Điểm nhấn trong phát biểu "chào sân" của Tổng thống Biden tại Liên Hợp Quốc

07:51 | 22/09/2021

71 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Joe Biden đưa ra hàng loạt thông điệp và khẳng định cam kết của Mỹ trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 21/9.
Mỹ tuyên bố sẽ chống lại hành vi Mỹ tuyên bố sẽ chống lại hành vi "nước mạnh chèn ép nước yếu hơn"
Mỹ có thể vượt thách thức để đạt mục tiêu không phát thải ròng?Mỹ có thể vượt thách thức để đạt mục tiêu không phát thải ròng?
Điểm nhấn trong phát biểu chào sân của Tổng thống Biden tại Liên Hợp Quốc - 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 21/9 (Ảnh: AP).

Không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới

Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, mà sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào, trong bài phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ.

"Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay một thế giới bị chia cắt thành những khối cứng nhắc. Mỹ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ và theo đuổi giải pháp hòa bình để cùng giải quyết những thách thức chung, ngay cả khi chúng tôi có những bất đồng gay gắt trong các lĩnh vực khác - bởi vì tất cả chúng ta đều phải gánh chịu hậu quả cho sự thất bại của chính mình nếu không cùng nhau giải quyết các mối đe dọa cấp bách như Covid-19, biến đổi khí hậu hoặc các mối đe dọa kéo dài như phổ biến vũ khí hạt nhân", ông Biden nói.

Phát biểu của ông Biden được đưa ra sau khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 20/9 cảnh báo cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngăn cản nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Mặc dù không đề cập tới Trung Quốc, song nhà lãnh đạo Mỹ phản đối việc các nước mạnh hơn lấn lướt các nước yếu hơn trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc.

"Chúng tôi sẽ hỗ trợ các đồng minh và bạn bè của chúng tôi, đồng thời phản đối nỗ lực của các nước lớn chèn ép các nước nhỏ hơn nhằm làm thay đổi nguyên trạng lãnh thổ thông qua vũ lực, cưỡng ép kinh tế, khai thác công nghệ hay bóp méo thông tin", ông Biden nói.

Tổng thống Biden cũng tuyên bố Mỹ sẽ kiên quyết bảo vệ các lợi ích sống còn của nước này và các đồng minh. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng nói rằng sức mạnh quân sự của Mỹ chỉ là "phương án cuối cùng" và "không thể được coi là giải pháp cho mọi vấn đề trên thế giới".

"Trong 8 tháng qua, tôi đã ưu tiên xây dựng lại các liên minh của chúng tôi, vực dậy các mối quan hệ đối tác của chúng tôi và công nhận các mối quan hệ đó là yếu tố cần thiết và trọng tâm đối với an ninh và thịnh vượng lâu dài của Mỹ", ông Biden cho biết.

Giải quyết vấn đề toàn cầu

Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ với chủ nghĩa đa phương, khẳng định Mỹ đang lấy lại vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu.

"Chúng tôi đã trở lại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, để tập trung sự quan tâm và thúc đẩy hành động toàn cầu đối với những thách thức chung. Chúng tôi tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới và hợp tác chặt chẽ với sáng kiến COVAX để cung cấp vắc xin bảo vệ mạng sống người dân trên khắp thế giới. Chúng tôi đã tái gia nhập thỏa thuận khí hậu Paris và chúng tôi đang chạy đua để giành lại ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào năm tới", ông Biden phát biểu.

Ông Biden cho biết Mỹ vẫn sẽ cam kết ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và đang làm việc với nhóm P5+1 để đưa Iran trở lại bàn đàm phán. Ngoài ra, Mỹ cũng nghiêm túc theo đuổi chính sách ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Biden nhấn mạnh những nỗ lực của Mỹ trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 toàn cầu, trong đó máy bay chở vắc xin từ Mỹ đã hạ cánh xuống 100 quốc gia, mang đến cho người dân trên khắp thế giới "liều hy vọng". Ông cho biết Mỹ đã chi hơn 15 tỷ USD để ứng phó với Covid-19, vận chuyển hơn 160 triệu liều vắc xin Covid-19 đến các quốc gia khác.

"Nhằm đối phó đại dịch, chúng ta cần cùng nhau hành động khoa học và có ý chí chính trị. Chúng ta cần tiêm chủng nhanh nhất có thể và mở rộng khả năng tiếp cận ôxy, xét nghiệm, các phương pháp điều trị để cứu lấy những sinh mạng khắp thế giới", ông Biden nói thêm.

Khép lại kỷ nguyên chiến tranh bất tận

Tổng thống Biden kêu gọi các quốc gia cùng hợp tác với Mỹ trong việc chống biến đổi khí hậu, đồng thời cho biết chính quyền của ông sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để "tăng gấp đôi ngân sách hỗ trợ các nước đang phát triển" chống lại biến đổi khí hậu. Ông Biden cũng khẳng định cam kết của Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố - mối đe dọa đối với mọi quốc gia trên thế giới.

Tổng thống Biden cũng đề cập tới việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm chiến tranh.

"Chúng tôi đã kết thúc 20 năm xung đột ở Afghanistan. Khi khép lại kỷ nguyên chiến tranh bất tận, chúng tôi đang mở ra một kỷ nguyên mới của ngoại giao không ngừng nghỉ, sử dụng sức mạnh của viện trợ phát triển của chúng tôi để đầu tư vào những cách thức mới nhằm hỗ trợ người dân trên khắp thế giới", ông Biden nói thêm.

Khép lại bài phát biểu, Tổng thống Biden kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau hành động để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

"Hôm nay tôi đứng ở đây, lần đầu tiên sau 20 năm, nước Mỹ không ở trong chiến tranh. Chúng ta đã bước sang trang mới. Tất cả sức mạnh, năng lượng, cam kết, ý chí và nguồn lực vô song, chúng tôi giờ đây tập trung hoàn toàn vào những gì ở phía trước, chứ không phải những gì ở phía sau", ông Biden nhấn mạnh.

Theo Dân trí