Doanh nghiệp phá sản và giải thể: Vấn đề nằm ở đâu?

11:03 | 02/04/2012

686 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Vì sao hàng loạt doanh nghiệp (DN) giải thể hoặc đăng ký ngừng hoạt động,… là một trong những vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội thời gian qua.

Vốn không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới tình trạng DN phá sản, giải thể,...

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ tại phiên họp báo thường kỳ tháng 3/2012 cho thấy, trong quý I, có 2.200 DN đã làm thủ tục giải thể và có trên 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế. Trong khi đó, số DN thành lập mới là trên 15.300 DN.

Nhìn nhận về hiện tượng này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: Đó là một thực tế mà chúng ta phải đối mặt và nó phản ánh một thực trạng là sản xuất có khó khăn, đặc biệt là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Ở ViệtNam, quan niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có khác so với các nước. Thực ra, ở chúng ta phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Lý giải cho hiện tượng trên, người phát ngôn Chính phủ cho biết, vấn đề này có liên quan đến tốc độ tăng trưởng và thậm chí là tốc độ tăng trưởng tín dụng còn ở mức âm. Nhiều DN không tiếp cận được đến vốn vay ngân hàng một phần vì do lãi suất cao, nhưng còn có phần thuộc về bản thân doanh nghiệp.

Bộ trưởng nhìn nhận, trong nền kinh tế thị trường, việc các nhà kinh doanh lập các DN, đăng ký mới cũng như đóng cửa sản xuất là chuyện bình thường. Số lượng các doanh nghiệp nhiều hay ít không quan trọng bằng chất lượng, hiệu quả kinh doanh của cả nền kinh tế.

Dưới một góc nhìn khác về hiện tượng này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Ngoài yếu tố là vốn thì hiện tượng này cũng cho thấy những cách làm cũ, mô hình cũ của DN đã không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Phá sản là chuyện bình thường của cơ chế thị trường, hàng loạt DN phá sản nhưng tổng các yếu tố không đổi, tổng con người, tổng tài sản trong quốc gia không đổi. DN phá sản hàng loạt cũng là một cơ hội để thay đổi hình thức quản lý, hình thức sở hữu.

“Trong thời gian tới, quá trình phá sản, sáp nhập sẽ tiếp tục. Quá trình đó gắn với xu hướng tái cấu trúc của DN. Đó là xu thế không thể đảo ngược bởi vì sức đề kháng của DN Việt Nam đang yếu, mức độ cạnh tranh thấp. Các DN có máy móc, công nghệ hiện đại chỉ chiếm 1/3, vì thế rất dễ thua ngay trên sân nhà”, TS Phong nhấn mạnh.

Thanh Ngọc