi vùng triều Lạch Bạng mà ông Tiện được UBND  huyện Tĩnh Gia giao quyền sử dụng đất cho  ông Trương Bá Tiện  theo Quyết số 1693 QĐ/UBNDTG ngày 4/1/1993, do ông Chủ tịch huyện Tĩnh Gia ký; sử dụng mục đích trong đó 195ha trồng rừng và 5ha đất vườn ươm thực thi Dự án 327. Hạn mức sử dụng 50 năm. Ông Tiện còn được UBND xã Xuân Lâm giao quyền sử dụng thêm 8,7ha đất mục đích nuôi trồng thủy sản, theo Dự án 327 (hạn mức 20 năm 1993 - 2013) theo Quyết định số 01 QĐ/UBNDXL ngày 31/12/1993, do Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm ký.

Nhưng đến năm 1996, theo Quyết định số 1651 NN/UBTH ngày 12/9/1996 do chủ tịch UBND tỉnh ký trích trên diện tích trồng rừng ngập mặn của ông Tiện phải giao đất cho phân viện KTST miền Trung mượn sử dụng trồng rừng 20ha; gồm 8,7ha đất nội đê và 11,3ha đất ngoại đê (20 năm). Như vậy hợp đồng quyền sử dụng đất của ông Tiện 20ha đất với xã Xuân Lâm chỉ trong 3 năm/20 năm  tính đến tháng 12/1996 mà thôi. Trong suốt 3 năm (1993-1996) ông đã thực hiện tốt nghĩa vụ đóng thuế của mình đối với xã, với thôn. Căn cứ theo bản kết luận của UBND huyện Tĩnh Gia ngày 28/1/1999: ông Trương Bá Tiện đã tiến hành đối chiếu công nợ theo số liệu hồ sơ của kế toán và chủ tài khoản của thôn Vạn Xuân qua hai nhiệm kỳ.

Khi chúng tôi đối chiếu Công văn số1290 CTTTHT của Cục thuế Thanh Hóa về chính sách thu tiền thuế đất trên diện tích 20ha (8,7ha đất nội đê và 11,3ha đất ngoại đê) thực hiện làm vườn ươm theo Quyết định1651/QĐ/NN-UBTH ngày 12/9/1996 của UBND tỉnh Thanh Hóa, thì gia đình ông Tiện không thuộc đối tượng phải nộp thuế đất và không phải nộp bất cứ loại thuế nào liên quan đến diện tích đất được giao.

Nhưng vấn đề chúng tôi lưu tâm nhất, đó là đến năm 1996, theo Quyết định số 1651 QĐ/NN/UBTH ngày 12/9/1996 do Chủ tịch UBND tỉnh ký trích trên diện tích trồng rừng ngập mặn của ông Tiện phải giao đất cho phân viện Kinh tế sinh thái miền Trung mượn sử dụng trồng rừng 20ha; gồm 8,7ha đất nội đê và 11,3ha đất ngoại đê (20 năm). Như vậy hợp đồng quyền sử dụng đất của ông Tiện 20ha đất với xã Xuân Lâm chỉ trong 3 năm/20 năm tính đến 12/1996 mà thôi. Trên diện tích 20ha này ông Tiện và gia đình ba đứa con trai ông đã dày công, của gây dựng nên với hơn 3.800.000.000 đồng trong đó có 30 triệu đồng do Ban Dự án 327 phê duyệt cho vay và 30 triệu đồng ông vay từ ngân hàng. 3 năm (1993-1996) ông Tiện mới thực sự thành công mô hình “Cây đước rước con tôm” trên diện tích 8,7ha. Và chính trên diện tích 20ha này đã trói buộc ông, các con trai ông đánh vật với vùng chân sóng. Cây đước Nam Bộ đã giúp ông và các con ông cùng bà con trong làng, trong xã chống được xói mòn đất bồi vùng triều ngập mặn gần 200ha.

Nhưng niềm đam mê ấm ủ bao năm nay trong con tim ông không được trọn vẹn. Mặc dù ngày 15/5/2013, Viện Kinh tế sinh thái Trung ương đã có Công văn đề nghị UBND tỉnh trả lại gia đình ông Tiện 20ha (8,7ha nội đê và 11,3ha đất ngoại đê): sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản. Nhưng ngày 30/8/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi 20ha đất của Phân viện Kinh tế sinh thái miền Trung giao cho UBND xã Xuân Lâm quản lý.

Như vậy bao nhiêu công của bỏ ra trên 20ha đất để hình thành mô hình “Cây đước rước con tôm” ở vùng chân sóng tỉnh Thanh Hóa đến bao giờ mới được tỉnh và các cơ quan chức năng đền bù thiệt hại để làm vơi bớt nỗi trăn trở trong tim người cựu chiến binh già đã dày công với vùng chân sóng. Viện Kinh tế sinh thái miền Trung cũng chỉ là một đơn vị giúp tỉnh tư vấn, chuyển giao kỹ thuật trồng rừng mà thôi…

Thuận Thắng