Đỉnh cao nghệ thuật đàm phán thương mại Mỹ-Trung

14:27 | 10/05/2019

1,876 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ 11h01 (theo giờ Việt Nam) ngày 10/5, việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức có hiệu lực bất chấp những nỗ lực đàm phán giữa Bắc Kinh và Washington đang bước sang ngày thứ hai.
dinh cao nghe thuat dam phan thuong mai my trung
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer

Ngày 9/5 (theo giờ Washington), Trung Quốc và Mỹ tiến hành vòng đàm phán thứ 11 để giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, kéo dài hơn một năm qua. Ngày hội đàm thứ nhất đã kết thúc mà không có đột phá gì. Đây là kết quả không bất ngờ vì trước đó hai bên đã tung ra những nước cờ vô cùng quyết liệt trước “trận đấu”.

Một tuần trước khi vòng đàm phán tại Washington bắt đầu, ngày 3/5, Tổng thống Trump nhận được một công điện ngoại giao từ Bắc Kinh, trình bày một bản dự thảo thỏa thuận thương mại. Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters ngày 8/5 rằng trong toàn bộ 7 chương dài gần 150 trang của bản dự thảo này, Trung Quốc đã xóa bỏ những cam kết của họ về việc sửa đổi các luật nhằm giải quyết những vấn đề đã khiến Washington phát động cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh: vấn đề bản quyền và bí mật thương mại, ép buộc chuyển giao công nghệ, chính sách cạnh tranh, thao túng tiền tệ và tiếp cận các dịch vụ thương mại. Theo Reuters, bản dự thảo mà Bắc Kinh sửa đổi đã phá hỏng hàng mấy tháng trời thương lượng giữa hai nước.

Vẫn theo Reuters, việc loại bỏ những từ ngữ pháp lý mang tính ràng buộc trong dự thảo đã tác động trực tiếp vào ưu tiên hàng đầu của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người xem những thay đổi trong các quy định của Trung Quốc là cần thiết để xác minh việc tuân thủ của Bắc Kinh, sau nhiều năm các quan chức Hoa Kỳ gọi cam kết cải cách của Trung Quốc là chỉ những lời “hứa suông”. Ông Lighthizer mạnh mẽ thúc đẩy một cơ chế bắt buộc phải thi hành, giống như những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên hay Iran, hơn là một thỏa thuận thương mại thông thường.

Sau bức công điện là cuộc điện thoại của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với đại diện Thương mại Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ông Lưu Hạc nói rằng Mỹ phải tin tưởng là Trung Quốc sẽ thực hiện toàn bộ các cam kết của họ thông qua các sửa đổi về luật lệ và hành chính. Nhưng hai lãnh đạo thương mại và tài chính của Hoa Kỳ đáp lại rằng nói như thế là không thể chấp nhận được.

Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên Twitter đe dọa rằng do Bắc Kinh đã từ bỏ những cam kết chủ yếu, việc tăng thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc, tạm hoãn từ đầu tháng 1/2019, sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 10/5 (theo giờ Mỹ). Ông Trump cũng nói rằng ngay sau đó, ông sẽ áp đặt 25% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc (mà cho đến nay vẫn được miễn) với tổng số tiền là 325 tỷ đô la. Nếu ông Trump thực hiện các đe dọa này thì hầu như là tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đều bị đặt dưới tác động nặng nề của thuế quan. Ông Trump tuyên bố rằng các biện pháp đã được đưa ra "đóng vai trò là một trong những thành tựu tuyệt vời của nền kinh tế Mỹ".

Một ngày trước khi quan chức Trung Quốc sang Washington đàm phán, tối 8/5, tại một cuộc họp ở bang Florida, Tổng thống Trump một lần nữa tuyên bố: “Chúng ta sẽ tăng thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc cho đến khi họ ngưng đánh cắp các việc làm của chúng ta”. Ông Trump khẳng định là Bắc Kinh đã đơn phương phá vỡ thỏa thuận về thương mại.

