Điểm nghẽn của xuất khẩu lúa gạo

11:04 | 27/02/2019

569 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành lúa gạo thấp; xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp; sản xuất thiếu tính bền vững... được xem là điểm nghẽn của xuất khẩu lúa gạo.

“Lời nguyền” chi phí cao, chất lượng kém

Một thực tế đang diễn ra trên thị trường hiện nay là giá lúa gạo giảm mạnh. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay từ cuối năm ngoái, giá lúa tươi tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2 này, sụt xuống còn 4.200 đồng - 4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài OM 504 giảm còn 4.500 đồng/kg. Xuất khẩu gạo tháng 1/2019 đạt 437,6 nghìn tấn với giá trị đạt 195,3 triệu USD, giảm 10,9% về khối lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

diem nghen cua xuat khau lua gao
Giá lúa gạo đang giảm mạnh

Trước tình hình đó, cách đây không lâu, ngày 19/2, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cuộc họp quan trọng bàn về các giải pháp trước mắt và lâu dài cho ngành lúa gạo. Trong đó, trước mắt giao Bộ Tài chính thu mua đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 với khối lượng 200 nghìn tấn gạo và 80 nghìn tấn thóc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì giải pháp Chính phủ đưa ra mới chỉ giải quyết tình thế khẩn cấp chứ chưa thể giải quyết triệt để vấn đề cho lúa gạo.

Nguyên nhân của sự sụt giảm giá lúa gạo trong thời gian qua được lý giải là do thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm, các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc. Nguyên nhân do nguồn cung dồi dào vì đang bước vào thu hoạch vụ lúa lớn nhất trong năm. Trong khi đó các thị trường quốc tế đang tiếp tục có sự cạnh tranh gia tăng về chất lượng, chủng loại và yêu cầu kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Trong đó, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành lúa gạo thấp; xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp; sản xuất thiếu tính bền vững...

Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 vừa được tổ chức, ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, đến nay ông vẫn bị ám ảnh bởi tài liệu của Ngân hàng Thế giới về “Toàn cảnh nông nghiệp Việt Nam - giảm chi phí, tăng chất lượng”. Theo tài liệu này, nông sản Việt, trong đó có ngành hàng lúa gạo, để không tiếp tục bị giải cứu, để nông dân không còn ngồi trên đống lửa, cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi lời nguyền “chi phí cao, chất lượng kém”.

HTX là giải pháp hàng đầu?

Trước thực trạng của ngành lúa gạo, ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nêu ý kiến cho rằng không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm, mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện. Điều đó cho thấy hợp tác xã (HTX) là giải pháp duy nhất trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy còn những rào cản về thể chế, nhưng Đồng Tháp đã, đang và sẽ kiên trì hướng đến mục tiêu đó trên nền các hơn 60 Hội quán nông dân - tiền đề để phát triển HTX.

diem nghen cua xuat khau lua gao
Sản xuất chung một quy trình sẽ giúp tăng chất lượng nông sản

Ông Hoan cho rằng, triết lý của HTX là lợi thế dựa trên quy mô. Quy mô HTX càng lớn, thành viên HTX càng nhiều, sẽ giúp giảm giá thành do lợi thế mua chung, tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán nhờ bán chung. Sản xuất chung một quy trình sẽ giúp tăng chất lượng nông sản.

Đồng thời Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng chỉ rõ: HTX không chỉ dừng lại là liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên, mà phải tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến trong một hay nhiều công đoạn nào đó của chuỗi ngành hàng. HTX không chỉ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, mà còn tổ chức các dịch vụ phi nông nghiệp, vừa mang lại nguồn thu cho HTX, vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên HTX và người dân nông thôn.

“Như vậy, nông dân vừa thu về được lợi nhuận từ sản xuất và chuỗi giá trị gia tăng, đồng thời và quan trọng hơn, là lợi ích nhận được từ giảm được chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản”, ông Hoan kết luận.

Xác định HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng. HTX là giải pháp duy nhất để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Vì thế, Bí thư Đồng Tháp đề nghị cần tách HTX nông nghiệp thành một Nghị định riêng, tiến dần đến ban hành Luật về HTX nông nghiệp. Và chúng ta không nên đặt mục tiêu huy động tăng trưởng của khu vực kinh tế hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vào GDP của nền kinh tế ít nhất trong 5-10 năm tới.

Hiện nay phát triển HTX vẫn đang được xem là mục tiêu hàng đầu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã phát triển 1.400 HTX, gấp 2,5 lần bình quân 6 năm trước, và gấp 4 đến 5 lần những năm đầu 2013 - 2014. Hiện cả nước có 6.400 HTX nông nghiệp yếu kém. Đến hết quý 2/2018, cả nước còn 709 HTX yếu kém đã ngừng hoạt động, cần giải thể. So sánh thu nhập của các hộ gia đình trong và ngoài HTX sẽ thấy các hộ nằm trong HTX có thu nhập bình quân cao hơn từ 1,3 đến 1,5 lần so với các hộ không tham gia HTX, nhưng quan trọng nhất là những người sản xuất trong HTX luôn được bảo đảm yên tâm về mặt tiêu thụ sản phẩm.

Việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 461/QĐ-TTg vào ngày 27/4/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tìm giải pháp cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng. Giải pháp này được đánh giá mang tính bền vững.

Minh Lê