Dịch sốt xuất huyết gia tăng mạnh tại khu vực phía Nam

21:29 | 22/05/2022

80 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại nhiều nơi trên cả nước, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến ngày 21/5, toàn quốc đã ghi nhận hơn 30 nghìn ca mắc, trong đó có 13 ca tử vong tập trung tại các tỉnh phía Nam.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, từ đầu năm đã có gần 300 trẻ bị sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó 10% là bị nặng. Các bệnh nhi chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận, điển hình như Đồng Tháp đã ghi nhận gần 500 trường hợp, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước và còn xảy ra sớm hơn gần 3 tháng với diễn biến phức tạp.

Tăng cao đột biến số ca mắc sốt xuất huyết phải kể đến TP HCM với hơn 350% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ ngày 6/5 đến 12/5, đã có 2 ca tử vong do phát hiện muộn, nhập viện khi đã quá nặng, nâng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 6 trường hợp.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trong tuần 19, thành phố ghi nhận 1.160 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 590 ca tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

PGS.TS.Bác sĩ Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM - cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 4, các bệnh viện tại TP HCM ghi nhận hơn 5.000 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu ở trẻ em, trong đó có hơn 110 ca nặng đang được điều trị.

Còn theo BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, tuy mới vào đầu mùa mưa tại TP HCM nhưng dịch sốt xuất huyết đã phức tạp, nếu không phòng dịch ngay thì dịch có thể lan rộng hơn.

Để bảo vệ bản thân cùng gia đình khi đang vào mùa mưa, ngành y tế lưu ý người dân không nên để nước ứ đọng tạo điều kiện cho lăng quăng sinh sôi phát triển. Khi phát hiện người lớn hay trẻ nhỏ sốt, mệt mỏi, đau cơ không rõ nguyên nhân, trên da có các nốt xuất huyết thì nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện, cơ sở y tế khám điều trị.

BS Trương Hữu Khanh hướng dẫn, khi đang có cả dịch Covid-19, tay chân miệng ở trẻ, sốt xuất huyết, nếu trong nhà có người bị sốt thì chỉ cần mua thuốc hạ sốt và vitamin. Trường hợp xét nghiệm biết chắc chắn là bệnh sốt xuất huyết thì vẫn dùng thuốc hạ sốt nhưng phải cẩn trọng, tránh dùng quá nhiều dẫn đến tổn thương gan.

Những trường hợp sốt cao cần phải tiếp cận bác sĩ sớm để được xét nghiệm máu, không được chần chừ tránh biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết. Nếu người bệnh chờ đến khi có các dấu hiệu nặng như: tay chân lạnh, tím tái, mạch không bắt được… mới đến bệnh viện thì việc điều trị sẽ rất khó khăn.

Bộ Y tế: Hướng dẫn phòng một số bệnh đang gia tăng tại các địa phươngBộ Y tế: Hướng dẫn phòng một số bệnh đang gia tăng tại các địa phương
Kịp thời cấp cứu trẻ bị sốc mất máu do sốt xuất huyết kèm xuất huyết tiêu hóa nặngKịp thời cấp cứu trẻ bị sốc mất máu do sốt xuất huyết kèm xuất huyết tiêu hóa nặng
Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết và Covid-19Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết và Covid-19
Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịchGia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch