Điều chỉnh quy hoạch Dự án tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ
Theo đó, năm 2013, Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch Dự án tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ (gọi tắt là Dự án) có chiều dài 173,677 km đi qua các tỉnh, thành gồm: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ. Tuyến đường sắt có điểm đầu tiếp nhận hàng hóa tại ga An Bình (TX. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm đầu tiếp nhận khách tại ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP HCM) và điểm cuối tại ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ).
Dự án được đề xuất phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, song nhà đầu tư đề xuất chỉ đầu tư giai đoạn 1 từ ga Tân Kiên đến ga Cái Răng với chiều dài 139,6km đi qua các tỉnh, thành gồm: TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ. Giai đoạn 2 đầu tư từ ga An Bình đến ga Tân Kiên (TP HCM) và nhánh đường sắt vào cảng Hiệp Phước có chiều dài 33,6km, nhà đầu tư đề xuất không thực hiện. Tổng mức đầu tư dự kiến là 4.482,97 triệu USD, đầu tư theo hình thức BOT.
![]() |
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn đã trình bày đề xuất điều chỉnh quy hoạch Dự án. Theo đề xuất quy hoạch mới, đoạn từ ga Tân Kiên đến ga Cái Răng (qua địa phận TP HCM, Long An, Tiền Giang) sẽ điều chỉnh theo hướng đi song song với cao tốc TP HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận. Theo đơn vị tư vấn, việc điều chỉnh này nhằm mục đích tạo các quỹ đất xung quanh các nhà ga để phát triển TOD nhằm tạo nguồn vốn cho Dự án.
Bên cạnh đó, việc đầu tư song song và chung hành lang với đường bộ cao tốc sẽ giảm diện tích chiếm dụng, khối lượng và chi phí giải phóng mặt bằng; đồng thời tận dụng được các đầu mối giao thông liên kết với đường bộ cao tốc… Ngoài ra, việc đầu tư Dự án theo đề xuất điều chỉnh quy hoạch giúp chiều dài tuyến giảm khoảng 1km. Chi phí đầu tư cho phương án này là hơn 4.833,68 triệu USD.
Trước đề xuất của đơn vị tư vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, trong thời gian tới, 2 đơn vị tư vấn phải nỗ lực rất nhiều để điều chỉnh quy hoạch Dự án. Bởi theo đánh giá, đề xuất mới chưa đủ thông tin, cơ sở để Bộ GTVT quyết định điều chỉnh quy hoạch Dự án. Đơn vị tư vấn chưa chứng minh được phương án mới tốt hơn phương án cũ. “Giao thông đường sắt không thể lẻ loi mà phải kết nối với giao thông đường bộ, thủy, hàng không và cảng biển” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu, trong báo cáo tới đây, đơn vị tư vấn phải báo cáo Bộ GTVT về phương án kết nối giao thông tại các nhà ga. Mỗi nhà ga cần tính toán để khai thác quỹ đất hiệu quả mang tính kết nối giao thông và các đô thị. Trên tinh thần đó, Bộ GTVT đề nghị các đơn vị có liên quan khẩn trương điều chỉnh quy hoạch Dự án; tính toán lại phân kỳ đầu tư… Bộ GTVT đánh giá rất cao Dự án, nếu dự án sớm hoàn thành thì sẽ góp phần thúc đẩy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.
Thành Phong
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025