Diễn viên Trịnh Kim Chi: "Kinh doanh theo ngẫu hứng là "tự sát""

07:28 | 11/08/2013

5,635 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là một nhan sắc đã có thời gian dài dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh, diễn viên Trịnh Kim Chi chia sẻ: “Với thời buổi kinh tế khó khăn như hiện tại, thì việc nghệ sĩ thất bại trong kinh doanh cũng là lẽ thường tình”.

- Nhan sắc và danh tiếng có phải là lợi thế để một nghệ sĩ như chị quyết định lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh không thưa chị?

- Nói vậy thì cũng đúng, bởi đó là một thực tế mà. Một nghệ sĩ bước vào kinh doanh thì đó là điều thuận lợi và cần nghĩ đến đầu tiên. Rõ ràng đó là “vốn” đã có hơn người khác, nên mình cũng nên tận dụng điều đó.

Sự thật là trước khi Chi bước vào kinh doanh, Chi đã nghĩ rằng mình đã có một lớp khán giả đến với mình như thế rồi, tại sao mình không làm một cái gì đó để phục vụ họ! Rồi suy đi tính lại thì việc làm đẹp cho người khác là một điều bản thân mình vừa muốn, là ước mơ, là máu nghề và cũng là điều mình dành cho khán giả của mình nữa.

Kinh doanh cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và lường trước được vấn đề phát sinh

- Tất nhiên, có nhiều lý do để dẫn đến con đường kinh doanh. Chị vừa nói rằng đó là sở thích và ước mơ của chị. Vậy một cái nhìn bao quát, theo chị thì điều gì khiến kinh doanh hấp dẫn với nghệ sĩ đến vậy?

- Đúng là mỗi người có một lý do của riêng mình. Người làm vì thích, người làm vì mối lo cơm áo gạo tiền. Nhiều ý kiến cho rằng, làm nghệ thuật thì tuổi nghề ngắn nên buộc nghệ sĩ phải lăn lộn. Nhưng đâu phải điều gì muốn là cũng được đâu. Kinh doanh cũng cần phải có tố chất và may mắn nữa. Nếu cứ xuề xòa thì rất dễ là thất bại.

- Đó cũng là điều mà nhiều người nghi ngại, mà nói thật là không tin tưởng vào việc nghệ sĩ kinh doanh?

- Nói như vậy thì e rằng “vơ đũa cả nắm”, thực tế có nhiều nghệ sĩ kinh doanh vẫn thành công đó thôi.

- Nhưng xét về bản chất thì rõ ràng hai môi trường này khác nhau hoàn toàn. Một bên thì lãng mạn, nghệ sĩ... một bên thì phải chi li tính toán và phải thừa nhận rằng khốc liệt?

-  À, điều này thì đương nhiên rồi. Nghệ sĩ thì cũng như những người bình thường khác, họ sẽ làm điều mà họ cho là thích và làm được. Cũng như trên sân khấu, là máu nghề là muốn được tung hoành thì ngoài đời họ cũng muốn làm vậy, đó là lựa chọn của họ. Nhưng xét về môi trường thì đúng là có khác. Vậy nên mới đòi hỏi phải tính toán kỹ lưỡng rằng, thực sự mục đích của mình là gì, mình muốn gì ngay từ đầu.

Như bản thân Chi, Chi yêu thích công việc làm đẹp và cảm thấy rằng mình có năng khiếu với nghề này, mình phải đầu tư đi học và chuẩn bị kỹ các khâu. Một khi đã làm, đã quyết tâm thì mình sẽ cố gắng, đầu tư từ tiền bạc công sức vào lĩnh vực đó. Rồi khi đầu tư vào thì mình phải có trách nhiệm, chứ không thể làm chơi được.

Thường tâm lý nghệ sĩ là tặc lưỡi rằng, ừ thôi làm thử coi, người ta làm được thì mình làm được. Rồi được thì được, không được thì thôi quay lại với nghề, coi như dạo chơi. Đúng là đã có những trường hợp đó, nhưng như thế là do tự họ chuốc lấy thôi. Thực tế, có nhiều nghệ sĩ kinh doanh rất thành công. Bởi họ xác định được rằng đó cũng là một cái nghề, nó giúp cho cuộc sống của mình tốt hơn và nó giúp cho mình có kinh nghiệm sống nhiều hơn.

Kinh doanh không có chỗ cho sự bốc đồng và ngẫu hứng

- Vậy đã có thời gian trải nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, chị thấy rằng kinh doanh cho chị những kinh nghiệm gì, nó có hậu thuẫn cho con đường hoạt động nghệ thuật của chị nhiều không?

- Thời gian bước vào kinh doanh đã giúp Chi nhận ra nhiều điều. Nói là kinh nghiệm sống thì quả là hơi mơ hồ, nhưng là đúng. Ví dụ như bản thân mình khi làm Spa, được tiếp xúc với rất nhiều người, khi họ đến làm dịch vụ, họ có nhu cầu chia sẻ. Những niềm vui, nỗi buồn của gia đình, mỗi người một tâm trạng, một số phận... Mình lắng nghe họ, nắm bắt được tâm lý của mọi người trong xã hội để rút ra kinh nghiệm. Rồi mỗi khi diễn trên sân khấu, bất chợt gặp lại những tình huống đó, thì mình nhớ lại rồi hóa thân vào vai diễn, đã có những phút xuất thần để mình diễn tốt hơn, đó cũng là một cái hay. Còn về lâu dài, rõ ràng kinh doanh thuận lợi, giúp mình an tâm theo đuổi nghệ thuật mà không bị những mối lo khác chi phối.

