Mỹ có thể vượt thách thức để đạt mục tiêu không phát thải ròng?

09:13 | 21/09/2021

166 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hãng phân tích Wood Mackenzie mới đây đã có bài phân tích về những nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm đạt được mục tiêu không phát thải ròng carbon vào năm 2050 và trước mắt là không phát thải ròng carbon trong lĩnh vực sản xuất điện vào năm 2035.
Mỹ có thể vượt thách thức để đạt mục tiêu không phát thải ròng?
Ảnh: AP

Theo nghiên cứu mới đây của Wood Mackenzie, Mỹ có thể sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đạt được những mục tiêu nêu trên. Những hạn chế về công nghệ, thiết kế chính sách, cấu trúc thị trường và thậm chí cả nền tảng chính trị và hiến pháp của Mỹ đang cản trở quá trình giảm phát thải ròng carbon.

Trưởng bộ phận Thị trường và chuyển đổi năng lượng tại Wood Mackenzie David Brown cho biết, mặc dù gặp nhiều thách thức nhưng những nỗ lực của chính phủ Mỹ sẽ mang lại sự thay đổi lớn tại thị trường trong nước và giúp giảm lượng khí thải carbon toàn cầu. Các mục tiêu của chính quyền Tổng thống Biden có sự liên kết khá chặt chẽ với các biện pháp giúp thế giới đi đúng hướng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Những nỗ lực của Chính phủ Mỹ phải tập trung vào chuyển đổi năng lượng ở tất cả các phân khúc, lĩnh vực của ngành này. Ví dụ, năng lượng gió và năng lượng mặt trời sẽ phải trở thành nguồn sản xuất điện năng lớn nhất vào năm 2035, cùng với mở rộng áp dụng công nghệ thu gom và lưu trữ carbon.

Quá trình điện khí hóa và sử dụng hiệu quả năng lượng đóng vai trò rất quan trọng. Việc cải thiện hiệu suất năng lượng trong các tòa nhà, quy trình công nghiệp và sinh hoạt có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ. Việc tăng tốc độ chuyển đổi sang xe điện cũng rất quan trọng. Trong tháng 8 vừa qua, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh, trong đó đặt mục tiêu: nâng tỷ trọng số xe du lịch và xe tải nhẹ mới không phát thải vào năm 2030 lên 50%.

Trưởng bộ phận Vận tải đường bộ của Wood Mackenzie Ram Chandrasekaran cho biết, kịch bản không phát thải ròng carbon cho lĩnh vực giao thông vận tải tại Mỹ cho thấy, doanh số bán xe điện hàng năm tại Mỹ phải cao hơn ít nhất 50% so với kịch bản thông thường vào cuối thập kỷ này. Điều này giúp thị phần phương tiện không phát thải tăng lên 27% vào năm 2030. Mức doanh số bán xe điện cần thiết để đạt lộ trình không phát thải carbon trong ngành điện. Bên cạnh đó, những khách hàng mua xe điện sẽ thấy mức tiêu thụ điện trong gia đình họ tăng thêm từ 20-30%.

Chuyên gia Chandrasekaran cũng cho biết thêm, nếu doanh số bán xe điện tăng nhanh hơn so với kịch bản cơ sở của Wood Mackenzie, các nhà cung cấp dịch vụ và tiện ích Mỹ sẽ cần tập trung vào nâng cấp hệ thống sạc điện, nâng cao quản lý, độ tin cậy và khả năng truyền tải của mạng lưới điện để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng.

Đại điện một số nhà cung cấp điện tại Mỹ cũng đồng tình với nhận định này. Việc đạt được mục tiêu không phát thải ròng carbon trong ngành điện tại Mỹ vào năm 2035 là thách thức rất lớn. Trên cơ sở công nghệ và chính sách thị trường, những thách thức lớn nhất đối với tham vọng của chính quyền Mỹ là việc xây dựng nhanh chóng các đường dây truyền tải điện mới và gia tăng tốc độ điện khí hóa. Việc đáp ứng 66% nguồn điện sạch vào năm 2035 có lẽ là mục tiêu khả thi hơn.

Các chính sách đề xuất và khuyến khích đầu tư, kết hợp với khả năng cạnh tranh chi phí của các công nghệ NLTT giúp bổ sung nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời tương đối rẻ. Tuy nhiên, các giải pháp đảm bảo sự tin cậy và khả năng cung cấp điện ổn định, liên tục đều đắt tiền và chưa thực sự triển vọng. Một giải pháp lưu trữ năng lượng nhiều ngày là cần thiết trong một thế giới đa dạng, song Wood Mackenzie nhận định, thời lượng lưu trữ điện năng trong pin điện sẽ chỉ ở mức 10 - 15 giờ vào năm 2035.

Bên cạnh đó, các nhà máy điện khí sẽ cần được trang bị hệ thống thu gom và lưu trữ carbon (CCS), nhưng khả năng của công nghệ này trong việc đối phó với tình trạng phát thải carbon quy mô lớn cần phải được chứng minh. Ngay cả trong một nền kinh tế không phát thải ròng carbon, thì không phải tất cả các nguồn hydrocarbon sẽ bị loại bỏ khỏi hệ thống năng lượng của Mỹ. Ví dụ, nhiên liệu hóa thạch vẫn cần sử dụng dự phòng trên thị trường điện. Tất nhiên là nhà điều hành sẽ phải thu hồi khí thải từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Trong kịch bản không phát thải ròng carbon của Wood Mackenzie, Mỹ cần đạt 1 tỷ tấn hydrocarbon dự trữ hàng năm vào năm 2050, so với mức 25 triệu tấn/năm như hiện nay (tức tăng 40 lần).

Ngoài ra, các thị trường hydro cần được mở rộng và việc ứng dụng công nghệ CCS phải được triển khai nhanh chóng và trên quy mô lớn. Điều này đòi hỏi chi phí đầu tư đáng kể, cả ở khu vực nhà nước và tư nhân, cũng như cần những chính sách khuyến khích của chính phủ để thúc đẩy đầu tư. Các đề xuất chi phí liên quan đến khí hậu tại Mỹ đang ngày càng tăng lên và dự báo sẽ đạt 10.000 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2050 để đạt mục tiêu về khí hậu của chính quyền. Những lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Mỹ trong lộ trình không phát thải ròng gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải điện cao áp liên bang; thành lập quỹ giảm phát thải carbon để hỗ trợ các công nghệ CCS và hydro carbon thấp; phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng cho ngành điện trong dài hạn; quản lý sản xuất điện phân tán.

Thực hiện những thay đổi cần thiết để đưa nền kinh tế đạt mục tiêu không phát thải ròng carbon tại Mỹ là một thách thức đặc biệt đặt ra cho hệ thống quản lý nhà nước. Sự tách biệt quyền lực trung ương và hệ thống liên bang đặt ra những hạn chế đối với quyền hành pháp và khả năng của Tổng thống Biden trong việc đạt được những tiến bộ về chống biến đổi khí hậu so với những người đồng cấp ở nhiều quốc gia khác. Tổng thống Biden có thể sử dụng những công cụ hành pháp để nỗ lực giảm lượng khí thải, song sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý từ Đảng Cộng hòa và có thể bị các chính quyền kế tiếp đảo ngược. Có thể những mục tiêu tham vọng của Tổng thống Biden sẽ không thực hiện được, nhưng tín hiệu tích cực nhất hiện nay là Mỹ đã trở lại bàn đàm phán về chính sách khí hậu toàn cầu.

Tiến Thắng