Phó cục trưởng Cục y tế Dự phòng Đặng Quang Tấn

Diễn biến dịch sởi còn phức tạp

10:28 | 26/02/2019

433 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi đang diễn ra trên toàn quốc, nhất là đã có ca 28 tuổi biến chứng viêm não, viêm màng não sau sởi tại Hà Nội, ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã trả lời báo chí về tình hình dịch sởi hiện nay, đồng thời dự báo khả năng sắp tới của dịch sởi.

Dịch sởi bùng phát ở cả 5 châu

PV: Thưa ông, diễn biến bệnh sởi năm nay hình như có bất thường?

dien bien dich soi con phuc tap

Ông Đặng Quang Tấn: Từ đầu năm 2019, toàn quốc ghi nhận 429 trường hợp mắc sởi trong tổng số 5.246 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, không có trường hợp tử vong. Số trường hợp mắc bệnh cao nhất ở nhóm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Chủ yếu bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (95%).

Số mắc sởi năm nay vẫn thấp hơn so với số trung bình của 5 năm gần đây (không kể đợt dịch năm 2014). Bên cạnh đó, tính đến thời điểm này, trên thế giới có hơn 180 quốc gia ghi nhận trường hợp sởi. Đặc biệt tất cả các châu đều ghi nhận có bệnh sởi. Đông Nam Á có 11 quốc gia thì tất cả 11 quốc gia đều ghi nhận trường hợp sởi. Các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, châu Úc cũng ghi nhận có trường hợp sởi. Đặc biệt châu Âu có những quốc gia đã công bố loại trừ sởi như Italia, Ukraina… thì sởi cũng đã quay trở lại. Qua đó có thể thấy rằng, năm 2018 và đầu năm 2019, dịch sởi trên toàn thế giới đã ghi nhận rất nhiều. Và Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh đó.

PV: Vậy dịch sởi Việt Nam ở mức độ nào so với những quốc gia bùng phát dịch sởi?

Ông Đặng Quang Tấn: So với các quốc gia trong khu vực hoặc một số quốc gia trên thế giới, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ mắc rất thấp. Vì ngay từ 2018, Bộ Y tế đã triển khai, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống sởi bao gồm tiêm vắc-xin sởi - rubella cho các tỉnh có nguy cơ và những đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng. Chính vì vậy con số mắc sởi năm 2019 của Việt Nam so với các quốc gia khác thấp hơn.

dien bien dich soi con phuc tap
Một thai phụ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

PV: Thưa ông, việc bùng phát dịch sởi đang được cho rằng nguyên nhân chính từ việc tẩy chay tiêm vắc-xin của nhiều phụ huynh. Theo ông, có đúng như vậy không?

Ông Đặng Quang Tấn: Tẩy chay vắc-xin là quan niệm sai lầm của một số người, họ cho rằng tiêm vắc-xin sẽ có hại nên không tiêm phòng bệnh. Nhưng như vậy thì sẽ gặp nhiều nguy cơ, bởi không tiêm thì con cái, người thân và bản thân họ sẽ mắc bệnh, không chỉ bệnh sởi mà còn nhiều bệnh khác. Bằng chứng rõ ràng là nếu Việt Nam không có chương trình tiêm chủng mở rộng từ những năm 80 của thế kỷ trước thì nguy cơ trẻ sẽ gặp rất nhiều bệnh.

Cụ thể như bệnh bại liệt, sơ sinh, uốn ván… nếu không có vắc-xin thì làm sao loại trừ được. Hay như bệnh sởi từ hàng trăm nghìn ca đến nay đã giảm rất nhiều. Rõ ràng nếu không có vắc-xin thì làm sao giảm được như vậy. Và cũng từ đó để thấy, việc bùng phát dịch sởi năm nay xuất phát từ một nguyên nhân là nhiều cha mẹ không tiêm vắc-xin cho con. Đã có tới 95% trẻ mắc sởi là chưa tiêm chủng và không rõ tình trạng tiêm chủng như tôi đã nói trên đó thôi. Rồi cũng từ trẻ mắc sởi chưa tiêm chủng đó lây nhiễm chéo, càng làm số ca mắc tăng thêm.

Vì sao người lớn cũng mắc sởi?

PV: Nhưng thưa ông, không chỉ có trẻ nhỏ mà cả người lớn, bà mẹ đang mang thai và cả trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng sởi - rubella cũng mắc. Vậy có thể hiểu vấn đề này như thế nào?

Ông Đặng Quang Tấn: Như ta đã biết, sởi là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, lây qua đường hô hấp do virus sởi gây ra. Những người được tiêm chủng đầy đủ (2 mũi theo đúng lịch tiêm chủng) sẽ có miễn dịch lâu đời thì khả năng mắc và lây bệnh rất ít. Còn những trường hợp chưa mắc lần nào và không được tiêm chủng đầy đủ thì sẽ rất dễ lây.

Tôi cho rằng phụ nữ mang thai mắc sởi bởi nhiều lý do. Thứ nhất họ không tiêm vắc-xin, hoặc trước đó họ chưa mắc sởi nên không có miễn dịch, thành ra khi trưởng thành và mang thai thì họ sẽ bị lây.

Còn với trẻ như đối tượng dưới 9 tháng tuổi cũng ghi nhận sởi (chưa đến tuổi tiêm vắc-xin sởi) đó là do những bà mẹ không tiêm vắc-xin sởi thì không có kháng thể sởi để truyền sang con. Chính vì vậy, những đứa trẻ này sẽ dễ mắc bệnh. Như vậy chung quy lại, tình trạng sởi xảy ra như hiện nay là do vấn đề tiêm chủng rubella - sởi thấp hơn so với nhu cầu. Như thống kê hiện nay, cả nước chỉ có 1,3% trẻ đã được tiêm chủng đầy đủ các mũi phòng rubella - sởi, trong khi đó có 54,8% không được tiêm chủng.

PV: Trước diễn biến như vậy, ông có thể cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp gì để phòng, chống bệnh sởi?

Ông Đặng Quang Tấn: Để chủ động phòng, chống dịch sởi, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp. Cụ thể, đã ban hành các văn bản phòng chống dịch bệnh sởi gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành y tế và các ngành liên quan rà soát, đánh giá, xác định đối tượng, độ tuổi, vùng nguy cơ cao bùng phát bệnh để tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung, tiêm vét vắc-xin phòng bệnh sởi cho đối tượng nguy cơ. Thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh. Tổ chức điều tra và khoanh vùng xử lý ổ dịch. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác điều trị bệnh sởi và sẵn sàng cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh…

Thời gian tới dịch bệnh sởi có thể tiếp tục ghi nhận nhiều ca mới tại các tỉnh do trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ. Bên cạnh đó, thời tiết mùa đông - xuân thuận lợi cho virus sởi lây truyền, người dân đi lại dịp Tết và sau Tết tăng cao. Hiện dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam, nên nguy cơ cao lây lan và bùng phát dịch nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. Chúng ta không được chủ quan và phải làm tốt công tác cách ly trong bệnh viện, phân khu phân luồng điều trị đúng theo quy định của Bộ Y tế, tiêm chủng mở rộng cho trẻ 9 tháng và vắc-xin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đảm bảo đúng lịch, đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 95% quy mô xã, phường…

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hiện nay, cả nước chỉ có 1,3% trẻ được tiêm chủng đầy đủ các mũi phòng rubella - sởi, trong khi đó có 5,8 không được tiêm chủng

Nguyễn Anh