- Nhưng nói gì thì nói, nghệ sĩ khi bước vào kinh doanh cũng có những thuận lợi hơn người, có điều họ có biết tận dụng nó hay không?

- Có thuận lợi, đó là đã có danh tiếng và một số lượng “khách hàng” nhất định, vì tình yêu với nghệ sĩ mà họ đến. Nhưng đó chỉ là thứ ban đầu thôi. Có những người họ đến vì tò mò, xem nghệ sĩ này làm kinh doanh ra sao, phục vụ của người này thế nào? Còn nếu không tốt thì mình lại mất đi nhiều chứ. Vậy nên, giữ được lâu dài mới là khó, nó là chữ tín, nên để khách hàng đến với mình, ở lại với mình cũng là do mình.

Đúng là việc tận dụng thuận lợi là do mỗi người. Điều thường thấy ở nghệ sĩ là thói bốc đồng, mà đúng là bốc đồng thì mới làm nghệ sĩ. Nên nhiều khi họ nghĩ rằng, người khác làm được thì mình cũng làm được. Mình có tiếng tăm, có cái này, cái kia tại sao mình không làm? Có những người họ mở ra chỉ vì một phút ngẫu hứng, ví như muốn mở hàng ăn chỉ là vì muốn mình có một nơi đi đi về về, rồi chỗ để gặp mặt bàn bè, rằng làm quán thì chỉ cần thuê đầu bếp về nấu là xong... Như vậy thì quá đơn giản nhưng thực tế so với suy nghĩ là khác nhau rất nhiều. Đó là những phút ngẫu hứng.

- Đúng là bốc đồng và ngẫu hứng là điều thường thấy ở nghệ sĩ. Và điều này lại vô tình tối kỵ đặc biệt trong kinh doanh. Phải chăng vì thế mà đem đến những thất bại trong thời gian vừa qua?

-  Cũng là một lý do. Nếu ai biết chế ngự những phút thăng hoa, chỉ có trong nghệ thuật thì người đó thành công. Thực tế, nhiều nghệ sĩ thành công rồi, thậm chí họ còn là người quyết đoán và cực nhanh nhạy.

Không phải điều gì muốn là cũng có thể làm được

- Vậy theo chị thì, điều gì là cần thiết nhất trong kinh doanh?

- Làm kinh doanh là một việc vô vùng phức tạp, phải vận động liên tục, suy nghĩ làm sao cho có khách, có khách rồi thì phải giữ được họ, để họ đến với mình thường xuyên hơn, rồi những mối quan hệ nhân viên, khách hàng. Làm sao để nhân viên trung thành với mình, và mình thì lo được cho họ xứng đáng với công sức họ bỏ ra, rồi chi tiêu làm sao, lời lỗ như thế nào... nói chung là rất đau đầu. Cũng chính vì thế mà nếu kinh doanh theo ngẫu hứng là coi như "tự sát".

Đồng tiền mình bỏ ra cũng là mình rất vất vả mới có được, đó là những giọt mồ hôi trên sân khấu, nên mình nên có trách nhiệm với nó. Bản thân Chi rất không thích kinh doanh theo kiểu, mình bỏ tiền ra rồi thuê quản lý về để họ làm tất. Cuối tháng họ báo cáo cho mình, và có khi báo cáo lỗ thì còn chẳng biết vì sao mà lỗ. Đó là sự tắc trách. Vậy mới nói, làm gì cũng nên chuẩn bị kiến thức một cách kỹ lưỡng, chứ không thể chơi chơi được.

- Thuê quản lý hoặc bán thương hiệu là điều thường thấy ở giới nghệ sĩ khi kinh doanh, chị không đồng tình với việc đó?

- Cũng không hẳn đồng tình hay không, bởi việc nên hay không nên là tùy vào suy nghĩ của mỗi người. Còn như bản thân Chi thì sẽ không bán, vì tự mình kinh doanh thì tốt hơn chứ. Bán thương hiệu, tên tuổi cho người ta rồi thì lại phụ thuộc vào họ, họ làm ăn tốt thì không sao nhưng làm ăn thua lỗ thì thế nào, mình cũng mất đi nhiều thứ chứ. Đó là sự mạo hiểm. Việc này cần đưa lên bàn cân mà cân đo cho rõ ràng.

Có nhiều người có suy nghĩ rằng tại sao mình có tiếng mình không bán, mình đứng ra mình được làm giám đốc mà chẳng cần làm gì hết lại còn được khuếch trương thương hiệu của mình... Đó là cách tùy từng người tiếp nhận, Chi không muốn bàn tán. Nhưng Chi thì muốn lăn xả vào mới là cái thú. Còn thử hỏi, nếu có ai hỏi đến việc liên quan đến kinh doanh mà mình không biết thì buồn cười lắm. Công việc nào cũng vậy, mình lăn xả với nó thì thành công hay thất bại mình cũng không phải hối tiếc.

- Vậy theo chị thì, nên nghĩ sao về những hiện tượng nghệ sĩ kinh doanh gặp thất bại?

-  Nói là cảm thông thì là do nghệ sĩ cảm thông cho nhau thôi. Thật sự là cũng khó để nói nên cảm thông hay không bởi mỗi người một trường hợp. Ngày trước thì việc nghệ sĩ thất bại trong kinh doanh có nặng nề hơn, chứ bây giờ thì cũng nhẹ nhàng mà. Vì giờ nhiều nghệ sĩ làm kinh doanh, và cũng nhiều nghệ sĩ thất bại nên nó cũng trở thành bình thường thôi. Thời buổi kinh tế khó khăn, ai cũng có thể thất bại, với một nghề nhiều mạo hiểm như vậy thì không thể nói trước được điều gì.

Vâng, cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Huyền Anh (Thực hiện)