Vài giờ trước khi bước vào vòng đàm phán, Bắc Kinh lên tiếng đổ lỗi cho phía Washington. Đồng thời Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo “sẽ không đầu hàng trước áp lực”. Nếu Hoa Kỳ tăng thuế hải quan lên 25%, sẽ là leo thang chiến tranh thương mại và Trung Quốc không còn cách nào khác ngoài việc có những biện pháp chống lại. Đó là nội dung chính của bản thông cáo hết sức ngắn, vỏn vẹn 80 từ, được công bố vào lúc 23h23 ngày 8/5 trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Còn báo chí Trung Quốc thì lên tiếng trấn an. Thời báo Tài chính gọi những lời của ông Trump là quá cường điệu, chỉ để nhằm “nắn gân” phía chính quyền Trung Quốc. Tờ báo dẫn lời các chuyên gia tin rằng bây giờ Trung Quốc, đã hồi phục sau cú sốc đầu tiên của cuộc chiến thương mại, đang ở một vị thế tốt hơn và có thể có đủ cả thế lẫn lực để trì hoãn thỏa thuận, thậm chí có thể đối phó với khả năng đàm phán thất bại. Trang web báo The Paper của Trung Quốc so sánh cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung hiện nay với cuộc chiến tranh Triều Tiên, phải thương lượng đồng thời chiến đấu trong 3 năm trời.

Bất chấp những tranh cãi nảy lửa giữa hai bên, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người dẫn đầu các cuộc đàm phán bên phía Bắc Kinh, vẫn đến Hoa Kỳ để tiếp tục đàm phán dự kiến kéo dài trong 2 ngày, từ ngày 9-10/5 theo giờ Mỹ.

Phản ứng về việc Mỹ áp thuế mới với hàng nhập khẩu Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong một cuộc họp báo rằng, sự tôn trọng lẫn nhau chính là cơ sở để đạt được thỏa thuận thương mại. “Áp đặt thêm thuế quan không thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào”, Reuters dẫn lời ông Cảnh Sảng nói. “Các cuộc đàm phán, về bản chất, là một quá trình thảo luận. Hai bên khác biệt nhau là điều bình thường. Trung Quốc không trốn tránh vấn đề và chân thành trong việc tiếp tục đàm phán”, người phát ngôn Trung Quốc nói. “Chúng tôi hy vọng phía Hoa Kỳ có thể cố gắng hết sức với Trung Quốc để thỏa hiệp với nhau và trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các mối quan tâm hợp lý của nhau và cố gắng đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi”, ông Cảnh Sảng nói thêm.

Thái độ sẵn sàng tiếp tục đàm phán của Bắc Kinh khi đối mặt với những tuyên bố cứng rắn từ phía Mỹ cho thấy họ sẽ giữ bình tĩnh và “tập trung vào các cuộc đàm phán thay vì tham gia vào cuộc chiến công khai”, tờ Hoàn cầu Thời báo viết. Nhưng các giới chức Hoa Kỳ có rất ít hy vọng rằng ông Lưu sẽ đưa ra bất kỳ đề nghị nào để mang cuộc đàm phán trở lại đúng hướng, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết.

Theo tin mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/5 cho biết, ông mới nhận được một bức thư từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông có thể sẽ có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc. Theo ông Trump, Chủ tịch Tập đã đề nghị hai bên cùng hợp tác để có thể đạt được sự nhất trí chung. Tổng thống Trump cũng tin tưởng hai bên vẫn có thể đạt được thỏa thuận trong tuần này khi các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

H.Phan (Theo AFP)

dinh cao nghe thuat dam phan thuong mai my trungNăm 2019: Nhìn lại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc
dinh cao nghe thuat dam phan thuong mai my trungQuân đội Mỹ-Trung Quốc vẫn liên lạc với nhau bằng kỹ thuật “cổ lỗ sĩ”

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc