Doanh nhân phải là người quân tử

08:23 | 26/07/2011

1,406 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cái “đạo” Doanh nhân Quân tử, rất chú trọng đến phép xử thế ở đời. Doanh nhân cũng là con người bình thường, quân tử cũng là người bình bình thường thường, chỉ khác là họ tu dưỡng hơn người, chí khí hơn người mà thôi.

Do điều kiện công tác, ở góc độ của một người làm báo, tôi đã may mắn gặp được khá nhiều nhà quản lý, người lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nhân trong ngành Dầu khí. Thôi thúc tôi viết những dòng này chính là một cảm nhận, cảm nhận về phong phạm của người quân tử toát lên nơi những doanh nhân ấy.

Bởi đây là mục “Đàm luận” của bản báo, là nơi diễn đàn luôn mong đợi đăng tải những ý kiến trao đi đổi lại đa chiều về mọi khía cạnh của cuộc sống, vậy nên có điều gì mạo muội, hẳn bạn đọc sẽ rộng lòng thể tất.

Được biết, cho đến nay việc xác định một định nghĩa chuẩn về doanh nhân ở ta vẫn là một đề tài khá mới mẻ, đang còn nhiều tranh luận, thậm chí, nhiều nhà nghiên cứu còn đang dày công tìm hiểu, phân định đánh giá và nhận diện về đội ngũ này. Những năm gần đây, “giám đốc” ở ta mọc lên như nấm sau mưa. Theo số liệu mới nhất, Việt Nam hiện có khoảng 540 ngàn doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp ít nhất cũng có vài vị được coi là doanh nhân thực thụ.

Ta hãy cứ tạm coi những người đang hàng ngày điều hành một doanh nghiệp, một số lượng tiền vốn, công cụ sản xuất, một quy mô trao đổi thương mại và có sử dụng một số lượng lớn hay nhỏ những người làm công thì người ấy là doanh nhân. Họ cống hiến toàn bộ con người mình cho sự nghiệp họ theo đuổi, họ yêu công việc bằng tất cả nhiệt huyết, họ thức dậy trước đồng hồ báo thức để háo hức đi làm, họ có thể quên cả ăn sáng, uống cà phê và đọc báo, quên chăm sóc bản thân mình… Đối với họ, tiền bạc không phải là tất cả, đôi khi tiền bạc chỉ là thước đo xem mức độ thành công.

Theo những quan niệm từ cổ chí kim, người quân tử là người sống cho những phần cao siêu nơi con người, trọng nghĩa, khinh lợi, có hoài bão cao đẹp, có phẩm cách cao thượng, chính khí hiên ngang, luôn luôn hướng thiện, cố gắng tích đức tu nghiệp, lo sao cho hoàn thiện bản thân mình. Người quân tử ham học hỏi, biết thức thời, nói ít làm nhiều, thương yêu giúp đỡ mọi người. Người quân tử có đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín mới đáng và mới thực sự là chính nhân quân tử. Khổng Tử cho rằng: “Người quân tử có ba điều lo nghĩ không thể không xét đến. Trẻ mà không học thì khi lớn lên không có tài năng gì. Già mà không chỉ dạy cho người, khi chết rồi không ai tưởng nghĩ đến mình. Khi giàu có mà không đem của giúp người thì lúc cùng quẫn không ai giúp mình”.

Ngày nay, những quan niệm chung nhất về bản lĩnh và tố chất của một doanh nhân chân chính có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều sách vở, giáo trình…, xin được tóm lược đôi điều như sau:

Một doanh nhân muốn thành công phải có tầm nhìn, có tham vọng xây dựng doanh nghiệp của mình lớn mạnh và trường tồn. Tham vọng của họ là tham vọng về một sự nghiệp, chứ không phải tham vọng về tài sản, địa vị hay danh vọng.

Một doanh nhân cần nuôi dưỡng ý chí phấn đấu một cách cần cù và khổ cực, nỗ lực không ngừng để vượt qua thách thức mà tiến lên, mà đạt được mục tiêu, không trông đợi vào may mắn hay phép màu nào.

Một doanh nhân cần phải có nhãn quan thực tế về con người, biết đào tạo và sử dụng tốt những nhân sự mà họ có được, biết chấp nhận cái mới, biết nhìn ra mặt mạnh của người khác và thấu hiểu các quan hệ con người và xã hội. Đã không tin thì không dùng, đã dùng người thì phải tin.

