Đời cát…

14:05 | 08/07/2012

635 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Cái nắng miền Trung như thiêu đốt những đôi chân trần chạy thoăn thoắt trên cát, đằng sau những bước chân ấy là những mảnh đời bất hạnh, là một cuộc đời gắn chặt vào cát.

Rong ruổi khắp các bãi cát nắng cháy da là những bước chân trần của những cô bé, cậu bé chừng 8 đến 14 tuổi chuyên cho thuê ván trượt cát. Các em không mấy khi mở miệng cười, thấy có khách là chạy theo mời mọc, khi vắng khách thì ngồi tụm lại dưới bóng những cây dương để tránh nắng. Một ngày làm việc trôi qua, đôi lúc về tay không vì vắng khách.

Chuẩn bị đường trượt cho khách

Xe chúng tôi vừa dừng lại dưới chân đồi cát Mũi Né, từ trong bóng mát của những tán cây dương, các em chạy ra mời “đi ván trượt đi chú”, “anh ơi, đi ván trượt đi”, “trượt vui lắm chị ơi”… Một nhóm trẻ em nhỏ nhắn đen nhẻm nhanh miệng mời khách. Tôi chọn một em nhỏ nhất nhóm, mặt khá lanh lợi nhưng thường xuyên dùng từ sai nghĩa, em hướng dẫn chúng tôi cách đi trên cát để không mỏi chân, để đi nhanh hơn.

Tuy nói nhiều nhưng em không một lần mở miệng cười. Hỏi tên, em nói “Trầm Tư”, “ai đặt cho em, ba hay mẹ?”, “em không có ba, tên là do mọi người gọi”, “nhà có anh hay em không?”, “có hai anh và em gái, hai anh đi khách Tây”… những câu đối thoại ngắn cứ kéo dài suốt buổi dạo chơi.

Công việc hằng ngày của trẻ em đồi cát

“Trầm Tư” là cái tên tự đặt, em sống trong gia đình có 4 anh em, không biết cha khi còn nhỏ, người mẹ chỉ ở nhà sống dựa vào đồng tiền của các con đi làm. “Có hôm em đi làm không có tiền, về nhà bị bà đó đánh, chửi là làm không có tiền thì đừng vác mặt về đây mà ăn”.

Một cậu bé hơn 9 tuổi, người nhỏ nhắn suốt ngày rong ruổi theo chân khách để mong kiếm được tiền sống qua ngày, “em ăn trưa ở đây, hôm nào có tiền thì ăn cơm, ít tiền thì ăn mì, còn không có tiền thì em phải nhịn đói” Trầm Tư buồn bã nói.

Việc cho thuê ván trượt không có tổ chức quản lý nên đôi lúc cũng thiệt thòi. “Có lần tụi em cho khách Tây thuê ván trượt, trượt xong chúng không trả tiền, tụi em ném cát vào người chúng, chúng còn đòi đánh chúng em” Trầm tư và các “đồng nghiệp” hào hứng kể.

Hướng dẫn khách trượt cát

Ở đây, hoàn cảnh các em cứ na ná nhau, cha đi biển, mẹ bán hàng rong nên cuộc sống cứ thế bám vào đồi cát mà sống. Những vùng đất bao quanh là cát, khô hạn quanh năm nên không có đất canh tác, không có khu công nghiệp, người dân sống dựa vào biển nhưng cũng không đủ ăn.

Các em không được đến trường, mỗi tuần có một thầy giáo mù tên Thiện từ TP HCM ra dạy tiếng anh để các em nói chuyện với khách, học điều hay lẽ phải ở đời, để các em không sa ngã vào những thói hư tật xấu.

“Là người có hoàn cảnh không may mắn nên tôi rất thông cảm sẻ chia và thương tụi nhỏ. Tôi đã nghĩ rất nhiều, bằng cách nào đó giúp những đứa trẻ này nên người. Phải cảm hóa được những tâm hồn trẻ thơ, hướng thiện cho chúng. Và tôi muốn chia sẻ những gì mình có với các em bằng cả tấm long”, thầy Thiện tâm sự.

Em như nhỏ bé giữa đồi cát mênh mông

Sau khi trượt cát chán chê, chúng tôi ngồi nghỉ dưới bóng đồi cát, trả mỗi ván trượt 20 nghìn, các em còn xin thêm tiền lẻ “bỏ vô túi cho hên”. Không quên lời cảm ơn, các em tiếp tục rong ruổi khắp đồi cát cùng những người khách mới. Rời bãi cát, tôi ngoảnh lại nhìn những bước chân nhỏ chạy trên đồi cát dưới cái nắng cứ vô tư đổ xuống, gió thổi nhẹ.

Chôn cả tuổi thơ vào đồi cát cháy

Và các em làm đồi cát thêm sinh động

Nghỉ trưa dưới những tán cây hiếm hoi

Mời khách...

Cùng khách tìm nơi trượt cao hơn

Khách mới...

Mời khách

Công việc của các em gắn liền với nắng, cát và gió biển

Bóng cây và những câu chuyện, chờ khách

Cát trải đầy dấu chân trẻ nghèo

Nguyễn Hiển