Như vậy, một doanh nhân nếu không có tài, có tâm, nếu không thực thụ là chính nhân quân tử thì khó có thể vượt qua được thử thách lớn nhất là chính mình để đạt được những “cảnh giới” nêu trên. Thiển nghĩ, “đạo” làm quân tử với “đạo” làm doanh nhân phải tương đồng là vậy.

Cũng cần phải nói rằng, trong xã hội ngày nay, quả là cũng không hiếm doanh nhân rởm và quân tử giả hay còn gọi là “ngụy quân tử”. Kẻ tiểu nhân ra mặt không đáng sợ, ngụy quân tử giấu mặt mới thực khó đề phòng. Họ tạo ra vỏ bọc đẹp đẽ tinh vi để che đậy những tham vọng, dã tâm, che đậy những hành vi xấu xa…, người đời thường chỉ nhận ra chân tướng khi đã bị họ ra tay tàn hại. Ngụy quân tử ở đời lại thường là những người có tri thức, có quyền lực, có tiền. Những “ngụy”chính khách, “ngụy” doanh nhân ấy có thể thao túng quyền lực, mua quan bán tước, khuynh đảo mọi giá trị…, và cái xấu, cái ác, sự dối trá được trợ giúp của những kẻ này mới thực sự là hiểm họa cho xã hội. Đối với những trường hợp này sẽ cần phải phải mở một đàm luận vào dịp khác.

Có lẽ, trong một chừng mực nào đó có phần khiên cưỡng khi cố ý ghép hai cái “đạo” làm người quân tử và “đạo” làm doanh nhân với nhau, nhưng như tôi đã trình bày ở trên, đây chỉ là cảm nhận của mình, ngõ hầu chia sẻ luận đàm cùng độc giả.

Trong cái “đạo” Doanh nhân – Quân tử, rất chú trọng đến phép xử thế ở đời. Doanh nhân cũng là con người bình thường, quân tử cũng là người bình bình thường thường, chỉ khác là họ tu dưỡng hơn người, chí khí hơn người mà thôi.

Có câu danh ngôn “kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên đôi vai người khác mà là kẻ đặt người khác lên đôi vai của mình”. Phải chăng thực là chí lý với hành xử của người quân tử?

Lại có câu tôi rất thích, từng đọc đã rất lâu, nay thử cố ý tra tìm trên mạng xem người ta lý giải thế nào mà không thấy ai đề cập, đó là câu “kẻ tiểu nhân trói người bằng dây thừng, người quân tử trói người bằng lời nói”. Phải chăng chỉ có những doanh nhân tài năng mới chỉ đạo, điều khiển được thuộc cấp bằng lời nói?

Trong ngành Dầu khí có một câu khẩu hiệu biểu tượng cho lòng tự trọng, đâu đâu cũng được nhắc đến: "Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm!”, câu khẩu hiệu này như một thử thách với mỗi doanh nhân lại như một lời hiệu triệu đối với cả tập thể hơn 40 ngàn con người, một đạo lý rất đời, rất thực cho những người quân tử.

Doanh nhân hay người quân tử cũng có thể sai lầm, thất bại. Nhưng nếu một doanh nhân chân chính quân tử, hẳn sẽ ít sai lầm và khó thất bại hơn. Ngay cả khi không được mãn ý trong cuộc đời, trong sự nghiệp, cái cách hóa giải của bậc hiền nhân quân tử cũng khác người, hoặc là ngẩng cao đầu để đi tiếp, hoặc là biết tự trấn an, tự bằng lòng với chính mình để “sinh ý bất thành nhân nghĩa tại”.

Để tạ lỗi cái luận đàm có phần còn trúc trắc này, xin được gửi đến những bạn đọc là doanh nhân, là người quân tử một vài đúc kết của người xưa, xem như giải tỏa nhẹ nhàng cho một chữ “tình” của họ:

Đắc chí thì gửi tình vào hùng tâm. Đắc thế thì gửi tình vào bá nghiệp. Thất vọng thì gửi tình vào sơn thuỷ. Thất ý thì gửi tình vào cầm ca.

Người Doanh nhân – Quân tử biết cương biết nhu, có thể nâng lên được, cũng có thể đặt xuống được… Đó chính là khí phách!

Nguyễn Tiến Dũng